Khả năng thực chiến gây tranh cãi của Thái Cực Quyền

Thái Cực Quyền đã chứng tỏ được hiệu quả chiến đấu trong lịch sử, nhưng cũng bị biến tướng theo quá trình lịch sử.

Việc võ sĩ trường phái tự do (MMA) Từ Hiểu Đông mới đây đánh bại một võ sư Thái Cực Quyền chỉ trong 10 giây đối kháng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và giới luyện võ Trung Quốc. Thất bại nhanh chóng của Lôi Lôi, người sáng lập nhóm Thái Cực Quyền Lôi Công, cũng đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về khả năng thực chiến của môn võ cổ truyền Trung Quốc này.

Trên mạng xã hội Weibo, rất nhiều người cho rằng việc Lôi Lôi thảm bại dưới tay Từ Hiểu Đông cho thấy Thái Cực Quyền chỉ là một môn võ thiên về "múa may", không hiệu quả trong thực chiến, khó có thể đấu lại được những trường phái hiện đại thiên về thực chiến như MMA hay đấm bốc.

Tuy nhiên, trên diễn đàn MatialArts, chuyên gia võ thuật Peter Wayne tại Đại học Harvard cho rằng Thái Cực Quyền có thể là một môn võ đối kháng rất phù hợp trong thực chiến. Lịch sử cho thấy những võ sư Thái Cực Quyền như Dương Lộ Thiền là một trong những đấu sĩ giỏi nhất, nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Dương Lộ Thiền (1799–1872) xuất thân từ tỉnh Hà Bắc, theo học Trần thức Thái Cực Quyền từ nhỏ, nổi tiếng với thành tích bách chiến bách thắng nhưng không bao giờ làm bị thương nghiêm trọng đối thủ. Với kỹ năng thực chiến điêu luyện của mình, Dương Lộ Thiền còn được giới võ sĩ Trung Quốc hồi đó gọi là Dương Vô địch, với nhiều huyền thoại được lưu truyền.

Khả năng thực chiến gây tranh cãi của Thái Cực Quyền ảnh 1

Dương Lộ Thiền. Ảnh: Wikimedia

Trong một câu chuyện được người đời kể lại, trong phủ của một vương thân nuôi rất nhiều võ sĩ đấm bốc và đô vật, họ đều muốn so tài với Dương, nhưng ông đều từ chối. Một ngày nọ, một võ sĩ đấm bốc danh tiếng tới thách đấu Dương bằng hình thức thi vật tay để xem ai khỏe hơn, khiến ông không thể khước từ.

Ngay khi cuộc đấu vật tay bắt đầu, gương mặt võ sĩ đấm bốc nọ đã bắt đầu đầm đìa mồ hôi, chiếc ghế ông ta ngồi kêu lên răng rắc như sắp gãy, trong khi Dương vẫn ngồi bình thản, nghiêm nghị như không có chuyện gì xảy ra. Dương bất ngờ đứng lên, nhẹ nhàng nói với những người đứng xem: "Công lực của vị sư phụ này quả là siêu phàm, chỉ là chiếc ghế của ông ấy không chắc như ghế của tôi". Võ sĩ đấm bốc kia cảm động trước sự khiêm nhường của Dương đến mức đi đâu cũng hết lời ca ngợi phẩm chất và kỹ năng võ thuật vô đối của ông.

Theo diễn đàn võ thuật Shaolin, hai trường hợp điển hình cho khả năng thực chiến của Thái Cực Quyền trong thời hiện đại là Ngô Công Nghi (Wu Gong Yi) và võ sư Wong Seng Yen. Giữa thập niên 1940, một số võ sĩ phái Bạch Hạc ở Hong Kong tuyên bố rằng Thái Cực Quyền là môn võ vô dụng trong thực chiến. Ngay sau đó, một cuộc quyết đấu quyên tiền từ thiện được tổ chức công khai giữa sư phụ Ngô Công Nghi thuộc Ngô thức Thái Cực Quyền và Chưởng môn phái Bạch Hạc Trần Khác Phu.

