Hứa hẹn

Hứa hẹn
TP - Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong có những thay đổi kịp thời, đáp ứng sự phát triển đồng thời mang lại nhiều nét hấp dẫn cho điền kinh Việt Nam, ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT nhận định.
Hứa hẹn ảnh 1

Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT

Từng nhiều năm tham gia điều hành Việt dã toàn quốc giải Báo Tiền Phong với tư cách là thành viên BTC cũng như cương vị trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT, ông đánh giá thế nào về giải?

Đây là giải đấu có truyền thống lâu đời nhất của thể thao Việt Nam. Việt dã toàn quốc giải Báo Tiền Phong từng là nơi phát hiện và nâng bước nhiều thế hệ tài năng của điền kinh Việt Nam như danh thủ Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Đặng Thị Tèo, Phạm Đình Khánh Đoan, Nguyễn Chí Đông, Nguyễn Thanh Hằng…

Đây là giải đấu luôn luôn có thay đổi, đáp ứng kịp thời sự phát triển của điền kinh nước nhà. Từ chỗ chỉ có vài nội dung như những giải đầu tiên, nay phát triển với hệ thống thi đấu đa dạng.

Năm nay, để kỉ niệm sinh nhật lần thứ 50 Việt dã Toàn quốc Giải Báo Tiền Phong, BTC quyết định mở thêm nội dung bán marathon (21 km).

Điều này sẽ tạo nét mới gì cho điền kinh nước nhà, thưa ông?

Đây là một bước tiến mới phù hợp với xu thế hội nhập của thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh nói riêng. Ví dụ như, năm ngoái, trong lần cùng đoàn Việt Nam qua Nairobi tham dự giải marathon lớn nhất thế giới, tôi từng tiếp xúc với một số VĐV cự ly dài hàng đầu thế giới của Kenya, Ethiopia và họ nói sẵn sàng qua Việt Nam tham gia thi đấu.

Nhưng khi nghe giải chỉ có đến nội dung 10km, họ đều tỏ ý thất vọng vì cho rằng đoạn đường quá ngắn để thể hiện hết những tố chất của một VĐV hàng đầu. Vì thế quyết định mở thêm cự li bán marathon là rất đáng hoan nghênh.

Điều này không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống thi đấu của điền kinh Việt Nam mà, với điều lệ khá mở (chỉ thi đấu cá nhân, không tính điểm đồng đội, cho phép cá nhân tự do đăng kí tham dự), nội dung này sẽ thu hút nhiều người tham dự, tạo đà thúc đẩy phong trào.

Việc đồng ý cho các VĐV nước ngoài tham gia thi đấu nội dung bán marathon sẽ khiến giải tăng sức cạnh tranh.

Việc tổ chức giải ở một thành phố sát biển như Nha Trang có thuận lợi và khó khăn gì cho công tác tổ chức và thi đấu?

Chúng tôi có kinh nghiệm tổ chức giải (2004). Thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang có nhiều thuận lợi từ việc ăn ở của các VĐV, trọng tài, cho đến thiết kế đường chạy.

Tuy nhiên, tôi lưu ý một điểm, vì là thành phố biển nên độ muối trong không khí khá cao. Điều này khiến cho VĐV quen sống ở khí hậu đồng bằng hay miền núi không dễ thích nghi. Đây là một lợi thế không nhỏ cho các VĐV vốn rất mạnh của đoàn chủ nhà Khánh Hòa.

Theo tôi biết, có rất nhiều đoàn (Hà Nội, Quân đội…) có kế hoạch di chuyển vào Khánh Hòa ngay từ đầu tháng 3/2009 để có thêm thời gian làm quen với đường chạy và các điều kiện thi đấu. Việc này cho thấy nhiều đoàn bày tỏ quyết tâm trong việc tranh chấp những vị trí ở nhóm đầu.

- VĐV Trương Thanh Hằng, đương kim vô địch nội dung nữ tuyển, đã chấm dứt hợp đồng với TPHCM. Vậy Hằng có thể dự giải dưới màu áo đơn vị khác?

- Theo điều lệ của Liên đoàn Điền kinh, một VĐV chưa được phép chơi cho đơn vị mới ít nhất trong thời gian sáu tháng đầu tiên kể từ khi chuyển nhượng. Tuy nhiên nếu BTC linh động, Hằng vẫn có thể thi đấu nhưng cũng chỉ nhằm kiểm tra chứ không tính vào thành tích chung. Hoặc Hằng có thể đăng kí tham dự nội dung bán marathon (21km), song đây lại không phải cự li sở trường của cô.

Hà Thành
thực hiện

MỚI - NÓNG