Giấc mơ đẹp

Giấc mơ đẹp
10 cầu thủ đi Nhật rèn giũa ở trường đào tạo bóng đá của CLB hàng đầu của J-League Jubilo Iwata với mức đầu tư trị giá 400.000 USD (khoảng 6,35 tỷ đồng) quả là một giấc mơ đẹp.

Vậy là đã có phương án để từ nay có thể chặn lại lời than vãn đầy nhức nhối của HLV Riedl: Bóng đá VN thiếu cầu thủ trẻ?

Thực tế đây không phải là lần đầu tiên bóng đá VN có ý tưởng đưa cầu thủ trẻ ra nước ngoài rèn luyện. Năm 2000, dưới sự giúp đỡ của cựu HLV trưởng đội CA.TP HCM Acorsi, 2 cầu thủ trẻ của đội bóng TP.HCM này là Nguyễn Việt Thắng và Bùi Thắng Dương đã được gửi sang CLB Pháp Bastia học chuyên tu.

Dù đẳng cấp của Bastia là rất khiêm nhường so với những CLB khác ở châu Âu, nhưng chỉ sau vài buổi tập, Việt Thắng, Thái Dương sớm nhận ra rằng mình chưa đủ trình độ để có thể bám đuổi các bạn đồng trang lứa ở CLB Pháp này.

Việt Thắng và Thái Dương sau đó phải trở lại Việt Nam với lời than vãn rằng, “số” họ đen vì cái nền đào tạo trẻ ở bóng đá VN quá kém nên không thể theo kịp khi sang châu Âu học việc.

Tiếp sau Việt Thắng, Thái Dương, hậu vệ trẻ người Thanh Hóa Mai Tiến Thành tưởng chừng sẽ trở thành cầu thủ VN đầu tiên được học việc ở châu Âu sau khi vượt qua đợt tuyển chọn “Tìm kiếm tài năng bóng đá trẻ VN” vào tháng 4/2002 do một đối tác VN phối hợp với CLB Anh Leeds United thực hiện.

Người ta hứa hẹn cho Mai Tiến Thành được đào tạo 1 năm rưỡi ở Leeds United, nhưng rốt cục nó bị biến thành chuyến... du lịch trong vòng chưa đầy 1 tháng vì Leeds United không hề có chương trình học bổng nào như vậy cho cầu thủ VN.

Chuyến đi Leeds United thất bại của Mai Tiến Thành, cộng thêm ý tưởng đưa 6 cầu thủ sang CLB danh tiếng AC Milan (Ý) đào tạo mà sau này nguyên Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn phải chữa thẹn rằng, đó chỉ là ý tưởng chơi trội của ai đó chứ VFF chưa hề liên hệ với AC Milan để nhờ giúp đỡ, làm cho giấc mơ đưa cầu thủ  trẻ VN ra nước ngoài đào tạo luôn luôn là dấu hỏi to tướng mỗi khi nhắc đến.

Giấc mơ đi Nhật tìm ngọc có cơ hội thành sự thật? Phương án của chương trình “Đãi cát tìm vàng” của Cty cổ phần bóng đá - VFD và nhà tài trợ Yamaha đệ trình lên VFF có 2 sự lựa chọn: một là sàng lọc ra 10 cầu thủ lứa U15, hai là tìm kiếm 10 cầu thủ U17-18.

10 cầu thủ chất lượng cao này sẽ được tuyển chọn từ tháng 8, sau đó được “o bế” tại 1 trung tâm đào tạo trong nước trước khi đưa sang CLB Jubilo Iwata đào tạo vào đầu năm 2006.

Tuy chưa quyết định cụ thể, nhưng rõ là phương án chọn lứa cầu thủ U15 đưa đi đào tạo là thích hợp hơn cả vì nó sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho bóng đá VN hơn là lứa “ăn xổi” U17-18.

Cái khó nhất để biến giấc mơ đẹp ấy thành hiện thực bây giờ là chuyện kinh phí. Dự án trị giá 400.000 USD này đã có sự đảm bảo của nhà tài trợ Yamaha là họ sẽ chu cấp 150.000 USD. Tuy nhiên, sự trắc trở nằm ở việc tìm kiếm 250.000 USD còn lại, bởi VFF đã giao khoán đề án này cho VFD.

Thế nhưng, ngoài việc trục trặc về nhân sự ở chính VFD, dễ dàng nhận thấy giá trị của bóng đá VN khá thấp và chuyện kiếm 250.000 USD không phải là xòe tay phù phép là lập tức có được.

Đơn cử như thương hiệu của ĐT nam quốc gia vốn được đánh giá là ăn khách nhất, vậy mà chật vật lắm VFF mới kéo về được gần 4 tỷ đồng tài trợ của Vietcombank.

Trông chờ vào “bầu sữa” của ủy ban TDTT? Đó quả là điều không tưởng bởi hiện tại, chính VFF đã bị cắt nguồn kinh phí dành cho đội trẻ. Thế mới có chuyện VFF chỉ dám tập trung 2 đội U17 và U20 trong vòng 1 tháng để thi đấu vì thiếu tiền, tập trung rồi thì cũng phải chạy vạy khó khăn để kiếm sân tập vì không ai chịu tiếp nhận.

Ngoài kế hoạch tìm ngọc trên đất Nhật, VFF hiện đang cố gắng sớm thực hiện đề án lập Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Kế hoạch đã được đệ trình cho ủy ban TDTT, trong đó VFF đã nhận được sự hậu thuẫn của FIFA là rót nửa triệu USD đầu tư.

Song, chờ đến ngày trường thành lập thì ít nhất cũng phải vài ba năm nữa vì ngay chuyện xin đất lập trường đã khó vì thủ tục hành chính chứ chưa nói dự án ấy đòi hỏi VFF phải “moi” được 40 tỷ đồng.

Giấc mơ đẹp xem chừng vẫn còn quá xa vời đối với bóng đá VN!

MỚI - NÓNG