Gia tăng chủ ngoại

Gia tăng chủ ngoại
TP - Cho đến nay, 8 trong số 20 câu lạc bộ thuộc giải Premier League đang thuộc quyền sở hữu của các ông chủ nước ngoài và một số khác cũng đã sẵn sàng đi theo lộ trình này.
Gia tăng chủ ngoại ảnh 1
Mohamed Al Fayed, nhà doanh nghiệp Ai Cập, người đầu tiên mua đội bóng Anh Fulham

Hiện tượng “chủ ngoại” đã gia tăng trong năm qua với 6 câu lạc bộ thay đổi quyền sở hữu.

Fulham đã khởi đầu xu hướng này vào tháng 5/1997 - khi họ nằm ở giải hạng ba của bóng đá Anh và trước khi họ được lên đá ở Premier League năm 2001 - bằng cách bán mình cho nhà doanh nghiệp người Ai Cập Mohamed Al Fayed, chủ sở hữu hãng Harrods.

Nhưng chính nhà tài phiệt dầu mỏ Nga Roman Abramovich là người gây ảnh hưởng lớn đầu tiên khi ông mua Chelsea năm 2003, xóa hoàn toàn khoản nợ của câu lạc bộ và biến đội bóng Màu Xanh có truyền thống gây thất vọng thành đội bóng 2 lần đoạt chức vô địch Premier League liên tiếp.

Manchester United cũng đi vào con đường tương tự vào năm 2005 khi nhà doanh nghiệp Mỹ và là chủ sở hữu Tampa Bay Buccaneers, Malcolm Glazer trở thành ông chủ mới ở Old Trafford sau khi bỏ ra 790,3 triệu bảng.

Năm ngoái, Aston Villa đã có chủ mới là doanh nhân Mỹ Randy Lerner, người sở hữu nhãn hàng NFL’s Cleveland Browns, trong một thương vụ mua bán trị giá 62,6 triệu bảng; West Ham được một người Aixơlen mua và Portsmouth rơi vào tay ông chủ Nga Alexandre Gaydamak.

Hồi tháng Ba, George Gillett Jr. và Tom Hicks hoàn tất một thỏa thuận trị giá 218,9 triệu bảng để trở thành chủ sở hữu mới của Liverpool.

Tháng trước, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra giành được quyền sở hữu Manchester City với một thỏa thuận đổi chủ trị giá 81,6 triệu bảng.

Đây đúng là hiện tượng lạ bởi không một câu lạc bộ nào ở Đức được sở hữu bằng một ông chủ ngoại, tương tự là Tây Ban Nha hay Italia, nơi chủ tịch các câu lạc bộ thường nhận được sự ủng hộ của khu vực mà đội bóng tọa lạc.

Tại Pháp, chỉ duy nhất Paris Saint-Germain có chủ ngoại với 66% cổ phần thuộc quyền sở hữu của các ngân hàng Mỹ Morgan Stanley và Colony Capital.

Newcastle tiếp nối xu hướng mới khi trở thành sở hữu của nhà doanh nghiệp Anh Mike Ashley hồi tháng Sáu. Birmingham đang trong quá trình thương lượng để bán cho nhà doanh nghiệp Hồng Công Carson Yeung, người đã mua 29,9% cổ phần của câu lạc bộ hồi tháng Sáu.

Arsenal trong khi đó nhắc đi nhắc lại rằng họ sẽ không bán cho nhà kinh doanh bất động sản người Mỹ Stan Kroenke, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng rổ Denver Nuggets.

Giám đốc điều hành Keith Edelman cho biết phần đông cổ đông Arsenal đã cam kết không bán câu lạc bộ. Ông nói: “Bất cứ ai, đặc biệt là người nước ngoài, đầu tư vào một câu lạc bộ, có thể họ không yêu câu lạc bộ đó như cái cách mà cổ đông của chúng ta yêu”.

MỚI - NÓNG