Dương Mạnh Hùng: Chuyện võ sau trái bóng

Dương Mạnh Hùng: Chuyện võ sau trái bóng
TP - Ít ai biết rằng ngoài đam mê với trái bóng cũng như nghiệp cầm còi, Dương Mạnh Hùng còn là một võ sư có hạng, và anh hiện là một trong chín thành viên đầu tiên của LĐ võ thuật Nhất Nam Việt Nam.

Trọng tài Dương Mạnh Hùng, còn có hỗn danh là Hùng “hấp”, Hùng “chập”, là người đầu tiên được nhận danh hiệu Cây còi vàng dành cho trọng tài xuất sắc nhất Việt Nam hồi năm 2006.

Phải tới hết năm 2010, Dương Mạnh Hùng mới hết tuổi làm trọng tài, nhưng đã ba năm nay, Hùng vắng mặt trên các sân bóng chuyên nghiệp bởi lý do thể lực và cả vì anh không được lòng các quan chức trong Hội đồng trọng tài quốc gia.

Nguồn cơn dẫn tới việc Dương Mạnh Hùng có biệt danh Hùng “hấp”, Hùng “chập” hoặc Hùng “hâm” là do khi còn làm trọng tài, Dương Mạnh Hùng luôn nói không với những lời đề nghị khiếm nhã, hoặc thậm chí là những món quà cảm ơn sau trận đấu.

Không những thế, Dương Mạnh Hùng còn dũng cảm lên tiếng tố cáo một số đồng nghiệp nhận hối lộ và đã có lần nộp lại cho BTC giải khoản tiền mà người ta cố tình đặt trong phòng anh ở khách sạn. Tuy nhiên, trước mặt Dương Mạnh Hùng, chưa ai dám gọi anh bằng những biệt danh như vậy.

Cơ duyên để Dương Mạnh Hùng đến với Nhất Nam thật đặc biệt. Năm 1983, tức là khi mới 18 tuổi và đang là cầu thủ của Quân khu Thủ đô, trong một lần đến chơi ở nhà bạn gái (nay là vợ cũ), chàng thanh niên Dương Mạnh Hùng thấy anh trai của cô bạn đang đi những bài quyền rất lạ mắt ở ngoài sân.

Ngay lập tức Dương Mạnh Hùng bị cuốn hút bởi những thế võ này và lân la hỏi han. Thật ra anh trai của bạn gái Dương Mạnh Hùng khi ấy mới tập Nhất Nam được ba ngày thôi, nhưng thấy Dương Mạnh Hùng có cùng sự quan tâm như mình thì rất lấy làm hứng khởi và Dương Mạnh Hùng trở thành môn sinh của môn phái Nhất Nam, do võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính đích thân truyền dạy từ đó.

Theo lời của Dương Mạnh Hùng, Nhất Nam là môn phái võ có tính chất cổ truyền rất xưa, chỉ được phép truyền bá trong dòng dõi hoặc những người thật đáng tin cậy vì cách ra đòn của môn phái này có tính sát thương rất cao, mà trước kia chỉ có những cận vệ bảo vệ vua chúa trong triều đình mới được phép học.

Dương Mạnh Hùng: Chuyện võ sau trái bóng ảnh 1

Ba năm trước khi đến với Nhất Nam, Dương Mạnh Hùng đã là cầu thủ của Quân khu Thủ đô, nhưng cả bóng đá lẫn võ thuật đều là đam mê của chàng trai Hà Nội này, nên Hùng đã rất nỗ lực để có thể duy trì tập luyện đều đặn hàng ngày cả hai môn này.

Ngày nào cũng thế, buổi sáng và buổi chiều được dành cho bóng đá, còn đến buổi tối thì Dương Mạnh Hùng đạp xe từ Mễ Trì về sân Hàng Đẫy, công viên Thống Nhất hoặc trường TDTT 10/10 (cũ) để trực tiếp được thầy Ngô Xuân Bính dạy võ cùng các môn sinh khác.

Nếu vì một lý do nào đó không thể về để cùng học với các môn sinh khác được thì Dương Mạnh Hùng tìm một chỗ kín đáo và yên tĩnh để tự tập một mình.

