Đội tuyển lên giá

Đội tuyển lên giá
TP - Thể hiện phong độ xuất sắc tại vòng sơ loại Olympic Bắc Kinh 2008, giá trị thương mại của “mỏ vàng” - đội tuyển quốc gia và Olympic quốc gia - đang tăng lên trong mắt các nhà tài trợ.
Đội tuyển lên giá ảnh 1
Long Giang, Phúc Hiệp, Nhật Tân đại diện đội Olympic Việt Nam nhận áo tập từ nhà tài trợ

Bằng chứng cụ thể nhất là lễ ký kết đồng tài trợ giữa VFF và Yamaha được tổ chức tại Hà Nội sáng qua (31/5).

Sau cơn bão tiêu cực tại SEA Games 23, ngoài những hợp đồng tài trợ đã ký từ trước, trong cả năm 2006, không một nhà tài trợ nào tìm tới khai thác “mỏ vàng” của bóng đá Việt Nam.

Chỉ đến khi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị thi đấu AFF Cup, ông bầu Lê Phước Vũ của Tôn Hoa Sen mới vào cuộc với gói tài trợ không độc quyền trị giá… 100.000 USD.

Bản hợp đồng duy nhất mà đội tuyển có được trong năm, theo ông Vũ cho hay là vì tình cảm với các cầu thủ hơn là vì mục đích quảng bá thương hiệu.

Nhưng có vẻ như hình ảnh đội tuyển đã thay đổi và “mỏ vàng” cũng bắt đầu được khai thác tốt hơn. Khởi đầu là bản hợp đồng tài trợ trị giá 250.000 USD cũng của Tôn Hoa Sen hồi đầu năm, sau khi đội tuyển Việt Nam giành đồng hạng ba tại AFF Cup. Cao gấp 2,5 lần bản hợp đồng năm trước nhưng Tôn Hoa Sen cũng chỉ là nhà tài trợ chính, đồng nghĩa với việc VFF có quyền chọn thêm vài nhà tài trợ chính khác có giá trị tương đương.

Và hôm qua, VFF đã chính thức giới thiệu nhà đồng tài trợ chính thứ hai cho đội tuyển quốc gia và Olympic quốc gia - Cty Yamaha Việt Nam, với bản hợp đồng kéo dài 1 năm. Tuy không công bố con số chính thức nhưng với danh vị nhà đồng tài trợ chính cùng “cột mốc” 250.000 USD của Tôn Hoa Sen, có thể phần nào dự đoán số tiền mà Yamaha Việt Nam mang lại cho đội tuyển.

“Vậy đội tuyển được phép ký hợp đồng với bao nhiêu nhà đồng tài trợ chính?” là câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo VFF trong buổi công bố tài trợ của Yamaha Việt Nam. Theo phân tích của VFF, chỉ nên có ba nhà đồng tài trợ chính là hợp lý. Và theo tiết lộ của một chuyên gia gọi tài trợ, VFF đang tiến hành những bước đàm phán cuối cùng với một “đại gia” trong lĩnh vực điện tử để hoàn tất “bộ ba” đồng tài trợ chính cho đội tuyển.

Không dưới 5 tỷ đồng cho tập huấn, thi đấu

Nếu hợp đồng thứ ba được hoàn tất, đội tuyển Việt Nam và Olympic Việt Nam sẽ có không dưới 500.000 USD cho các hoạt động trong năm 2007. Đây là một một khoản tiền rất có ý nghĩa với đội tuyển trong việc chủ động lên kế hoạch chuẩn bị các giải đấu lớn trong năm.

Theo tính toán của một chuyên gia, sau khi trừ chi phí bảo đảm thương quyền, đội tuyển sẽ còn không dưới 5 tỷ đồng để phục vụ các kế hoạch tập luyện, thi đấu.

Ngoài việc thương thảo với các nhà tài trợ chính, VFF cũng đang xúc tiến việc tìm các nhà tài trợ phụ nhằm giảm tối đa chi phí cho đội tuyển. Được biết, hiện đội tuyển đã có tài trợ về trang phục, bóng, nước uống, chỉ còn thiếu một “Mạnh thường quân” giúp đỡ chuyện đi lại.

Theo ước tính, mỗi chuyến thi đấu nước ngoài của đội tuyển tốn hàng chục nghìn USD. Về vấn đề này, một quan chức VFF cho biết, cũng đã có hai hãng hàng không nước ngoài ngỏ ý sẵn sàng trở thành nhà vận chuyển cho đội tuyển song do VFF muốn dành “vinh dự” này cho một hãng hàng không trong nước nên vẫn chưa mặn mà với đề nghị của đối tác.

MỚI - NÓNG