Giải bài toán tâm lý cho cầu thủ U19 Việt Nam

Bầu Đức (đứng, áo sơ mi) sẽ lánh mặt khỏi khu kỹ thuật đội U19 VN nhằm giúp các cầu thủ ổn định tâm lý. Ảnh: VSI
Bầu Đức (đứng, áo sơ mi) sẽ lánh mặt khỏi khu kỹ thuật đội U19 VN nhằm giúp các cầu thủ ổn định tâm lý. Ảnh: VSI
TP - Tâm lý căng cứng được BHL đội tuyển U19 Việt Nam xác định là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại 0-6 trước U19 Hàn Quốc trong trận ra quân hôm 9/10.

Việc giải tỏa tâm lý cho cầu thủ vì vậy theo BHL đội tuyển U19 Việt Nam, có tính chất quyết định tới phong độ toàn đội ở trận gặp U19 Nhật Bản chiều nay.

Kết thúc trận đấu với U19 Hàn Quốc hôm 9/10, thầy trò HLV Guillaume Graechen vẫn nán lại sân vận động Wunna Theikdi để theo dõi trận đấu giữa U19 Nhật Bản với U19 Trung Quốc. Tan trận, trở về khách sạn cả đội vẫn ăn tối bình thường trước khi lên phòng nghỉ ngơi.

Đáng chú ý, tiền đạo Công Phượng, người chơi mờ nhạt khi gặp U19 Hàn Quốc đã được bác sĩ đội tuyển gọi ra nói chuyện riêng để hỏi han về các vấn đề mắc phải trong trận đấu.

16h hôm nay, 11/10, sân vận động Wunna Theikdi, U19 Việt Nam - U19 Nhật Bản.

Sáng qua sau buổi ăn sáng, bầu Đức đã quyết định cho toàn đội nghỉ ngơi, không tổ chức bất kỳ buổi họp nào. Ông Đức cho biết làm như vậy nhằm để các cầu thủ thoải mái, quên đi trận thua trước U19 Hàn Quốc. Bản thân bầu Đức cũng tự xác nhận “có lỗi” với thất bại của U19 Việt Nam.

Ông Đức tự nhận “đem lại vận xui”, ảnh hưởng tới tâm lý toàn đội nên đã quyết định rời Nay Pyi Taw, trở lại Yangon và sẽ theo dõi trận đấu của đội với U19 Nhật Bản qua tivi.

“Tôi có kinh nghiệm là mỗi khi có tôi theo dõi trận đấu, các cầu thủ thường thi đấu không tốt. Tôi ở với tụi nhỏ bao năm, nên biết rất rõ chúng nó. Xuân Trường hôm qua thi đấu rất kém, thường xuyên mất bóng. Công Phượng thì là đứa hay sợ bị mắc sai sót. Cái này đúng là khác so với đội 1 HA.GL. Riêng đội 1, có tôi thì cầu thủ thi đấu rất máu lửa”-ông Đức nói.

Trong cuộc nói chuyện trước bữa ăn trưa với toàn đội U19 sau đó, bầu Đức đã động viên các cầu thủ thi đấu tốt, đồng thời tự nhận 70% trách nhiệm đối với thất bại của đội.

“Tôi quở mắng vì muốn các em thi đấu tốt”

Đấy là chia sẻ của HLV Guillaume Graechen sau buổi tập chiều qua của U19 Việt Nam tại Nay Pyi Taw. Đây là buổi tập duy nhất của U19 Việt Nam để chuẩn bị cho trận đấu với U19 Nhật Bản. Sau phần khởi động, ông Guillaume Graechen đã cho chia đôi đội hình để đội chính đá với đội phụ. 

So với các buổi tập trước đó tại Nay Pyi Taw, HLV Guillaume Graechen hôm qua tỏ ra kém hài lòng hơn với các tình huống xử lý của học trò. Ông thường xuyên quát và thúc các cầu thủ, đưa ra các chỉ đạo và điều chỉnh mỗi khi không vừa ý. Không khí buổi tập cũng khá trầm lắng, không tươi vui như mọi ngày. Trên sân, các cầu thủ ít cười đùa và trêu chọc nhau hơn.

Sau 1 tiếng tập luyện, HLV Guillaume Graechen ra đường pist trả lời phỏng vấn của các phóng viên, để các cầu thủ thả lỏng ở trên sân. Ông sau đó trở lại và cùng BHL triệu tập toàn đội ngồi quây tròn tại sân để trò chuyện. Mục tiêu, như một thành viên BHL đội sau đó cho biết, ông Guillaume Graechen muốn tháo gỡ không khí nặng nề của đội, cởi bỏ gánh nặng áp lực cho cầu thủ.

“Tôi quát mắng các em vì muốn các em thực hiện đúng và làm tốt công việc của mình trên sân. Dù như thế nào thì chúng ta cũng là một tập thể đoàn kết, gắn bó nên phải cùng nhau hướng về cùng một đích”-HLV Guillaume Graechen nói với các cầu thủ.

Thất bại trước U19 Hàn Quốc, theo nhận định của BHL đội tuyển U19 Việt Nam, chủ yếu xuất phát từ tâm lý căng cứng của các cầu thủ. Việc giải toả áp lực cho cầu thủ vì vậy được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất trước trận đấu với đối thủ đã quen mặt là U19 Nhật Bản.

Sau buổi nói chuyện của ông Guillaume Graechen chiều qua, không khí của đội đã phần nào bớt nặng nề. Bữa ăn tối hôm qua diễn ra khá vui vẻ. Dự kiến U19 Việt Nam hôm nay sẽ tới sân Wunna Theikdi sớm trước 2 tiếng đồng hồ để chuẩn bị cho trận đấu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.