Trần Khác Phu lúc đó nổi tiếng với khả năng thực chiến và cũng trẻ hơn rất nhiều so với Ngô Công Nghi. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi trận đấu mở màn trước sự chứng kiến của rất nhiều khán giả, máu đã chảy không ngừng trên mặt Trần Khác Phu, khiến trọng tài phải kết thúc trận đấu và tuyên bố kết quả hòa. Cả hai bên đều cảm kích công nhận quyết định khôn ngoan của trọng tài và vẫn giữ hòa khí với nhau.

Đến thập niên 1950, một đô vật nổi tiếng thế giới ở Singapore thách đấu với sư phụ Thái Cực Quyền Wong Seng Yen ở Malaysia. Sư phụ Wong lúc này đã ngoài 50, trong khi đô vật kia đang ở độ tuổi sung sức nhất. Đây được gọi là một trận đấu quyết tử, khi cả hai bên đều ký giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm nếu một trong hai người chết hoặc trọng thương. Trận đấu diễn ra dưới sự điều hành của trọng tài chính và một tổ trọng tài chấm điểm. Trước đó, sư phụ Wong đã đến thăm bạn bè, nói với họ rằng đây có thể là lần cuối cùng ông gặp họ.

Trong trận đấu, sư phụ Wong bằng các kỹ thuật và chiến thuật Thái Cực Quyền của mình đã dễ dàng đánh bại đô vật Singapore với số điểm 359-0. Dù không cho đối thủ bất cứ cơ hội nào để ghi điểm, sư phụ Wong vẫn không đả thương anh ta, trong khi một người ít kinh nghiệm hơn có thể đã đánh vỡ đầu hoặc ít nhất là làm gãy xương đô vật đó.

Chuyên gia Wayne cho rằng sư phụ Wong Seng Yen và Ngô Công Nghi là những minh chứng cho thấy Thái Cực Quyền vẫn có uy lực đáng sợ trong thực chiến. Không những thế, họ còn chứng minh một điều rằng chỉ có những võ sĩ vô liêm sỉ mới lợi dụng cơ hội tiếp tục đả thương đối thủ dù họ rõ ràng là đã giành thế thắng trong trận đấu.

Biến tướng

Tuy nhiên, Wayne cũng chỉ ra rằng thời của các sư phụ Dương Lộ Thiền, Ngô Công Nghi hay Wong Seng Yen đã qua rất lâu, Thái Cực Quyền cũng có nhiều biến đổi cùng với lịch sử, với những biến tướng mang màu sắc khác.

Trong thế kỷ 20, Trung Quốc thiếu trầm trọng đội ngũ y bác sĩ có trình độ, buộc chính phủ nước này phải tìm phương pháp khác để nâng cao sức khỏe cho người dân. Nhận thấy những môn võ như Thái Cực Quyền rất có lợi cho sức khỏe, Quốc gia Thể Ủy Trung Quốc chỉ định các võ sư đơn giản hóa các bài quyền để đông đảo dân chúng có thể tập luyện, nâng cao thể lực.

Bài Thái cực quyền giản hóa 24 động tác ra đời, được phổ biến tại các câu lạc bộ dưỡng sinh của Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Nó giúp Thái Cực Quyền trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, nhưng những bài quyền mà mọi người thường tập trong các công viên lại có liên quan rất ít tới bản sắc ban đầu của môn võ. Từ một môn võ được sinh ra để thực chiến, Thái Cực Quyền trở thành những bài quyền để nâng cao sức khỏe.

Bởi vậy, rất nhiều câu lạc bộ, võ đường Thái Cực Quyền hiện nay được mở ra không hề dạy học viên kỹ năng chiến đấu, mà chỉ đơn giản là các động tác biểu diễn, hay cách đẩy tay, theo Wayne. Những võ sinh tốt nghiệp những võ đường như thế này sẽ không có khả năng đánh đối kháng, khó có thể đọ lại với những đối thủ dày dạn kinh nghiệm thực chiến như võ sĩ MMA.

Các chuyên gia võ thuật cho rằng để luyện tập Thái Cực Quyền đúng nghĩa, chúng ta nên tìm tới những sư phụ có phong cách khiêm nhường và cương nghị, để tiếp thu được nội lực cũng như khả năng chiến đấu hiệu quả của môn võ này.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG