Hậu SEA Games 24: Nhiệm vụ số 1

Hậu SEA Games 24: Nhiệm vụ số 1
TP - Sau thất bại ở SEA Games 24, thay máu và cấy ghép một hình hài mới cho đội tuyển Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ số 1 của VFF. Nhưng cuộc cải tổ ấy có vẻ lại bị ám ảnh bởi căn bệnh thường trực của bóng đá Việt Nam: bệnh thành tích!

>> Riedl từ chức, VFF tính sao?
>> Thầy nội hay thầy ngoại?

Hậu SEA Games 24: Nhiệm vụ số 1 ảnh 1
Bao giờ CĐV Việt Nam được toại nguyện...

Làm mới cả thầy lẫn trò

Việc U23 Việt Nam trắng tay ở SEA Games 24 đã biến bóng đá Việt Nam trở thành… “bệnh viện”. Các thầy thuốc thi nhau kê đơn, bốc thuốc thậm chí đến cả một tổ chức tưởng chừng đã ngủ quên là Hội đồng HLV quốc gia cũng nhảy vào làm “bác sỹ”.

“Bệnh” của U23 Việt Nam ra sao? Đó là tập thể rời rạc, thiếu khát vọng chiến thắng và bị… cớm nắng (quen thi đấu ở điều kiện thời tiết mát mẻ, cho nên khi phải đá vào thời điểm nắng gắt trên đất Thái đã không thể thích nghi).

Những thứ bệnh của U23 Việt Nam xuất phát từ việc giao khoán, thiếu can thiệp quyết liệt khi phát hiện ra những dấu hiệu đi xuống mà đội bóng do ông Riedl dẫn dắt gặp phải. Dĩ nhiên, ngay sau thất bại của U23 Việt Nam, ông Riedl đã trả giá bằng chính chiếc ghế HLV trưởng của mình.

Theo cách chẩn trị của VFF, gần như chắc chắn đội tuyển Việt Nam sẽ lại có một ông thầy ngoại mới để cầm quân.

Nhưng thực tế, bản thân những trợ lý HLV cũng phải có trách nhiệm trong thất bại của U23 Việt Nam, do vậy, không ít ý kiến đòi hỏi cần thay cả một bộ sậu này, nhằm tạo ra một đội ngũ trợ lý năng động, có chính kiến hơn.

Tất nhiên việc tìm thuyền trưởng mới thực sự khó, nhất là trong điều kiện túi tiền của VFF khá hạn hẹp, chỉ đáp ứng được mức lương tối đa khoảng 15.000 USD/ tháng.

Thế nhưng, một khi thay tướng, thay đội ngũ cầm quân thì cũng cần sòng phẳng, quyết liệt hơn trong việc tìm… trò. Sau vụ tiêu cực tại SEA Games 23, bóng đá Việt Nam mất tới 7 cầu thủ giỏi và điều ấy đến tận bây giờ khoảng trống do những cầu thủ này để lại vẫn chưa san bằng được.

Thành công ở Asian Cup hay vòng loại Olympic Bắc Kinh chỉ là nhất thời, có HLV giỏi nhưng thiếu trò hay thì có HLV tài ba cỡ Mourinho hay Capello cũng… bó tay.

Hy sinh thêm AFF Cup 2008?

Trong nỗ lực tái thiết đội tuyển Việt Nam, VFF tập trung vào “điểm nhấn” AFF Cup 2008- nơi họ đang nỗ lực giành quyền đăng cai tổ chức.

Thực ra nhấn mạnh vào AFF Cup 2008 chẳng phải là điều khó hiểu, nhất là khi bóng đá Việt Nam chưa một lần được đứng trên đỉnh cao Đông Nam Á như người Thái hay Singapore.

Thế nhưng, sau thất bại chua chát ở SEA Games 24, việc sớm đặt ra cái đích AFF Cup 2008 có phải là hợp thời hay chỉ vì sức ép của căn bệnh thành tích?

Có một điều đáng chú ý, trong cả 2 thành công của bóng đá Việt Nam năm 2007 là Asian Cup 2007 và vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, cả 2 giải đấu ấy, đội bóng của HLV Riedl đều không chịu nhiều sức ép.

Nói thẳng ra là, đội bóng do ông Riedl cầm quân thắng thì… vui, còn thua thì điều quan trọng là tích lũy kinh nghiệm. Chỉ đến khi cái đích thực sự là SEA Games 24 hiển hiện, nhiệm vụ lấy vàng được xác định thì U23 Việt Nam bắt đầu “bể”, bê bết và hoàn toàn kiệt sức.

Rõ ràng sức ép thành tích đã khiến U23 Việt Nam kiệt quệ. Thế nên, trong thời điểm VFF xác định “làm lại”, thật ra đâu cần sớm xác định, đội tuyển Việt Nam phải làm lại và thành công ngay tại AFF Cup 2008, một khi phía trước đội bóng áo đỏ còn là những khoảng trống mênh mông.

VFF có dám tuyên bố “hy sinh” AFF Cup 2008?

MỚI - NÓNG