Khán giả với V.League 2015: Đầu mùa háo hức, cuối mùa ủ ê

Cầu thủ ăn mừng bàn thắng trên sân thưa vắng khán giả khi V-League tiến gần đến ngày hạ màn. Ảnh: VSI
Cầu thủ ăn mừng bàn thắng trên sân thưa vắng khán giả khi V-League tiến gần đến ngày hạ màn. Ảnh: VSI
TP - Số lượng người xem ở các trận đấu thuộc V.League 2015 chỉ nhích lên không đáng kể so với mùa giải trước đó, bất chấp những nỗ lực lôi kéo khán giả của các sân.

Thuê “sao ca nhạc” để câu khách

Một điểm tích cực đáng ghi nhận ở nhiều sân bóng là BTC sân đã đưa ra nhiều hình thức khác nhau để thu hút người hâm mộ. Điều này cho thấy các CLB bắt đầu quan tâm và đánh giá cao hơn sự quan trọng của người hâm mộ. Nhiều sân thuê cả ngôi sao ca nhạc đến biểu diễn trước hoặc giữa trận đấu.

Cùng với hiệu ứng của lứa U19 HA.GL, V.League 2015 trở thành giải đấu được chờ đợi nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, cùng với sự sa sút của HA.GL và đặc biệt là các trận đấu “lạ”, giai đoạn cuối của V.League ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng CĐV đến sân.

Theo thống kê của BTC Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), số lượng khán giả trung bình đến sân ở các trận đấu của V.League là 7.400 người/trận. Con số này đã nhích lên so với khoảng 7.000 người/trận ở mùa giải 2014, nhưng thực tế vẫn thấp hơn so với 3 mùa giải trước đó.

Mùa giải 2014 là năm niềm tin của người hâm mộ Việt Nam xuống tới đáy với việc các ĐTQG thất bại, trong khi V.League rúng động với các vụ bán độ ở The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai.

“Đầu năm háo hức, giữa năm chán nản” là câu cảm thán của Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Hữu Nghĩa khi trao đổi về V.League 2015 với Tiền Phong ngày hôm qua. Theo ông Nghĩa, sự nguội lạnh của người hâm mộ bắt nguồn từ các trận đấu không thật, diễn ra đặc biệt nhiều vào cuối mùa. “Tôi năm nay 57 tuổi rồi, đã xem bóng đá từ khi 8 tuổi. Nhiều người khác cũng như tôi, và người trẻ thực ra cũng thế, người ta nhìn ra chứ. Không lẽ người ta bỏ tiền mua vé vào coi những trận đấu như thế? BTC phải đặt câu hỏi tại sao đội vô địch như Bình Dương, đá 26 vòng mới lên ngôi, nhưng trận nhận cúp chỉ lèo tèo vài trăm CĐV, nhìn lên khán đài rất phản cảm. Một đội thua riết như HA.GL, CĐV có giảm chút nhưng người xem vẫn đông? SLNA trước trận thua HA.GL sân cũng đông một chút, hoặc Than Quảng Ninh CĐV cũng nhiều, còn các sân khác đa số đều vắng”.

Thiếu lòng tin vào Ban tổ chức?

Theo ông Trần Hữu Nghĩa, ở góc độ kinh doanh, BTC giải và Công ty VPF đã không đáp ứng được “cầu” của người hâm mộ, là các trận đấu đẹp, sạch, và lại thiếu quyết liệt trước các hiện tượng tiêu cực. “Tôi nhớ ngày xưa đã có lần anh Lê Bửu (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu-pv) quyết định cho ngừng 1 trận đấu trên sân Thống Nhất, vì 2 đội đá không thật. BTC giờ chỉ lo thiếu chứng cứ. Quyết định thế “giang hồ”, không giống ai đấy, nhưng đảm bảo người hâm mộ được tôn trọng. Giờ thì không ai dám làm nữa”- Ông Trần Hữu Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, sau khi quyền tổ chức, điều hành các giải chuyên nghiệp Việt Nam được trao cho VPF, V.League chỉ thực sự tốt lên trong năm đầu tiên và hiện tại đang trở nên tệ hơn.

Một ý kiến khác của CĐV Trần Song Hải. Ông Hải cho rằng sự thiếu dũng khí của BTC là một trong những lý do khiến người hâm mộ mất niềm tin.

“Tại sao năm trước chúng ta cũng không có chứng cứ nhưng vẫn xử phạt được Sài Gòn Xuân Thành? Tôi cho rằng anh cứ làm, chắc chắn sẽ có công luận và người hâm mộ ủng hộ. Tôi nói thật là cảm thấy rất thất vọng vì BTC thiếu quyết liệt, chính xác hơn là thiếu dũng khí. Bóng đá mà không vì người hâm mộ thì vì điều gì?”-Ông Hải nói.

Theo ông Trần Song Hải, việc Ban tư vấn đạo đức bị đưa về VPF và sau đó giải tán đã khiến BTC thiếu một kênh tư vấn, phản biện khi đối diện với các vấn đề nảy sinh. “Tôi không bàn đến chuyện cần hay không cần Ban Tư vấn đạo đức ở đây, nhưng rõ ràng mùa giải trước nhờ có sự vào cuộc của họ mà chúng ta “xử” được vụ việc của CLB Sài Gòn Xuân Thành”- Ông Trần Song Hải cho biết.

MỚI - NÓNG