Hà Nội chưa phải đất lành

Hà Nội chưa phải đất lành
TP - Khi bóng đá Hà Nội lao đao, đã có người chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân khiến cả HN-ACB và HPHN không phất lên được chính là thiếu cái “chất” Hà Nội, thiếu bản sắc.
Hà Nội chưa phải đất lành ảnh 1
HN - ACB chỉ biết lo trụ hạng. Ảnh: Trường Huy

Từ ngày CAHN chuyển giao, người ta không còn nói đến “cái chất” ấy nữa thay vào đó là quá trình “Nghệ An hóa”, “Thanh Hóa hóa”, “Hải Phòng hóa” bóng đá Hà Nội.

Trong khi ấy khá nhiều cầu thủ trưởng thành từ Hà Nội nhưng đã thành công khi xa đất thủ đô.

Đi đến đâu - hay đến đó

Không ít những cầu thủ Hà Nội đã đến những địa phương khác lập nghiệp và đáng ngạc nhiên, hầu hết họ đã thành công.

Điển hình nhất là Nguyễn Minh Đức - cựu cầu thủ của CAHN. 5 năm trước khi đội bóng CAHN chuyển giao, Minh Đức đột ngột xin ra đi. Đó là một cú sốc đối với bóng đá Hà Nội bởi thời điểm ấy Minh Đức là một trong số những cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Hà Nội được gọi vào đội tuyển dưới thời HLV Calisto chuẩn bị cho Tiger 2002.

Minh Đức ra đi có cái lý của anh, bến đỗ lại là một mảnh đất lý tưởng, ít nhất là để phát triển khả năng cũng như tiền bạc: HAGL. Nên nhớ HAGL khi ấy chiêu mộ được cả dàn sao và Minh Đức là một trong số ấy.

Thế nhưng, dường như đi đến đâu, Đức cũng có thành công. Hai mùa liên tiếp đoạt chức vô địch V.League cùng HAGL các năm 2003 và 2004 và mùa giải 2007, Minh Đức đoạt chức vô địch cùng Bình Dương.

Điều trớ trêu là khi Minh Đức ra đi, bóng đá Hà Nội không được một đồng chuyển nhượng nào và để rồi tìm những cầu thủ khác, bóng đá Hà Nội lại phải bỏ ra cả khoản tiền tỷ để lấy người mà chuyên môn khó có thể sánh với chàng trai trưởng thành từ chính cái nôi bóng đá Hà Nội.

Có lẽ về cách đối nhân xử thế, Minh Đức đã từng thề không bao giờ quay lại Hà Nội chơi bóng. Anh từng phát biểu: “Thà về lái xe ôm còn hơn đá cho HN-ACB”. Nhưng cũng có thể  mùa sau, Minh Đức sẽ về HPHN chỉ tiếc rằng tài năng của Đức khi ở đỉnh cao đã cống hiến hết cho HAGL, Đà Nẵng và Bình Dương rồi.

Ngay ở đất Bình Dương, một cầu thủ Hà Nội khác đã tỏa sáng. Đó là Như Thành. Như Thành đã từng là đối tượng mà HPHN ngắm nghía nhưng cuối cùng anh lại chọn Bình Dương. Nhiều người nói rằng HPHN mà có những cầu thủ như Minh Đức, Như Thành thì có lẽ thứ hạng đã “ngon rồi”.

Mạnh Dũng xuất thân từ lò Thể Công, nổi tiếng từ Thể Công nhưng nơi để lại dấu ấn nhiều nhất lại là mảnh đất HAGL. Tất nhiên, Dũng là một cầu thủ có cá tính, thậm chí ngỗ ngược nhưng không ai phủ nhận tài năng của anh. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao Dũng lại “chìm lỉm” khi quay lại Hà Nội chơi cho HN-ACB?

Mấy năm trước, Hà Nội cho ra lò lứa Thanh Niên Hà Nội rất có triển vọng nhưng cuối cùng đó lại là một lứa cầu thủ có nuôi mà không lớn. Thanh Niên Hà Nội tan rã và hầu như không một cầu thủ nào thành danh. Lý do chẳng đội nào của Hà Nội dũng cảm dùng lớp trẻ. Cuối cùng những nhân tố tốt như Gia Hoàng, Việt Anh đã lặn lội theo bước đàn anh lên Pleiku lập nghiệp.

