Huấn luyện viên Việt Nam có giàu không?

Huấn luyện viên Việt Nam có giàu không?
20 triệu đồng mỗi tháng cho HLV bây giờ là mức lương bình bình. Cỡ được gọi là “khủng” phải gấp đôi, 40-50 triệu đồng. Tuy vậy, thu nhập của một HLV dù thuộc dạng xuất sắc tính ra chỉ là những số lẻ so với thu nhập của cầu thủ.

4 năm về trước, khi ông Vương Tiến Dũng xuôi quốc lộ 1 vào Nam, dẫn dắt đội bóng được mệnh danh là Chelsea Việt Nam, Bình Dương, ông Dũng nhận lương 20 triệu/tháng.

Khi ấy, người ta khẳng định ông Vương Tiến Dũng nhận lương cao so với mặt bằng chung từ 7-10 triệu đồng hay nhiều lắm như ông Lê Thụy Hải cũng chỉ được trả 15 triệu đồng lúc ở Đà Nẵng. 

Bây giờ, bóng đá thay đổi chóng mặt. Lương thưởng cho các cầu thủ tăng gấp đôi, tiền phí chuyển nhượng tăng gấp 5, ngân sách cho các CLB cũng vùn vụt nhảy từ mức trung bình 12 tỉ đồng/mùa lên tới 20 tỉ đồng (SHB Đà Nẵng “quảng cáo” mùa trước họ chi tới 40 tỉ đồng). Lương cho HLV cũng tăng theo.

20 triệu đồng mỗi tháng cho HLV bây giờ là mức lương bình bình. Cỡ được gọi là “khủng” phải tăng gấp đôi, dao động trong số 40-50 triệu đồng. Số tiền này tương đương với mức lương của những ngôi sao cầu thủ nội ở những đội bóng như Thể Công, T&T Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai.  

Ai nhận lương “khủng”?

Số HLV được nhận lương cao không nhiều. Rất ít. Cũng chỉ xoay quanh những người đang làm việc cho các đội bóng nhà giàu. Đếm trên đầu ngón tay có HLV Vương Tiến Dũng ở Thể Công, Huỳnh Đức ở SHB Đà Nẵng và thấp hơn một chút là Triệu Quang Hà ở T&T HN. Họ là những HLV nội được trả cao nhất.

Ông Lê Thụy Hải, dù không làm HLV, ở Thể Công ông cũng được trả 30 triệu/tháng cho chức danh cố vấn kỹ thuật cho Ban Giám đốc, có nhiệm vụ theo dõi, quan sát đội bóng tập luyện thi đấu và săn tìm tài năng ngoại. 

Những HLV như Ngọc Hảo ở Nam Định dù cũng được xếp vào diện chuyên môn có “số má” hay Hoàng Anh Tuấn, người được coi là sinh ra để cầm sa bàn chiến thuật ở Khánh Hòa, do làm việc ở những đội bóng không được coi là giàu và lại nằm trong diện biên chế của Sở, nên lương của họ chỉ bằng một nửa so với những người nằm trong tốp đầu.  

Đáng ra, cũng sẽ có một mức lương kỷ lục được thiết lập, nhưng ông Lê Thụy Hải đã không thể về Xi măng Hải Phòng, nơi người ta sẵn sàng trả cho ông mức lương “net” là 5.000 USD/tháng. Số tiền tương đương với gần 90 triệu đồng sau khi đã trừ thuế ấy thực ra mới là mức lương “khủng”.

Còn mức lương 40-50 triệu đồng nói trên mới chỉ cải thiện so với quá khứ chứ chưa tương xứng với những vất vả, sức ép rủi ro mà các HLV, những người được cho là làm cái nghề bạc bẽo nhất, phải chịu đựng. 

Sự bất công

Một HLV nhận lương 40-50 triệu/tháng có thể cao bằng với tiền lương của các ngôi sao cầu thủ nội, nhưng thu nhập của họ thì chưa thấm vào đâu. Vì làm nghề liên quan tới bóng đá bây giờ ăn theo tiền thưởng và tiền ký hợp đồng là chính còn tiền lương chỉ là tiền chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.

