Đường dài khó tính

Đường dài khó tính
TP - Nhiều năm qua, mỗi khi vào mùa giải mới, người hâm mộ bóng đá Thủ đô lại thầm hy vọng hai đội bóng của mình có thể làm nên điều gì đó ở V-League. Nhưng đến cuối mùa bóng, những niềm hy vọng ấy cứ lụi dần. Năm nay liệu có khác?
Đường dài khó tính ảnh 1

HPHN được đầu tư bạo tay với hy vọng sẽ bay cao, bay xa. 
Ảnh: Quang Thắng

Khác với cách chi tiêu “rất thận trọng” của người anh em HN.ACB, bước vào mùa giải này, Hòa Phát Hà Nội (HPHN) đã quyết tâm chơi bạo tay.

Rõ ràng danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia mà HPHN giành được ở mùa giải năm ngoái đã trở thành liều thuốc kích thích rất hữu hiệu cho cả cầu thủ, BHL lẫn ông bầu của đội bóng.

Sẽ là rất vô lý nếu đội đã đoạt Cúp Quốc gia lại chỉ quanh quẩn trong đầu ý nghĩ trụ hạng ở V-League.

Công bằng mà nói, kể từ khi tiếp nhận đội bóng, doanh nghiệp Hòa Phát có vẻ làm ăn phát đạt hơn, được nhiều người biết đến hơn. Đương nhiên, lãnh đạo đội bóng phải biết “lại quả” bằng những cú đầu tư mạnh tay.

Chính HPHN chứ không phải một đại gia nào khác mới là đội chiêu mộ cầu thủ rầm rộ nhất. Cái cách họ lấy bằng được Alfonce - cầu thủ tưởng chừng không thể thiếu trong đội hình P.SLNA đã chứng minh HPHN chịu chơi thế nào cũng như việc “rút ruột” SLNA với Ngọc Tú, Công Mạnh, Hải Nam, hay một cái gật đầu chấp nhận mức lương 6.000 USD cùng 60.000 tiền chuyển nhượng cho chân sút Das Silva.

Chưa hết, hàng tiền vệ còn được bổ sung Xuân Thành và Cao Sỹ Cường. Không chỉ có vậy, HPHN còn lấy thêm Châu Trí Cường và lấy lại Ánh Cường từ Khánh Hòa.

Tổng cộng tất cả các khoản chuyển nhượng chuẩn bị cho V-League, HPHN đã “bay” khoảng 5 tỷ. Phải thật sự chịu chơi mới chấp nhận bỏ ra khoản tiền đủ để nuôi cả một đội bóng như thế.

Dù vậy, thất bại trước GĐT.LA tại trận Siêu Cúp bóng đá quốc gia giải báo Tiền phong – IZZI Cup 2006 và trận hòa Quảng Nam 1-1 ở Cúp Quốc gia lại khiến người hâm mộ lo lắng cho HPHN với mục tiêu Top 3.

Lực lượng coi như đã “ngon” nhưng HPHN vẫn thiếu tư thế của một đội bóng lớn. Đó là bản lĩnh của một đội bóng dám thách thức tất cả. Điều này rõ ràng HPHN chưa làm được và chỉ hy vọng họ sẽ làm được khi mùa giải chính thức khởi tranh.

HN.ACB: Âm thầm toan tính

Ngược với kiểu chơi “sốc” nhà giàu mới nổi như HPHN, HN.ACB cho thấy họ không dốc tiền một cách ồ ạt mà không tính toán.

Đấy là cách “chơi bóng đá” của bầu Kiên - người được coi là đang nắm giữ một lượng cổ phiếu khổng lồ của ngân hàng ACB có giá trị lên tới 1.500 tỷ đồng. Nếu muốn chơi “sốc” như HPHN, bầu Kiên hoàn toàn có thể làm được, thậm chí dữ dội hơn rất nhiều. Nhưng có lẽ danh tiếng của ACB trong giới ngân hàng cũng như trên sàn chứng khoán đã quá đủ để làm nên thương hiệu chứ không còn phải trông chờ vào đội bóng.

Thế mới nói bầu Kiên “chơi” bóng đá. Bước vào mùa giải mới, động thái đáng ghi nhận nhất của lãnh đạo HN.ACB là nâng mức lương loại một lên 14 triệu/ tháng. Con số này cũng chưa phải là cao trong mặt bằng V-League.

Việc HN.ACB lấy Mạnh Dũng cũng chẳng ồn ào, bởi Dũng đã bị “thất sủng” ở Đà Nẵng và cũng chẳng còn đường đến với Bình Dương, hay việc chiêu mộ Bảo Hùng từ H.Huế, Tân Thịnh từ HAGL cũng vậy.

Dẫu sao, với tiềm lực về kinh tế trong tay, bầu Kiên có thể biến HN.ACB thành một “con hổ” ở V-League, nhưng có lẽ bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp.

Do vậy, tham vọng Top 5 của HN.ACB được xem là vừa phải nhưng biết đâu, chính họ mới là đội làm nên bất ngờ chứ không phải là HPHN. Cứ chờ và lại hy vọng một lần nữa xem sao. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.