“Giấc mơ Mỹ” của David Beckham

“Giấc mơ Mỹ” của David Beckham
Mối lương duyên giữa David Beckham và bóng đá Mỹ sắp kết thúc, khi giới truyền thông cho biết Beckham sẽ trở lại Los Angeles vào giữa tháng bảy chỉ để chơi nốt mùa còn lại của giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) và sau đó anh sẽ ra đi...

Khi David Beckham ra mắt ở CLB Los Angeles Galaxy tháng 7/2007, anh nói mình là người truyền giáo mới và sẽ đem bóng đá tới cho công chúng Mỹ.

Chưa đầy hai năm sau, dự án này dường như sắp chấm dứt. Beckham sẽ chỉ trở lại Los Angeles vào giữa tháng bảy để chơi nốt mùa còn lại của MLS, sau đó chắc chắn sẽ tìm cách tiến hành chấm dứt hợp đồng.

Cầu thủ 33 tuổi này rõ ràng là mê mẩn với cơ hội được chơi cho AC Milan và mong muốn được chuyển hoàn toàn tới San Siro.

Điều nghịch lý là phong độ của Galaxy trong thời gian có Beckham là vô cùng tệ hại. Từ giữa mùa 2007, Beckham chỉ chơi được năm trận vì liên tục chấn thương mắt cá chân và Galaxy kết thúc giải chỉ ở vị trí 11/13. Đáng nói hơn là mức lương cơ bản của Beckham khoảng 5,5 triệu USD/mùa, chiếm khá lớn quỹ lương của Galaxy, trong khi có thành viên trong đội chỉ kiếm được 12.900 USD/mùa.

Sẽ dễ dàng để nói hành trình tới Mỹ của Beckham là thất bại và hẳn nhiều người sẽ nghĩ vậy. Nhưng nếu nói chuyện với những người am hiểu giải MLS và nhìn vào những số liệu và thực tế, bạn sẽ thấy một câu chuyện khác.

Giáo sư Andrei Markovits của ĐH Michigan cho biết thành công lớn nhất của Beckham là giúp bóng đá có được sự chú ý trên toàn nước Mỹ.

Ông Markovits, tác giả cuốn Offside: Soccer and American exceptionalism (Việt vị: Bóng đá và sự ngoại lệ của nước Mỹ), giải thích: “Beckham đã biến bóng đá thành môn thể thao ở mọi nhà và bạn không thể quy ra tiền thành tựu đó được. Anh tạo ra một cảm hứng mà không ai có thể sánh nổi, kể cả đó là Lionel Messi hay Kaka...

Khi bạn tới bàn khách sạn mọi người đều nói về anh, khi bật TV Beckham đang trên một show truyền hình nào đó, khi mở một tờ báo lá cải anh ta cũng ở đấy. Điều đó tạo ra một ảnh hưởng vô cùng lớn”.

Điều này đã tạo ảnh hưởng ngay lập tức lên số lượng khán giả của giải MLS.

Khi Galaxy tới gặp New York Red Bulls ngày 18/7/2007, đám đông kỷ lục 66.237 người đã đến chật sân để coi trận đấu kịch tính với phần thắng 5-4 nghiêng về đội nhà New York. Số lượng khán giả trung bình của LA Galaxy năm 2008 là 26.009 người/trận, tăng đột biến 24,9% so với năm 2006. Cùng năm đó, lượng khán giả MLS cũng tăng thêm 6,9%.

“Giấc mơ Mỹ” của David Beckham ảnh 1
Thiếu nữ Mỹ mê Beckham như “điên” - Ảnh: AP

11 trên 13 đội của giải đã có khối lượng khán giả đông kỷ lục mỗi khi Galaxy của Beckham đến thi đấu. Sức hút của cựu thủ quân đội tuyển Anh lớn tới mức khán giả sẽ đòi trả lại tiền vé nếu anh ta không thi đấu.

Ảnh hưởng của anh đối với truyền hình cũng rất quan trọng. Lượng khán giả coi ESPN tăng trung bình 23% mỗi khi tiền vệ này thi đấu. Ông Markovits cho biết trước kia chương trình Sports Centre của ESPN tại Mỹ hầu như không đưa tin bóng đá bao giờ. Mức độ phổ biến của bóng đá còn thấp hơn cả bóng rổ nữ Mỹ.

Sau khi có Beckham, tin tức này thường được đưa lên mục thứ hai hoặc thứ ba trong bản tin. Trước kia, khi HLV Nicol mới tới Mỹ, ông không thể nào kiếm được tin tức về Giải ngoại hạng Anh. Giờ thì có một kênh bóng đá 24/24 (Fox Soccer) cùng với ESPN, báo chí và mạng.

Beckham cũng là một trường hợp thành công lớn về nhà tài trợ và marketing cho đội bóng. Năm 2007, Galaxy là đội đầu tiên trong lịch sử bóng đá Mỹ có tên nhà tài trợ, Herbalife, trên áo thi đấu của mình.

Đó là hợp đồng đôi bên cùng có lợi với việc Galaxy nhận được 4,5-5 triệu USD/năm, trong khi công ty dinh dưỡng kia giành được sự chú ý trên toàn cầu nhờ Beckham.

Nhà sản xuất áo thi đấu Adidas thì vui mừng vì áo thi đấu của Galaxy trở thành chiếc áo bán chạy nhất thế giới năm 2007. Galaxy cũng kiếm lời trên Beckham ngay lập tức bằng việc tăng giá vé từ 21,50 USD lên 32 USD, giúp doanh thu năm 2007 của họ tăng lên 7.436.529 USD (chiếm tới 21% doanh thu của toàn giải MLS).

Câu hỏi lớn giờ là động lực mà Beckham từng tạo ra liệu có duy trì được một khi anh rời đi?

Thực tế là số lượng khán giả và người xem truyền hình đã giảm vào năm 2008 sau khi tăng đột biến năm 2007. Ngoài ra, các nhà tài trợ sẽ khó mà hài lòng khi tiền vệ này ra đi.

Markovits thừa nhận trong tương lai một đội nào đó có thể đưa một siêu sao khác tới Mỹ, nhưng dù đó là ai cũng sẽ chẳng sánh bằng Beckham được.

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ/ BBC

MỚI - NÓNG