Đời trọng tài

Đời trọng tài
TP - Đầu tuần tới sẽ diễn ra phiên toà xử vụ tiêu cực trọng tài, đó là vụ án được coi là rúng động giới cầm còi Việt Nam. Người trong nghề vẫn nói rằng trọng tài là “nghề nghe chửi”, phận “làm dâu trăm họ” song hễ hỏi đến ai cũng đều nói rằng họ cầm còi và cầm cờ là do đam mê.

Một trong số các trọng tài phải hầu toà đợt tới, nổi tiếng nhất là cựu trọng tài FIFA Trương Thế Toàn. Ông Toàn “nổi” vì liên quan đến quá nhiều sự kiện. Trước vụ việc tiêu cực trọng tài thì đều là những sự kiện... tốt.

Chẳng hạn vụ ông Toàn phải chạy chữ chi vì bị cầu thủ rượt đánh trên sân Vĩnh Long năm 1999, sau vụ này Vĩnh Long phải xuống tận hạng Nhì và cho đến giờ vẫn chưa ngóc đầu lên được.

“Chạy như Trương Thế Toàn” đã từng là câu nói cửa miệng của các trọng tài một thời nhưng có một điều không thể phủ nhận, Trương Thế Toàn là một trong số các trọng tài tốt nhất Việt Nam, cho đến hiện nay cũng chưa ai bằng.

Điều ấy đã được chứng minh bằng sự kiện Trương Thế Toàn được AFC cử đi làm nhiệm vụ ở vòng loại World Cup, ASIAN Cup 2004 và đặc biệt nhất là tham dự điều khiển các trận đấu ở Olympic Athen 2004.

Sau vụ tiêu cực trọng tài, cái lệ làng “bồi dưỡng” đã hầu như không còn và dẫu có đưa cũng chẳng có trọng tài nào dám nhận.

Bài học vẫn còn đó bởi danh dự thực sự là vô giá dù chẳng trọng tài nào sống bằng nghề, làm giàu bằng nghề trọng tài.

Đấy chính là sự kiện mà trọng tài nào cũng phải ngưỡng mộ và lần đầu tiên giới trọng tài Việt Nam được ngưỡng mộ như thế.

Với Trương Thế Toàn, trọng tài là nghề chính để nuôi gia đình, những tưởng cái nghề ấy mang lại cho Toàn tất cả, đã biến “thương hiệu” Trương Thế Toàn là “số 1” thì cũng chính nó lại lấy đi tất cả.

Trước khi bị khởi tố, trọng tài Toàn còn nói: “Tiền tỷ chẳng mua được tôi”, thế mà mọi danh tiếng đổ sụp chỉ vì 12 triệu đồng nhận từ Lương Trung Việt. Cái giá ấy quá rẻ mạt so với danh dự, so với những gì đã cống hiến.

Sau khi Toàn được tại ngoại, tôi có hỏi Trương Thế Toàn: “Nếu được chọn lại từ đầu, anh có làm trọng tài nữa không?”, Toàn nói: “Tất nhiên là có và tôi sẽ càng phải tránh những sai lầm, những ý nghĩ đơn giản đã biến tôi thành số 0 như bây giờ”.

Con người thân bại danh liệt vì bóng đá vẫn không bỏ được bóng đá. Trận đấu nào ở sân Hà Nội, Mỹ Đình hay ở tận Nam Định mà đội tuyển thi đấu cũng thấy bóng dáng Trương Thế Toàn ngồi nép mình một góc mắt nhìn xa xăm.

Nghề trọng tài đã cho anh danh hiệu số 1 và cũng đẩy anh về số 0, mơ ước bây giờ của trọng tài tốt nhất Việt Nam ngày nào là được sống thanh thản, chiều chiều làm trọng tài cho mấy trận đấu phủi cũng là hạnh phúc rồi, mà sao khó thế.

Áp lực

Có một cựu trọng tài nổi tiếng đã nói rằng: “Đừng bao giờ coi trọng tài là một “cảnh sát” trên sân bóng chỉ có mỗi nhiệm vụ bắt lỗi và rút thẻ. Nhiệm vụ chính của trọng tài là phải làm sao để trận đấu diễn ra hay nhất, hấp dẫn nhất, fair-play nhất.

Một trọng tài hay không phải là trọng tài rút nhiều thẻ mà là trọng tài có thể khiến trận đấu thăng hoa. Kết thúc trận đấu mà người ta không còn nhớ đến ai làm trọng tài thì mới coi là hoàn thành nhiệm vụ”.

Trọng tài Việt Nam chưa ai đạt được đến cái mức ấy, vào sân bây giờ ai cũng muốn bắt cho “chính xác” trước còn chuyện “thăng hoa” tính sau.

Ấy vậy mà chưa bao giờ hết nghe chửi: Khán giả chửi, mấy ông lãnh đội cho là mình bị xử ép cũng nhảy ra chửi. Vượt được qua hai điều ấy thì lại sợ mấy ông giám sát trên khán đài hay ông tổ chức giải đang ở đâu đó săm soi.

Trọng tài Võ Minh Trí tâm sự rằng: “Vẫn biết là bạc như vôi, nhưng không chỉ tôi mà các đồng nghiệp khác vẫn thích thú, tự hào biết bao khi được cầm cân nẩy mực giữa một biển người hâm mộ.

Cái cảm giác ấy thật khó tả, dù rằng tôi đã có hơn chục năm làm nghề… nhưng chỉ có sự đam mê mới níu chân chúng tôi lại với sân cỏ cùng chiếc còi, chứ thu nhập thì chẳng đủ sống. Trót yêu nghề nên phải vậy thôi”.

Được cho là một trong số trọng tài tốt hiện nay nhưng trọng tài Trí không tránh bị phản ứng. Điều tối kỵ khi cầm còi là ra những quyết định phi luật, ấy thế mà trọng tài Trí đã phải làm.

Đó là sự cố trên sân Thanh Hóa vừa rồi, trọng tài Trí đã phải công nhận bàn thắng của H.Thanh Hóa dù biết chắc là bóng không vào lưới. Bình thường, thế nào trọng tài Trí cũng bị “xử” nhưng may ở chỗ, quyết định ấy lại được BTC giải cho là khôn ngoan, cứu cho cái sân không vỡ và cứu cả cho BTC giải.

Những tiếng chê bai trọng tài vẫn không dứt, nhiều lãnh đội còn lên tiếng “cạch mặt” trọng tài, yêu cầu BTC không phân công trọng tài từng đụng với mình trong những trận tiếp theo. Khi vẫn bị nghe chửi nghĩa là nghề trọng tài vẫn chưa được trọng thị đúng theo cái cách của nó.

Vì sao? Vì một thực trạng hụt hẫng lớp kế cận của trọng tài Việt Nam sau cơn bão tiêu cực. Nếu bây giờ trọng tài nào cũng đều là “bắn không thủng” thì họ lại “thủng” về mặt chuyên môn.

Trọng tài rất cần được tôn trọng nhưng họ không thể chỉ sạch mà còn phải có tay nghề vững. Có thế, đời trọng tài mới lên hương.

MỚI - NÓNG