Đoàn đua thuyền vòng quanh thế giới cập cảng Đà Nẵng

Khu vực đón đoàn thuyền vòng quanh thế giới bố trí ngay bên bờ sông Hàn. Ảnh: Thanh Trần
Khu vực đón đoàn thuyền vòng quanh thế giới bố trí ngay bên bờ sông Hàn. Ảnh: Thanh Trần
TP - Sáng nay (17/2), những đội đầu tiên trong đoàn đua thuyền Vòng quanh thế giới- Clipper 2015-2016 về đến Đà Nẵng trước sự đón chào nồng nhiệt của lãnh đạo và người dân thành phố. Lần đầu tiên Đà Nẵng - Việt Nam tham dự cuộc đua thuyền tầm cỡ quốc tế đầy mạo hiểm, thú vị, cũng là Cảng đăng cai và là Nhà tài trợ.

Từ nhiều ngày trước, thành phố đã khẩn trương chuẩn bị một khu vực dành riêng cho buổi lễ đón tiếp đoàn thuyền ngay tại cảng Đà Nẵng. Hai sân khấu dựng lên bên bờ  sông Hàn với hàng trăm bảng hiệu chào mừng, lối đi cho các thuyền viên, khu vực nghỉ chân, chỗ đứng của người dân… được bố trí rõ ràng, an toàn. Cuối tháng 11/2015, thành phố cũng đặt mô hình thuyền buồm đội Đà Nẵng - Việt Nam dưới chân cầu Rồng để thu hút sự quan tâm của người dân và du khách, đồng thời quảng bá cho sự kiện này.

Theo lịch trình dự kiến, các đội đua sẽ cập cảng Đà Nẵng theo thứ tự: Derry - Londonderry - Doire, Garmin, Great Britain, Lmax Exchange, Qingdao, Đà Nẵng - Việt Nam, ClipperTelemed, IchorCoal, PSP Logistics, Unicef;  Mission Performance, Visit Seattle. Từ 9h cho đến 21h cùng ngày, cứ cách một tiếng sẽ có một đội tiến vào cảng. Đặc biệt, vào khoảng 14h, đội Đà Nẵng - Việt Nam dưới sự dẫn dắt của nữ thuyền trưởng người Úc Wendy Tuck sẽ về với quê hương. Đội còn có thủy thủ Nguyễn Trần Minh An là người con Đà Nẵng đi cùng.

Khi các đội đua cập cảng, hàng ngàn người dân đứng trên bờ vẫy tay chào mừng cùng tiếng trống hội, trống cơm. Đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ và Sở VHTT&DL đón thuyền, bắt tay, đeo vòng hoa cho thuyền trưởng của đội, mở champagne chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm. Riêng với đội chủ nhà Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo thành phố tặng quà cho nữ thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, tổ chức một tiệc buffet nhỏ với thức ăn, đồ uống địa phương.

Trong những ngày lưu lại Đà Nẵng, các đội đua sẽ được đón xem Rồng phun lửa, phun nước, biểu diễn âm nhạc đường phố, tham gia các hoạt động giải trí như tham quan bán đảo Sơn Trà, non nước… Đặc biệt hơn, tất cả các thủy thủ sẽ đến dự Lễ hội cầu ngư tại bãi biển Nguyễn Tất Thành. Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, đây là hoạt động thiết thực để các nước hiểu thêm về chiều sâu văn hóa của thành phố biển Đà Nẵng. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Thành phố đã theo sát đội Đà Nẵng - Việt Nam một cách đầy tự hào kể từ lúc cuộc đua bắt đầu tại London mùa hè năm trước, và  rất phấn khởi khi được chào đón cả đoàn thuyền đến với Đà Nẵng. Đà Nẵng đã xây dựng một loạt các hoạt động dành cho những thủy thủ vừa đi nửa vòng trái đất để đến được đây, và đảm bảo rằng từng bãi cát dài, nền văn hóa giàu bản sắc cùng sự đón tiếp nồng hậu sẽ cho họ một trải nghiệm đáng nhớ, để thủy thủ đoàn và những người ủng hộ cuộc đua Clipper không thể không trở lại thành phố”.

Trong khuôn khổ sự kiện, vào ngày 23/2, các nhóm thủy thủ sẽ đến thăm và giao lưu với trẻ em Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (cơ sở 2, 3). Ngày 25/2, thành phố sẽ có buổi tọa đàm trao đổi với các đối tác nước ngoài về cơ hội, khả năng hợp tác kinh doanh. Đến ngày 27/2, đoàn thuyền sẽ rời Đà Nẵng, tiếp tục hành trình đến Thanh Đảo, Trung Quốc. 

Với độ dài 40.000 hải lý, Cuộc đua Clipper bắt đầu từ cuối tháng 8/2015 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7/2016. Đây là sự kiện đua thuyền trên biển duy nhất huấn luyện các thủy thủ nghiệp dư để tham gia đua vòng quanh thế giới. Việt Nam là đất nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tranh tài ở cuộc phiêu lưu dài ngày trên biển này.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.