IOC đau đầu về chuyện giới tính

IOC đau đầu về chuyện giới tính
TP - Mới đây, tại Miami, Mỹ đã khai mạc một hội nghị đặc biệt của Uỷ ban Olimpic quốc tế (IOC) nhằm thảo luận về vấn đề làm thế nào để xác định được chính xác giới tính của vận động viên.
IOC đau đầu về chuyện giới tính ảnh 1
Trông Caster Semenya quả thật giống nam giới

Hóa ra trong một số trường hợp, ranh giới giữa nam và nữ không rõ rệt như nhiều người tưởng. Trường hợp gần đây nhất gắn liền với sự mơ hồ về giới tính như vậy là vụ xì căng dan xảy ra năm 2009 tại cuộc thi vô địch thế giới về điền kinh tổ chức tại Berlin.

Người giành chiến thắng trong cuộc chạy 800 m là nữ vận động viên người Nam Phi Caster Semenya, 19 tuổi. Chị đạt được kết quả phi thường là 1 phút 55,45 giây, dễ dàng cán đích trước các nữ đối thủ tới 2,5 giây.

Chị được cả đất nước Nam Phi coi là anh hùng nhưng lại bị nghi ngờ vì  người ta không tin một phụ nữ lại có thể đạt được kết quả ấn tượng đến thế, nhất là trông chị lại rất giống nam giới. Rút cuộc chị buộc phải thử giới tính. Kết quả cho thấy hormone sinh dục nam trong máu chị cao gấp 3 mức bình thường.

Nhưng đồng thời, mức đó vẫn không vượt quá giới hạn cho phép để có thể tham gia các cuộc tranh tài nữ giới. Vậy rút cuộc chị là nam hay nữ?Cuộc tranh cãi về trường hợp của chị cho tới nay vẫn chưa chấm dứt.

Vấn đề giới tính trong thể thao đã tồn tại hàng chục năm nay. Lần đầu tiên người ta đề cập đến vấn đề này là trong Olympic Berlin 1936. Người bị nghi ngờ về giới tính là nữ vận động viên nhẩy cao người Đức Dora Ratienne.

Những bạn nữ cùng phòng với cô báo cáo cho Ban Tổ chức là Dora có tiếng ngáy rất đáng ngờ, thỉnh thoảng lại chuyển sang giọng trầm và đôi khi còn cạo mặt nữa. Hoá ra, Dora đúng là nam giới tên là German và được cố tình đưa lẫn vào các cuộc tranh tài nữ giới.

Chính quyền nước Đức phát xít muốn dùng cách đánh tráo này để chứng minh tính ưu việt của chủng tộc Arian và đề cao Đế chế thứ ba. Cũng trong năm 1936 còn xảy ra một chuyện về giới tính của một nữ vận động viên Mỹ tên là Stella Walsh.

Vụ xì căng đan này chỉ bị phát hiện sau đó nhiều năm khi khai quật tử thi nữ vận động viên này. Xét theo các thông số giới tính, lẽ ra phải đưa Stella Walsh vào danh sách các nam vạn động viên.

Đến những năm 50 thế kỷ trước, những trường hợp nữ giống nam trong thể thao ngày càng nhiều. Trước tình hình đó, IOC bắt đầu áp dụng phép thử giới tính, trước hết là trong lĩnh vực điền kinh nhẹ.

Kết quả là không ít nữ vận động viên giống nam đã buộc phải chấm dứt sự nghiệp thể thao của mình. Nhưng đến năm 1999, IOC quyết định không áp dụng phép thử giới tính theo hình thức bắt buộc nữa.

Phép thử giới tính chỉ áp dụng theo yêu cầu của các vận động viên bị nghi ngờ về giới tính. Và mãi đến bây giờ IOC mới trở lại vấn đề này.

Thông thường, giới tính sinh học được xác định trước hết nhờ khoa học, cụ thể là căn cứ vào bộ các nhiễm sắc thể giới tính. Những đặc điểm về hình dáng, độ dài tóc hoặc giọng nói chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Nhưng thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Một trong những trường hợp gây sốc hơn cả là trường hợp cô gái người Đức Heidi Krìeger. Năm 1986, cô giành được huy chương vàng trong môn ném tạ tại giải Vô địch châu Âu.

Về sau cô thừa nhận đã sử dụng chất đồng hoá và thay đổi giới tính, trở thành nam giới và đổi tên thành Andreas Krieger. Hơn thế nữa, Andreas còn lấy vợ và sinh con. Dĩ nhiên Andreas bị tước huy chương vàng.

Vũ Việt
Theo báo Nga

MỚI - NÓNG