Hùng nhớ lại: “Thời trẻ tôi liên tục tập luyện như thế mà không thấy mệt. Giờ nghĩ lại cũng thấy lạ. Từ khi luyện tập Nhất Nam, tôi hiểu thêm được rất nhiều về đạo làm người và lẽ phải, mà đấy mới là mục tiêu cao cả nhất của môn phái Nhất Nam”.

Nhờ có võ thuật mà trong suốt sự nghiệp cầu thủ bóng đá của mình, Dương Mạnh Hùng hiếm khi nào gặp phải chấn thương nặng do đối phương gây ra. Lần chấn thương nghiêm trọng nhất ở gối trái xảy ra năm 1985 là do anh quá ham bóng.

Theo Hùng, ở thời của anh, bóng đá còn rất “hoang dã” và ý thức về tính chuyên nghiệp của các cầu thủ còn chưa cao, cách làm việc của trọng tài cũng khá tuỳ tiện, còn sự tham dự của truyền thông báo chí thì không được rầm rộ như bây giờ.

Bởi thế, rủi ro dành cho các cầu thủ cũng rất lớn, dù rằng ở thời điểm đó, tính trung thực của bóng đá rất cao, và hầu hết các cầu thủ vào sân đều chỉ nghĩ tới yếu tố màu cờ sắc áo. Dương Mạnh Hùng hồi tưởng: “Có những trận đấu có tới  3 đến 5 cầu thủ đối phương tìm mọi cách triệt hạ một tiền đạo vì chỉ sợ sự có mặt của anh ta ở trên sân sẽ mang lại bàn thắng”.

Phòng thân trên sân

Vì vậy, ngoài những kỹ năng bóng đá mà Dương Mạnh Hùng được học, anh phải sử dụng cả “ngón nghề” riêng của mình là thân pháp của Nhất Nam để cài, đè, che chắn với mục tiêu làm sao để không cho đối phương tranh cướp bóng và tấn công mình.

Hồi tưởng lại một trong những lần sử dụng “ngón nghề” riêng để ghi bàn, Dương Mạnh Hùng kể:

“Đấy là một trận đấu giữa Quân khu Thủ đô và Hải Quan, chỉ với một đường phát bóng từ thủ môn, tôi đã đỡ được bóng, cài người rồi vượt qua trung vệ đàn anh có tên là Tần, qua tiếp trung vệ Kim Hằng, hai trung vệ thép của bóng đá miền Nam khi ấy, và sút bóng tung lưới thủ môn Hồng Phẩm”.

Khi còn là lính mới ở Quân khu Thủ đô, thấy tại đội bóng xuất hiện một “đại ca” nghe nói có võ nên hay đe nẹt bắt nạt tân binh, Dương Mạnh Hùng đã hẹn “đại ca” kia ban đêm leo lên nóc nhà để tỷ võ. Phần thắng trong cuộc đọ sức này đã thuộc về Dương Mạnh Hùng, và kể từ đó trở đi, “đại ca” kia cũng nền tính hơn và không còn gây khó dễ cho các đàn em như trước.

Không giấu vẻ tự hào, Dương Mạnh Hùng tuyên bố: “Tôi chưa bao giờ phải nhận thất bại khi tỷ võ, vì trong tôi luôn có niềm tin và bản thân tôi luôn cố gắng giải quyết tình huống một cách thiện chí nhất”.

Thế nhưng, cũng có lần Dương Mạnh Hùng chẳng cần nhờ cậy tới võ thuật để giải quyết “chuyện bất bình”. Đó là một lần chứng kiến thấy một cầu thủ đàn anh trong đội thi đấu không bình thường, làm đội bóng đang thắng chuyển thành thua, sau trận đấu, Dương Mạnh Hùng tức khí tìm tới tận phòng cầu thủ kia để “âm mưu” ôm anh này rồi cùng nhau lao từ tầng tư xuống đất cho “bõ ghét”.

Rất may là một đồng đội cùng lứa với Hùng đã kịp thời can ngăn, nếu không sau này bóng đá Việt Nam chẳng còn một vị trọng tài cá tính và đặc biệt như vậy nữa.