Không chỉ là cầu thủ, những HLV khi rời Hà Nội cũng gặt hái được những thành công đáng nể. HLV Vũ Trường Giang từng tay trắng đưa Tiền Giang lên hạng mùa 2005, HLV Vương Tiến Dũng đã từng để lại dấu ấn khá rõ nét ở Bình Dương và đặc biệt là HLV Lê Thụy Hải.

Ông Hải lơ là người Hà Đông nhưng trưởng thành và tỏa sáng trong sự nghiệp cầu thủ lại là những sân bóng Hà Nội. HLV Thụy Hải từng dẫn đắt HN-ACB song thất bại hoàn toàn. Ấy thế mà khi vào Đà Nẵng, ông Hải làm cho Đà Nẵng thay da đổi thịt, vào Bình Dương làm cho Bình Dương từ á quân lên tới chức vô địch.

Những cuộc “xâm thực” bóng đá Hà Nội

Nhìn vào danh sách thi đấu của đội Hòa Phát Hà Nội trong trận đấu play-off vừa qua, nhiều người đã giật mình: Trong số 11 cầu thủ đội hình chính HPHN chỉ có đúng... 2 cầu thủ trưởng thành từ bóng đá Hà Nội là trung vệ Tiến Dũng và tiền vệ Hồng Việt. Còn lại là những cầu thủ ngoại và từ nơi khác đến.

Thực ra, cũng không ít những cầu thủ đã đậu bến bóng đá Hà Nội và rạng danh như Quang Hà, Như Thuần từ Thanh Hóa khoác áo Thể Công. Tuấn Thành quê Hưng Yên, Trung Phong, Thanh Châu từ Thanh Hóa...cũng đã từng tạo ra cho CAHN một bản sắc rất...Hà  Nội với lối chơi khó lẫn với bất kỳ đội bóng nào.

Nhưng đó là một thời đã xa và những cuộc đổ bộ hiện tại đã biến một HPHN thành một tập đoàn tứ xứ như Mạnh Dũng, Xuân Thành từ Hải Phòng, Văn Lưu, Đức Lam, Ngọc Tú, Công Mạnh, Hải Nam  từ SLNA, Văn Hiển từ Bình Định, Ánh Cường từ Hà Tĩnh và được dẫn dắt bằng một HLV từ đất Cảng Hải Phòng: ông Trần Bình Sự.

HN-ACB ít sự pha tạp hơn nhưng cái chất Nghệ mà ông Nguyễn Hồng Thanh mang lại cho đội bóng này thực sự cũng chỉ giúp cho đội bóng trụ hạng.

Bóng đá chuyên nghiệp bắt buộc phải chấp nhận sự du nhập cầu thủ từ những nơi khác đến để tạo ra sức mạnh như HAGL, ĐT.LA rồi Bình Dương  từng làm nhưng họ vẫn giữ được cái “cốt” là cái hồn, cái khát khao vì màu cờ sắc áo.

Bóng đá Hà Nội đang thiếu chính cái sự tự hào màu cờ sắc áo. Những bản hợp đồng ngắn hạn, những cầu thủ từ nơi khác đến khi ý thức chuyên nghiệp chưa triệt để.

Bóng đá Hà Nội đã bắt đầu tìm cách làm lại bằng việc xây dựng một chiến lược đào tạo trẻ với hy vọng có “vốn” cho tương lai. Nhưng đường còn xa, mất nhiều thời gian, tiền bạc.

Việc làm ngay chính là phải để Hà Nội trở thành “đất lành: cho chính những người con của bóng đá Hà Nội có thể trở về như HLV Thụy Hải, Minh Đức, Như Thành và những cầu thủ nơi khác đến phải coi bóng đá Hà Nội như chính ngôi nhà của mình để cống hiến.

Bài toán ấy dễ nhìn ra đáp số nhưng để giải phải mất rất nhiều phương trình và cần những bộ óc chiến lược thật sự. 

MỚI - NÓNG