Đoạn trường làm thầy

Đoạn trường làm thầy
TP- Các HLV khác với những nhà giáo ở chỗ là không truyền đạt cho các học trò những kiến thức văn hóa, sách vở nhưng giống ở chỗ, ngoài việc đào tạo chuyên môn, các HLV cũng là những người thầy về phong cách sống, đạo đức.
Đoạn trường làm thầy ảnh 1
HLV Hà Tùng Lập chia vui cùng các cô gái vàng cầu mây ở ASIAD 15

Để có thành tích cao trên đấu trường khu vực và châu lục, nhiều VĐV đã phải tập huấn tại nước ngoài từ khi còn... tè dầm. Chính vì thế, để các bậc phụ huynh yên tâm cho những cô nhóc, cậu nhóc nhà mình mới 6-7 tuổi xa nhà phải có những người đứng ra đảm trách việc chăm sóc các cháu. HLV đội Thể dục dụng cụ nữ Đỗ Thùy Giang đã có hàng chục năm trời đảm trách nhiệm vụ rất khó khăn này.

Cô Giang, người mà những “búp bê vàng” như Ngân Thương, Thùy Dương, Minh Hằng... gọi thân mật là “mẹ Giang” đã phải vừa tu luyện chuyên môn vừa phải trải qua lớp bồi dưỡng chăm sóc... mầm non. HLV Thùy Giang gần như là đặc trách lớp TDDC bên Trung Quốc.

Nguyên Giám đốc sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang nói: “Cô Giang chính là một cô giáo mẫu mực, là người hy sinh nhiều nhất những chuyện riêng tư để chăm sóc cho những thế hệ các VĐV TDDC từng miếng ăn, giấc ngủ”. Ít ai biết rằng, sau khi sinh con vài tháng, cô Giang đã phải mang con sang Trung Quốc vừa chăm con, vừa chăm các VĐV nhí.

VĐV TDDC Ngân Thương tâm sự: “Nếu không có những người như cô Giang, chắc chúng em đã không thể theo được nghiệp làm VĐV. Suốt 10 năm trời thường xuyên tập huấn tại Trung Quốc, cô Giang đã thay mặt bố mẹ chúng em chăm sóc, dạy dỗ. Nhất là những cái Tết xa nhà, bọn em khóc suốt và nhớ nhà kinh khủng nhưng cô Giang đã tổ chức những cái Tết rất vui, giúp chúng em phần nào nguôi ngoai”.

Ấy thế mà đã có một chuyện buồn, SEA Games 23 tại Philippines, HLV Thùy Giang dù là người trực tiếp huấn luyện các em nhưng lại không có tên trong danh sách BHL đội TDDC nữ (!?). Kết quả là khi những học trò ruột của mình đoạt HCV SEA Games, cô Giang đã không được nhận tiền thưởng theo tiêu chuẩn vì... không có chức danh gì.

Thầy nam huấn luyện... trò nữ

Đoạn trường làm thầy ảnh 2
HLV Mai Đức Chung luôn được các cầu thủ nữ yêu quý và kính trọng

Có rất nhiều thầy nam nhưng lại huấn luyện các đội nữ, chuyện đó là bình thường nhưng không phải HLV nào cũng được các học trò tôn trọng gọi bằng thầy, bằng “bố”.

Cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Mai Đức Chung dù đã xa đội tuyển nữ từ khá lâu nhưng luôn nhận được sự kính trọng từ các học trò.

Có lần, ông Mai Đức Chung tâm sự rằng: “Làm thầy các cầu thủ nữ không hề dễ dàng chút nào, con gái dễ bị tủi thân lại hay “chia rẽ nội bộ” vì những chuyện nhỏ nhặt. Nếu mình không khéo léo là rạn nứt ngay, không thể thành công được”.

Đúng là ông Mai Đức Chung rất “mát tay” với đội tuyển bóng đá nữ với hai kỳ SEA Games liên tiếp đoạt HCV. Có lần thấy một cầu thủ nữ cứ bần thần, tập luyện chểnh mảng, đợi đến khi tập xong, hai thầy trò ngồi nói chuyện riêng.

Bằng những lời động viên nhẹ nhàng, cầu thủ ấy đã kể hết sự tình cho thầy là mới hay tin mẹ ở nhà bị ốm, trong khi đội lại đang tập trung cao cho SEA Games. Lập tức, ông Chung cho cầu thủ này nghỉ vài ngày, không quên dúi vào tay cô trò nhỏ ít tiền mua quà về cho mẹ.

Sau chuyến thăm nhà ấy, tuyển thủ nữ đó đã trở lại và khóc với thầy Chung: “Con cảm ơn thầy, mẹ con cũng vì nhớ thương con mà ốm nay mẹ đã khỏe rồi, mẹ gửi lời thăm thầy”. Ông Chung tự nhận là nếu không đặt mình ở địa vị một người cha, rất khó thông cảm cho những việc như vậy.

Cũng giống ông Chung, HLV Mạnh Hùng của đội tuyển bóng chuyền nam chuẩn bị cho SEA Games 24 hiện nay đã từng có tới 6 kỳ SEA Games liên tục dẫn dắt đội tuyển nữ.

Ông Hùng nói: “Trước tôi làm HLV đội tuyển bóng chuyền nữ cũng có nhiều cái khó. Với nữ mình mà nhẹ quá là bị “nhờn” mà cứng rắn quá cũng hỏng. Giới nữ có cái tật là... thù dai, nếu mình mắng đúng thì không sao, chứ mình mắng sai là y như rằng bị trò “giận” cả tháng. Mà thầy trò đã giận nhau thì khó làm việc lắm. Còn khi HLV đội nam thì tôi lại mệt với chuyện quản lý, giờ giấc”.

Trong khi đó, HLV Hà Tùng Lập lại “mệt” vì chuyện khác. Nhiều người cho rằng thầy Lập đẹp trai, lại trẻ có khi lại vướng lưới tình cảm của học trò. Thế nhưng chính thầy Lập lại nói: “Thực ra, tôi cũng sống rất chan hòa với các VĐV nữ nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Tôi không chỉ là thầy mà còn là người anh của các em”.

Thế nên, hình ảnh các cô gái vàng cầu mây của Việt Nam sau khi đã đoạt HCV ASIAN nhao vào ôm chầm thầy Lập ăn mừng đã trở thành một hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng nhất của Thể thao Việt Nam tại ASIAN 15 vừa qua.

Làm thầy không dễ

Trên thực tế, không phải HLV nào cũng giữ đúng vai trò là một người thầy trong mắt các VĐV. Mới đây là chuyện HLV Nguyễn Văn Dũng của Nam Định đã nhảy ra định “ăn thua đủ” với trọng tài đã trở thành tấm gương xấu cho các học trò. Ngay sau đó, ông Dũng bị loại khỏi danh sách BHL đội U20 quốc gia.

Cựu tuyển thủ Trần Công Minh khi quyết định làm “thầy” đã bộc bạch rằng: “Truyền đạt về chuyên môn cho các em phải có lòng yêu nghề và thực sự chăm chút về chuyên môn. Nhưng cái khó nhất vẫn là phải luôn trở thành một tấm gương sáng về đạo đức, phong cách sống  để cầu thủ tin mình, hiểu mình. Điều ấy thực sự không hề dễ dàng”.

MỚI - NÓNG