Dương Mạnh Hùng: Chuyện võ sau trái bóng ảnh 2
và lúc đi quyền Nhất Nam

Dương Mạnh Hùng bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã là người hiếu động, nhưng sau khi học võ tôi luôn mang trong mình sự nhẫn chịu (từ dùng riêng của anh), song sự nhẫn chịu này phải được giải quyết bằng mục đích tốt đẹp nhất, thẳng thắn nhất, chứ không phải bằng sự nhẫn nhục và chấp nhận”.

Một ví dụ để thấy Nhất Nam đã giúp Dương Mạnh Hùng có được chữ nhẫn lớn như thế nào. Cách đây ba năm, ở vòng 19 V-League 2006, trong trận Hải Phòng – Bình Dương trên sân Lạch Tray, hậu vệ Đào Thế Phong của Hải Phòng bị trọng tài Dương Mạnh Hùng rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu vì một lỗi rất rõ ràng. Trước đó, ở trận lượt đi giữa Bình Dương và Hải Phòng, Thế Phong cũng phải nhận thẻ đỏ trực tiếp của vị trọng tài này.

Không biết có phải vì nghĩ Dương Mạnh Hùng có thành kiến với mình hay không, mà Thế Phong đã có phản ứng rất thiếu văn hoá khi nhổ nước bọt thẳng vào mặt trọng tài và đưa ra lời thách đố đánh nhau. Thấy thế, Dương Mạnh Hùng không hề nổi cáu mà chỉ nhẹ nhàng khuyên răn Thế Phong và mời cầu thủ này ra khỏi sân để trận đấu tiếp tục.

Nhưng ít người biết rằng lúc đó, Dương Mạnh Hùng cũng đọc cho Thế Phong biết địa chỉ mà mình đang tạm trú ở Hải Phòng, và bảo nếu muốn thì sau trận mời tới tận nơi. Tuy nhiên, cho tới ngày hôm sau, Hùng vẫn không thấy bóng dáng Thế Phong ở đâu, và khá lâu sau đó, thông qua một trung gian, Thế Phong đã gửi lời xin lỗi tới anh và đề nghị được bỏ qua hành động đó.

Về phía mình, trọng tài Dương Mạnh Hùng đã chấp nhận lời xin lỗi cũng như đề nghị của Thế Phong, nhưng VFF thì không bỏ qua, và Thế Phong đã phải nhận án treo giò sáu tháng cùng số tiền phạt 10 triệu đồng vì hành vi kém văn hoá của mình. Nhớ lại chuyện này, Dương Mạnh Hùng vẫn tâm đắc mà rằng: “Nhờ có Nhất Nam tôi mới có được cách cư xử như vậy”.

Và... động võ ngoài sân

Trên sân cỏ thì như vậy, còn ở bên ngoài sân, với nền tảng võ thuật như vậy, liệu Dương Mạnh Hùng có khi nào động chân động tay với đồng nghiệp hoặc người ngoài? Nghe hỏi như thế, Dương Mạnh Hùng cười xoà: “Có chứ, nhiều lắm, không thể nhớ hết, nhưng tôi chỉ dùng tới võ khi cần bảo vệ lẽ phải, chống lại những cái gì quá sức bất công, nói chung chỉ khi nào không còn cách lựa chọn nào thì tôi mới phải sử dụng tay chân”.

Một lần, tại V-League 2004, sau khi bắt chính ở trận Bình Định – ĐT.LA hoà 0-0 trên sân Quy Nhơn, khoảng 9 giờ tối, Dương Mạnh Hùng vừa rời khỏi khách sạn chừng 50m để đi uống sữa đậu nành thì bị một nhóm người đi trên khoảng 50 chiếc xe máy quây tròn lại. Hôm đó là một ngày lễ lớn nên đường phố Quy Nhơn rất đông đúc vì có tổ chức văn nghệ.

