'Gấu' thế là lẽ tại sao?

'Gấu' thế là lẽ tại sao?
TP - Chuyện đội bóng đá xứ Nghệ suýt bị “mần thịt” trên xứ Thanh đang là đề tài gây xôn xao bàn luận. Nhiều người thắc mắc tại sao cổ động viên xứ Thanh lại “gấu” vậy, sân nhà, rồi sân khách, đều “quậy” tới bến, mới hết án kỷ luật.

Thực ra, nhân chuyện này, người Nghệ cũng nên sờ tay lên trán. Để ôn lại chuyện đội Thể Công cũng từng bị khán giả Nghệ “mần” cho nhừ tử ở cổng sân Vinh, sau khi “dám” có điểm trước Sông Lam Nghệ An. Trận mưa gạch củ đậu xối xả nhằm xe chở cầu thủ Thể Công mà đáp xuống, kính tan, đầu vỡ, kính và đầu nào lại được với gạch.

Hãy cùng thử cắt nghĩa xem họ “gấu” thế là lẽ tại sao?

Tại họ yêu bóng đá quá, đến độ ăn thua, cay cú, chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Tại cái máu cục bộ địa phương, “hắn ở mô đến mà dám đá rứa, đập chết cha hắn đi” (!?). Tại hiệu ứng đám đông, nhất hô bá ứng, dễ “mần” cái chuyện quá khích (vì không phải chịu trách nhiệm), chút bực bội cộng hưởng thành cơn hỏa khí ngút trời phải tìm chỗ trút...

Những ai không phải người Thanh, người Nghệ, có lẽ chỉ phân tích được đến vậy, là hết lẽ. Nhưng người viết bài này chính là dân Nghệ, nên mạnh dạn nói thêm một điều nữa. Khán giả mà đi quây đi đánh cầu thủ như vậy, chỉ chứng minh được một điều rằng họ không thể biểu lộ sự phản đối, sự tức giận một cách đàng hoàng, hợp pháp. Mà thôi, cứ nói thẳng ra là kém văn hóa.

Thể thao chơi phải đúng luật. Phải khơi gợi, nâng cao tinh thần thượng võ trong mỗi con người. Cầu thủ nước ngoài tức nhau hai tay áp sát đùi trán dí vào nhau mắt trợn trừng quai hàm bạnh ra như rắn hổ mang. Cái tư thế trâu chọi Đồ Sơn ấy kéo dài bao lâu cũng không sao, lấy tay đẩy khẽ vào ngực một cái là lĩnh thẻ.

Cổ động viên muốn phản đối thì huýt sáo, la ó, mức cao hơn đồng loạt đứng dậy rút khăn trắng ra vẫy. Hãn hữu lắm, tức quá không chịu nổi thì cầu thủ đánh nhau với cầu thủ, cổ động viên đánh nhau với cổ động viên. Không có chuyện cả đám cổ động viên “mần” cầu thủ, cậy số đông lại cậy cả gạch đá, dao kiếm như thế hoàn toàn không công bằng.

Thực ra người Thanh, người Nghệ, không thể nói là kém văn hóa, mà là ngược lại, rất có văn hóa. Họ ăn to, nói lớn, dám nói, dám làm. Bát nước chè tươi mời nhau uống chung, tháng Ba ngày Tám sẵn sàng nhường cơm sẻ áo.

Kẻ cả mà khí khái, nóng nảy mà khoáng đạt. Tức nhau có thể sừng sộ mà rồi giận thì giận, thương lại càng thương. Cái đám đông quây đánh cầu thủ khi tan trận đấu tưởng là đông thực ra chỉ là số ít, không đặc trưng cho người miền Trung.

Người viết bài này được biết người Thanh - Nghệ đi ra thường rất đoàn kết, hỗ trợ nhau rất tốt. Nhiều người học giỏi, nhiều người làm ăn phát đạt, thành công, thành danh, rất đáng tự hào. Nhưng người miền Trung ở lại quê, một bộ phận khá đông dường như chưa bứt phá được, chưa theo kịp được đổi mới kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hoá, như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lý do vì sao, vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Người viết bài này từng hỏi mấy anh bạn đồng khóa đang làm ăn ở quê, họ đáp “Bay không ở quê không biết, choa cũng muốn mần như ngoài nớ trong nớ, nhưng mà khó lắm nỏ mần được mô”. Hỏi khó chuyện gì, họ cười: “Đem ra lấy biểu quyết, cái đáng thông qua rốt cục lại không được thông qua, thôi bay không ở quê choa nỏ nói chuyện”.

Không nói thì thôi, trở lại chuyện bóng đá cho dễ nói. Tới đây cầu thủ Thanh cổ động viên Thanh có vào Nghệ, mong sao người Vinh đón tiếp cho đàng hoàng, cho có văn hóa.

Mong sao cổ động viên Thanh – Nghệ tưng bừng mà không quậy phá, căng biểu ngữ, quấn băng rôn, thổi kèn, gõ trống, vỗ tay, vẫy khăn, thiếu gì cách để cổ vũ các cầu thủ, để thể hiện văn hoá của người miền Trung. Quậy mãi như vậy, những người xa quê nghe tin chả ai vui, chỉ thấy buồn.

MỚI - NÓNG