Gần 230 triệu đồng tiền thưởng giải Việt dã toàn quốc 2018

Gần 230 triệu đồng tiền thưởng giải Việt dã toàn quốc 2018
TPO - Chiều 19/3, tại trụ sở báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội), BTC Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 59- 2018 đã tổ chức họp báo để thông tin chi tiết về giải đấu.

Phát biểu tại họp báo, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức giải, ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh: "Ra đời vào năm 1958, chỉ chưa đầy 4 năm sau thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong 59 năm qua, Việt dã giải báo Tiền Phong được tổ chức đều đặn hàng năm, chỉ duy nhất một lần gián đoạn vào năm 1980. Giải đấu đã chứng tỏ một sức sống dài lâu cũng như vai trò vị trí xứng đáng của mình trong sự phát triển của thể thao phong trào cũng như điền kinh đỉnh cao của Việt Nam”. 

Theo điều lệ giải được Tổng cục TDTT ban hành, Việt dã toàn quốc và Marathon Giải báo Tiền Phong lần thứ 59 - 2018 sẽ diễn ra vào sáng Chủ nhật 25/3/2018 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, do báo Tiền Phong, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk  phối hợp tổ chức và được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp từ 6h30 phút trên kênh VTV6 và VTV6 HD.

Giải có các nội dung thi đấu gồm 42,195km marathon nam, nữ hệ nâng cao và hệ phong trào; 10km nam tuyển, 5 km nữ tuyển; 7,5km nam trẻ, 3km nữ trẻ; 5km nam thiếu niên, 2,5km nữ thiếu niên; 10km nam phong trào, 5km nữ phong trào trên 18 tuổi; 5km nam phong trào và 2,5km nữ phong trào dưới 18 tuổi.

Về cách tính điểm: Điểm cá nhân là vị trí xếp hạng thực tế của VĐV đạt được trong nội dung thi đấu và mỗi đơn vị chỉ được tối đa 2 VĐV có mặt trong bảng tổng sắp cá nhân. Điểm đồng đội là tổng số điểm 3 VĐV có thành tích cao nhất trong đội cộng lại, đội nào có số điểm ít hơn sẽ xếp trên. Nếu hai đội có tổng số điểm bằng nhau thì so sánh VĐV thứ 3 của hai đội, nếu VĐV nào có thành tích tốt hơn thì đội đó xếp trên. Trường hợp hai VĐV cuối cùng có thành tích bằng nhau thì xét đến VĐV kế trên. Điểm đoàn là tổng điểm của cả 06 đội hệ nâng cao: đội tuyển nam, đội tuyển nữ, đội trẻ nam, đội trẻ nữ, đội thiếu niên nam và đội thiếu niên nữ cộng lại. Nếu nhiều đoàn có tổng số điểm bằng nhau thì đoàn nào có đội nam thiếu niên xếp vị trí cao hơn sẽ được xếp trên.

Ngoài các nội dung thi đấu chính thức, giải còn có nội dung chạy đồng hành dành cho lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, công nhân viên chức của thành phố Buôn Ma Thuột với sự tham dự của khoảng 2.000 người.

Năm nay, tổng trị giá giải thưởng gần 230 triệu đồng. Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong cho đến nay vẫn đang là một trong những giải đấu có hệ thống giải thưởng gồm nhiều hạng mục nhất trong làng điền kinh quốc gia. Với sự đổi mới về hệ thống giải, các VĐV được nhận thưởng toàn đoàn, đồng đội và cá nhân cho 3 thứ hạng đầu ở các nội dung thi đấu hệ nâng cao.

Riêng hệ phong trào, BTC trao thưởng cho VĐV marathon ở 3 nhóm tuổi: từ 16 đến 29, từ 30 đến 39 và trên 40 tuổi, tạo nên sự cạnh tranh và cơ hội thắng giải cho rất nhiều VĐV phong trào. Ngoài giải thưởng, Đoàn vô địch được nhận Cúp luân lưu của BTC. Đoàn sau 3 lần giành ngôi vô địch toàn đoàn sẽ đoạt vĩnh viễn Cúp luân lưu. Cùng với giải thưởng của BTC, các đoàn, đội, VĐV đoạt 3 thứ hạng đầu nội dung nâng cao còn được nhận bằng khen của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự đồng hành, góp sức vào sự thành công của giải nói riêng và sự nghiệp phát triển phong trào việt dã, của thể thao Việt Nam nói chung của các nhà tài trợ Vàng- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGRIBANK), Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với thương hiệu Bia Sài Gòn, Công ty TNHH Nestle’ Việt Nam với thương hiệu thức uống dinh dưỡng giàu năng lượng MILO; các nhà tài trợ Đồng- Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh và các đơn vị đồng hành: Nhãn hàng Lavie, nhãn hàng Hammer Nutrition, nhãn hàng 100plus. 

Ban tổ chức đặc biệt cảm ơn các vận động viên, những nhân vật trung tâm của giải đấu, đã tham dự và góp công sức vào sự thành công chung của giải. Những chia sẻ của các bạn về những trải nghiệm trên đường chạy, những kinh nghiệm trong tập luyện, chuẩn bị và thi đấu là nguồn cảm hứng giúp lan toả phong trào chạy bộ, rèn luyện sức khoẻ ngày càng rộng lớn trong các tầng lớn nhân dân. 

Ra đời vào năm 1958, với đường chạy trong công viên Bách Thảo, Việt dã giải báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức ngày 25/12/1958 với 72 VĐV tham dự, trong đó có cả “anh hùng Thế vận” nổi tiếng ngày đó là VĐV Emil Zatopek với 5 năm liên tục lập kỷ lục marathon thế giới từ 1948 tới 1953, trở thành VĐV nước ngoài đầu tiên dự giải. Trong suốt lịch sử của giải, năm 1980 là lần đầu tiên và cũng là duy nhất giải không được tổ chức vì những lý do khách quan. 
Qua 58 lần tổ chức, đã có nhiều VĐV trưởng thành từ giải đấu, tiến ra đấu trường khu vực, châu lục và mang vinh quang về cho tổ quốc như các VĐV Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng trước đây hay Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông hay “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình... trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Gần 230 triệu đồng tiền thưởng giải Việt dã toàn quốc 2018 ảnh 1
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.