Khi còn chưa kịp hiểu vì sao mình bị bao vây thì một người trong đám đông kia đã chất vấn Dương Mạnh Hùng: “Có phải là trọng tài thổi trận chiều nay hay không và tại sao lại hòa 0-0?”. Đáp lại, Dương Mạnh Hùng nói: “Tôi với các anh không quen biết, nếu muốn nói chuyện thì nên có văn hoá”.

Nói rồi Dương Mạnh Hùng bước đi tiếp, còn đám người kia thì vẫn lẽo đẽo đi theo nhưng mỗi lúc một thưa dần. Đến một đoạn đường tối nhất, nhỏ nhất và một bên là bức tường dài của một trường học thì Dương Mạnh Hùng bèn đứng lại. Lúc này chỉ còn khoảng 20 người quây trước mặt Dương Mạnh Hùng và một người dõng dạc cất tiếng: “Lượt đi chúng tao đã thua 0-3 ở Long An, vì sao lượt về lại hòa? Tao phải bắt mày đem đi và cho mày biết”.

Dương Mạnh Hùng: Chuyện võ sau trái bóng ảnh 3

Thấy thế, Dương Mạnh Hùng bèn trả lời: “Tôi với anh không quan hệ với nhau, tôi không quan tâm việc anh vừa hỏi, nhưng đừng làm gì xúc phạm tôi”. Dương Mạnh Hùng nói vừa dứt lời thì gã đàn ông kia lao vào toan chộp lấy ngực áo Dương Mạnh Hùng, nhưng bằng một thế võ thuần thục, Dương Mạnh Hùng lắc nhẹ thân để né đòn rồi khoá chặt tay đối thủ.

Đám người kia chứng kiến cảnh tượng như vậy không ai dám lao vào can thiệp, và đúng lúc đó cảnh sát 113 Bình Định nghe tin báo của nhân dân sống quanh đó đã có mặt và tạm giữ vài người trong nhóm đang bao vây Dương Mạnh Hùng. Một cảnh sát nói với Dương Mạnh Hùng: “Đây là bọn người xấu, chắc là dân cá cược gì đó, anh nên cẩn thận”.

Sân bóng chuyên nghiệp là như vậy, còn trên các sân bóng phủi, bản lĩnh con nhà võ của Dương Mạnh Hùng cũng nhiều lần giúp anh chuyển nguy thành an và khiến đối phương phải tâm phục khẩu phục. Hùng nhớ lại, trong một lần cầm còi trận đấu giữa hai phường ở Hà Nội cách đây chưa lâu, khi trận đấu vừa kết thúc, Hùng đang đi bộ khỏi sân thì có một thanh niên xăm trổ đầy mình từ đâu lao tới và giơ gậy nhắm thẳng vào đầu Hùng rồi bổ xuống như trời giáng.

Rất nhanh, Hùng xoay người né tránh và bắt lấy chiếc gậy từ tay gã thanh niên kia rồi lẳng lặng quay đi. Ngay sau đó, một số người có quen biết với gã thanh niên xăm trổ nói trên đã gặp Dương Mạnh Hùng để nói đỡ cho thanh niên kia và giải thích anh ta manh động vậy vì anh ta không biết Hùng là ai.

Nhất Nam là một dòng võ đặc dị được coi là chỉ dành riêng cho người Việt Nam. Không ai biết chắc chắn rằng ai là ông tổ của võ Nhất Nam, chỉ biết rằng gốc tích của võ Nhất Nam là tại vùng châu Hoan, châu Ái cổ (Thanh Hoá, Nghệ An bây giờ) và đã có hàng ngàn năm nay.

Thời Hoàng đế Quang Trung hành quân ra Bắc, khi ông tuyển quân ở Thanh - Nghệ, rất nhiều võ sỹ của môn phái Nhất Nam đã gia nhập đoàn quân của Hoàng đế Quang Trung và hy sinh anh dũng vì nghĩa lớn. Chưởng môn hiện nay của Nhất Nam là võ sư Ngô Xuân Bính, ông thuộc dòng dõi của họ Ngô Xuân ở thành Vinh, một trong những hậu duệ của gia phái Nhất Nam từ xa xưa.

Với Dương Mạnh Hùng, có ba người thầy mà anh luôn tôn kính và nhớ mãi trong cuộc đời. Đầu tiên là thầy Hoàng Trọng Tự, người đã nhận Dương Mạnh Hùng vào đội bóng Quân khu Thủ đô. Người thầy thứ hai là võ sư Ngô Xuân Bính, người đã dạy võ và đạo lý làm người cho Dương Mạnh Hùng, và người thầy thứ ba là giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn, người mà Dương Mạnh Hùng nói rằng “đã dạy cho tôi để trở thành một trọng tài tốt”.

Đáp lại, Hùng nói địa chỉ nhà mình và bảo mấy người kia nhắn gã thanh niên xăm trổ nói trên tối nay tới nhà tìm mình và nhấn mạnh: “Bảo nó tìm anh chứ đừng để anh phải đi tìm nó”. Quả nhiên, tối hôm đó gã thanh niên kia tìm tới nhà Dương Mạnh Hùng thật và trần tình rằng chỉ vì do cá độ trận đấu đó một két bia và thấy có người phàn nàn rằng: “Trọng tài trận này bắt chán quá”, nên gã này ngay lập tức đã vác gậy tìm trọng tài để tấn công mà không biết phải trái như thế nào. Tất nhiên, Dương Mạnh Hùng đã tha thứ cho gã trai kia sau một hồi nói chuyện tâm tình và kèm theo lời dặn: “Lúc chưa đánh người mặt đỏ như vang. Đánh người xong mặt vàng như nghệ”.

Nếu như ở sân bóng chuyên nghiệp Dương Mạnh Hùng được tín nhiệm bao nhiêu trong những trận cầu nóng hoặc khó, thì trên sân phủi cũng vậy.

Chỉ cần nghe tin hôm nay ông Hùng “tí” thổi trận này thì tự khắc mọi ý đồ sử dụng chân tay hay đao kiếm để giải quyết khúc mắc đều tan biến. Hùng kể, có không ít trận đá bóng phủi anh cầm còi mà sau mỗi bên cầu môn đều có một bao tải dao kiếm đặt sẵn, nhưng rút cục vẫn không có chuyện gì xảy ra nhờ cách xử lý của anh.

Dương Mạnh Hùng tâm sự: “Nhờ học Nhất Nam mà tôi biết cách đánh giá nhìn nhận, biết ứng xử thế nào giữa người với người cũng như có bản lĩnh tự tin đế sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống”.

Trong sự nghiệp, Dương Mạnh Hùng đã bị chấn thương rất nặng ở gối trái và hai cổ chân. Năm 2007, khi đọc kết quả chụp cộng hưởng từ của Dương Mạnh Hùng, Tiến sỹ Moss¸ bác sỹ chuyên khoa y học thể thao người Đức rất quen thuộc với thể thao Việt Nam, đã phải thốt lên:

“Các ổ khớp của anh tổn thương quá nặng nên không thể xử lý bằng phẫu thuật, chỉ có cách hạn chế vận động, duy trì tới khi hỏng hẳn rồi thay thế bằng khớp nhân tạo thôi”.

Hiện tại, Dương Mạnh Hùng đang phải luyện tập theo phương pháp bí truyền của phái Nhất Nam do thầy Ngô Xuân Bính truyền thụ để giảm thiểu sự đau đớn hàng ngày, vì mỗi khi thời tiết thay đổi, các khớp chân tay của Dương Mạnh Hùng bị viêm tấy, phù nề, có khi phải đi nạng hàng tháng trời.

Khi còn cầm còi, trọng tài Dương Mạnh Hùng nổi tiếng là người công tâm chính trực, và ngay cả HLV trưởng ĐT Việt Nam Henrique Calisto, người từng bị Dương Mạnh Hùng truất quyền chỉ đạo khi còn dẫn dắt ĐT.LA, cũng có ấn tượng hết sức tốt đẹp với anh.

Ở ngoài đời cũng vậy, anh thẳng thắn đến mức khác thường, điều này khiến nhiều người nể phục nhưng cũng hơi kiềng anh. Nhưng hình như anh không cần biết đến những điều đó, anh chỉ là anh - Dương Mạnh Hùng.

MỚI - NÓNG