Ví dụ như một cầu thủ ở SHB Đà Nẵng, lương 30 triệu/tháng nhưng mức thưởng của họ nếu chơi tốt, với tỉ lệ 2 thắng, 1 hòa, 1 thua trong số 4 trận đấu, họ cũng có thể đút túi khoảng 50 triệu đồng.

Dĩ nhiên, các HLV cũng có tiền thưởng, nhưng hầu như các đội bóng không bỏ chung tiền thưởng cho Ban huấn luyện vào với phong bì thưởng cho các cầu thủ và phần lớn các trường hợp, tiền thưởng cho Ban huấn luyện ít hơn cho các cầu thủ.

Các HLV cũng có một khoản thu nhập bất thường khi trước kia, người ta tổ chức bình chọn giải thưởng HLV xuất sắc nhất tháng và có một khoản tiền nhất định trao cho người được giải, nhưng nó chỉ là “lộc”. Mà lộc bất tận hưởng, nên nhiều người lấy tiền ấy thưởng lại cho các cầu thủ, như ông Nguyễn Ngọc Hảo ở Nam Định chẳng hạn.

HLV khi ký hợp đồng với các CLB cũng không được nhận tiền “lót tay”. Chính bởi thế, thu nhập của một HLV dù thuộc dạng xuất sắc tính ra chỉ là những số lẻ so với thu nhập của cầu thủ.

Bóng đá phương Tây không tồn tại sự bất công này. Hơn 1 triệu euro mà HLV Pep Guardiola nhận được từ Barcelona bị coi là quá bọt bèo. Còn phải cỡ 20 triệu bảng Anh (khoảng 21 triệu euro) cho 4 năm mà Rafael Benitez nhận từ các ông chủ CLB Liverpool mới xứng đáng.

Các HLV ở Việt Nam cũng chịu đựng sự bất công từ một thói quen “kỳ lạ” của làng bóng Việt Nam khi họ vừa chịu đựng nguy cơ có thể bị hất ra đường bất kỳ lúc nào, lại vừa nhận tiền đền bù chẳng khác gì những nghề lao động bình thường: 2 tháng lương. Đáng ra, tiền đền bù cho các HLV bị sa thải phải như thông lệ bóng đá quốc tế, bằng tất cả số tháng còn lại trong bản hợp đồng nhân lên với mức lương.

HLV Lê Thụy Hải khi nói về chuyện bóng đá Việt Nam thay HLV như thay áo cũng đã ám chỉ tới điều này: vì các CLB không quá tốn kém khi sa thải HLV nên họ cũng chẳng cần phải cân đo đong đếm, nhiều ông chủ cứ thích là “đá bay” người làm thuê cùng với 2 tháng lương là xong. 

Nhưng bất công lớn nhất các HLV Việt Nam phải chịu đựng chính là sự khác biệt về tiền lương với HLV ngoại đã và đang hành nghề ở Việt Nam. Ông Alfred Riedl nhận lương ở Xi măng Hải Phòng 10.000 USD/tháng cùng phụ phí nhà cửa, xe ôtô. Trong khi ấy, nếu ông Hải về với đội bóng đất Cảng, chỉ nhận được một nửa số tiền lương đó, mà ai cũng biết ông Hải là một HLV vô địch thực thụ còn Alfred Riedl được mệnh danh là ông “Vua về nhì”.

HLV Vital (Bồ Đào Nha) ở Bình Dương và Chatchai (Thái Lan) ở Hoàng Anh Gia Lai dù mức lương không được tiết lộ nhưng chắc chắn cao hơn các HLV nội. Điều đáng nói, họ là 2 trường hợp lần lượt bị nghi ngờ về khả năng thích ứng với môi trường bóng đá Việt và về khả năng chuyên môn. 

“Đánh đổ” sự bất công này rất khó, vì bản thân “nạn nhân” - các HLV - nhiều người coi nó là chuyện tế nhị. Nhưng đã là bất công nhất định phải thay đổi, cho tới khi tìm được sự công bằng

Theo Trần Diệu Anh
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG