Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang:

Hy vọng vào cử tạ, taekwondo!

Hy vọng vào cử tạ, taekwondo!
TP - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) Hoàng Vĩnh Giang khẳng định cử tạ và taekwondo sẽ là hai niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh 2008.
Hy vọng vào cử tạ, taekwondo! ảnh 1
Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: Trường Huy

Thưa ông Hoàng Vĩnh Giang, sau Olympic Athens 2004, ông từng tuyên bố “thể thao VN sẽ đoạt hơn 30 suất dự Olympic Bắc Kinh 2008 bằng cửa chính”, giờ đây ông còn bảo lưu quan điểm của mình về vấn đề này hay không?

Thực ra nói cửa chính hay cửa phụ lúc này e rằng không thật sự chuẩn xác. Cái đích chúng ta hướng tới là đưa được càng nhiều VĐV Việt Nam tới Bắc Kinh càng tốt, cửa chính hay cửa phụ không quan trọng.

Bên cạnh đó, khi tôi đưa ra tuyên bố này thì Ủy ban Olympic thế giới (IOC) chưa quyết định về việc có đưa môn wushu vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 hay không. Hơn nữa, ở thời điểm tôi phát ngôn thì rất nhiều VĐV của chúng ta đang có được phong độ và thành tích rất tốt nên tôi mới có cơ sở để dự đoán như vậy.

Hiện nay nếu tính cả VĐV bóng bàn Đoàn Kiến Quốc chúng ta mới chỉ có 11 vé tới Bắc Kinh (3 VĐV taekwondo, 7 VĐV wushu) nhưng wushu lại chỉ là môn biểu diễn nên không được tính vào bảng xếp hạng huy chương của Thế vận hội, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Hy vọng vào cử tạ, taekwondo! ảnh 2
Tại Olympic 2008, wushu chỉ là môn thi đấu biểu diễn 

Việc wushu không được IOC đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 là điều rất đáng tiếc, bởi wushu Việt Nam chắc chắn sẽ có huy chương tại Bắc Kinh và không loại trừ khả năng giành HCV.

Ở vòng thi tuyển chọn VĐV tham dự môn wushu tại Olympic Bắc Kinh 2008 vừa qua, dù có tới 1.600 VĐV của 86 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài nhưng Việt Nam vẫn xuất sắc lấy được 10 vé tham dự.

Tuy nhiên vì mỗi quốc gia chỉ được phép cử tối đa 8 VĐV dự tranh môn wushu tại Olympic Bắc Kinh nên chúng ta phải chấp nhận rút xuống còn 7 vé, chỉ kém duy nhất 1 vé so với chủ nhà Trung Quốc.

Hy vọng vào cử tạ, taekwondo! ảnh 3
Hoàng Hà Giang - Ảnh: TTXVN

Như vậy về lý thuyết thể thao Việt Nam vẫn còn thiếu 9 vé nữa để đạt tới con số 20 vé tối thiểu mà lãnh đạo VOC mong muốn. Theo ông, những môn thể thao nào sẽ có thể giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu đề ra?

Ngoài taekwondo, bóng bàn và wushu thì chúng ta có thể hy vọng vào một số môn khác như cử tạ với Hoàng Anh Tuấn, bắn súng với Nguyễn Mạnh Tường, nhảy cầu với Hoàng Thanh Trà, điền kinh với Vũ Thị Hương, Bùi Thị Nhung, Trương Thanh Hằng, và còn có thể hy vọng vào cả vật tự do, rowing, canoeing… Chưa kể, chúng ta vẫn còn một số vòng thi tuyển chọn diễn ra vào tháng Hai, tháng Ba năm nay nên vẫn có nhiều cơ hội.

Với thể thao Việt Nam thì môn nào cũng khó nhưng môn nào cũng có thể có hy vọng. Chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu để có chừng 20 VĐV đến Bắc Kinh là tốt nhất, nếu không một quốc gia có hơn 80 triệu dân như Việt Nam mà đoàn VĐV dự Thế vận hội lại lèo tèo chỉ có vài người thì thật đáng buồn.

Trước kia chúng ta cứ làm theo kiểu chỉ VĐV nào có hy vọng huy chương mới cử đi, nhưng giờ đã đến lúc xóa bỏ nếp nghĩ ấy, nên càng có nhiều VĐV tham dự Thế vận hội càng tốt. Tôi cho rằng nếu xét về khả năng thực tế thì thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể mang tới Bắc Kinh nhiều hơn 20 VĐV.

Phải chăng nói thế nghĩa là chúng ta chắc chắn sẽ làm được một điều gì đó tại Olympic mùa hè năm nay, ít nhất là đạt tới thành tích như VĐV taekwondo Trần Hiếu Ngân tại Olympic 2000?

Không phải như vậy. Theo tôi, việc dự báo về thành tích của thể thao Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh gần như là điều bất khả thi. Hai môn thể thao mà chúng ta đặt nhiều hy vọng nhất là taekwondo và cử tạ, còn các môn khác thì hơi khó.

Tuy nhiên, taekwondo muốn có huy chương cần phải gặp kết quả bốc thăm thuận lợi, còn Hoàng Anh Tuấn dù rất xuất sắc, nhưng ở hạng cân của Tuấn hiện nay có 5 VĐV trình độ tương đương nhau nên để lọt vào một trong ba vị trí cao nhất là điều không hề dễ dàng.

Đầu tư cho Olympic là rất tốn kém và phải làm từ nhiều năm trước, nhưng do khó khăn về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là về vấn đề tài chính, nên dù lãnh đạo ngành TDTT đã cố gắng hết sức nhưng đến nay chúng ta vẫn chỉ có một, hai môn đủ khả năng lọt vào vòng tranh chấp huy chương tại Thế vận hội. Bây giờ giá cả đắt đỏ như vậy mà tiền ăn của VĐV có 60.000 đồng/ngày thì làm sao đủ dinh dưỡng để luyện tập và thi đấu tốt.

Nói một cách khác thì chúng ta có nguyện vọng lớn, nhưng khả năng và điều kiện chuẩn bị lại chưa tới. Mới đây lãnh đạo ngành TDTT đã yêu cầu VOC tạm ứng thêm 60.000 đồng tiền ăn và 30.000 đồng tiền thuốc để hỗ trợ “gà nòi Olympic” nhưng ngay cả với 120.000 đồng tiền ăn và 30.000 đồng tiền thuốc vẫn là chưa đủ cho các VĐV, nhất là nếu chúng ta so sánh với mặt bằng chung khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Huy
(thực hiện)

Còn lắm gian nan

Hy vọng vào cử tạ, taekwondo! ảnh 4 Hy vọng vào cử tạ, taekwondo! ảnh 5

Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng vẫn còn cơ hội giành vé dự Olympic 2008 - Ảnh: Quang Thắng - Trường Huy

Điền kinh Việt Nam đã giành được tới 8 HCV tại SEA Games 24 nhưng không nhiều người trong số này có thể được tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 bằng suất chính.

Hy vọng lớn nhất lúc này được đặt vào Vũ Thị Hương bởi chuẩn B tham dự Olympic ở cự ly 100m nữ chỉ là 11’’42. Tại giải vô địch châu Á năm ngoái, thành tích của Hương là 11’’33 nhưng vì gió xuôi nên thành tích này không được công nhận để tuyển thẳng vào Olympic.

Những VĐV khác như Bùi Thị Nhung, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương cũng có những cơ hội nhất định tham dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh khi vào tháng Sáu tới, họ sẽ được thi đấu vòng 3 Grand Prix ngay tại Hà Nội. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm thế nào để các tuyển thủ đạt được điểm rơi phong độ vào đúng thời điểm ấy.

Nỗi lo này không phải là không có cơ sở khi mà đội tuyển điền kinh hiện nay đang xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy lo” Điển hình nhất là Vũ Thị Hương - nữ hoàng tốc độ này đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi việc thanh lý hợp đồng của cô với Thái Nguyên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Môn bơi chỉ có Nguyễn Hữu Việt có khả năng đạt tiêu chuẩn tham dự Olympic nếu cải thiện được 1% giây để đạt được chuẩn B (1’03”72) ở cự ly 100m ếch. Ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh cũng có khả năng được tham dự Olympic Bắc Kinh nếu duy trì được vị trí trong Top 40 thế giới. Muốn vậy, Tiến Minh sẽ phải thử sức ở một loạt các giải đấu quan trọng tại Anh, Bỉ, Đức, Nhật trong thời gian tới để tích lũy điểm.

Các môn khác như thể dục dụng cụ, nhảy cầu, bóng bàn, đua thuyền (canoeing, rowing), vật, đấu kiếm, quần vợt, bắn cung, bắn súng cũng sẽ phải tham dự khá nhiều các cuộc thi vòng loại để có cơ hội tích điểm hoặc lọt vào tiêu chuẩn các VĐV được xét vớt. 

Ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết: “Với những nội dung có khả năng giành huy chương thì chúng tôi không tiếc tiền nhưng trước hết các VĐV cần phải vượt qua vòng loại sau đó mới tính tới chuyện lấy huy chương. Phương châm tác chiến của thể thao Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh 2008 sẽ là năng nhặt chặt bị”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.