Khi khán đài hiu hắt

Khi khán đài hiu hắt
TP -  Nếu không kể lần chạm trán với Trung Quốc trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2011, trận đấu giao hữu với Eintracht Frankfurt (CHLB Đức) diễn ra tối 12-5 trên sân vận động Mỹ Đình có thể coi như màn ra mắt của ĐTVN trong năm 2010.

Đây cũng là trận đấu đầu tiên của HLV Calisto tính từ thời điểm đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn ba năm với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Khi khán đài hiu hắt ảnh 1
Chẳng ai hào hứng thi đấu khi khán đài vắng lặng. Ảnh: Phạm Yên

Một cách khách quan, dù thua 0 -2 trước Frankfurt, màn trình diễn của ĐTVN có thể nói là chấp nhận được, đặt trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng về lực lượng do chấn thương của các trụ cột và đối thủ lại đến từ một nền bóng đá phát triển hơn hẳn.

Thậm chí, ở nhiều thời điểm của trận đấu, ĐTVN còn chơi lấn lướt so với Frankfurt. Nói như HLV Calisto, nếu không phải vì hàng tiền đạo kém duyên, không tận dụng được cơ hội, kết quả trận đấu giữa hai đội đã có thể khác. Chuyên môn, như thế cũng là ổn. Nhưng...

Màn trình diễn của thầy trò ông Calisto sẽ trọn vẹn hơn nhiều, nếu không có sự hững hờ của người hâm mộ VN. Những người bạn Đức hẳn đã kém vui, và HLV Calisto chắc cũng không tránh khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh trống trải thê thảm trên cả 4 khán đài sân Mỹ Đình tối 12-5.

Con số khoảng 8.000 khán giả đến sân là quá khiêm tốn so với tầm vóc của trận đấu giữa ĐTQG và với một đội bóng đến từ giải VĐQG đứng trong tốp 4 châu Âu.

Người ta buộc phải đặt câu hỏi, phải chăng việc VFF bán vé, chứ không phải miễn phí là một rào cản khiến người hâm mộ ít mặn mà?

Tổng giám đốc công ty Cổ phần phát triển bóng đá (VFD) Nguyễn Viết Thu, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vé tới tay người hâm mộ, cho rằng giá vé không phải nguyên nhân chính khiến khán giả không đến sân.

Theo ông Thu, sức hút của trận đấu không cao mới là lý do chủ yếu. “Nói giá vé thì chỉ đúng 5-10%. Chứ nếu khán giả “nóng”, 2 hay 3 triệu đồng người ta cũng chấp nhận bỏ ra để đến sân”.

Cũng theo ông Thu thì với mức giá (4 mệnh giá, chênh nhau 50.000 đồng, từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng-PV), mục đích chủ yếu của BTC chỉ là bù chi phí tổ chức trận đấu, chứ không đặt nặng vấn đề kinh doanh.

Về điểm này, có thể đồng ý với ông Thu. Xét thương hiệu, Frankfurt không thể so với Olympic Brazil hay xa hơn như Juventus, những đội bóng quốc tế từng đến VN.

Giá vé cũng không quá cao đến mức vượt khả năng của người hâm mộ. Nhưng cũng có một thực tế là, nếu không phải vì sân Mỹ Đình “tháo khoán” sau khi nhận thấy sự vắng vẻ của các khán đài, số lượng người đến xem trận đấu giữa hai đội đã không thể tăng lên, dù chỉ là 8000.

Tức là, nếu miễn phí vé vào sân, có thể tin sân Mỹ Đình không vắng đến thế. Cần nhớ trận đấu giữa ĐTVN và Frankfurt nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VN và CHLB Đức. Chi phí đưa Frankfurt sang VN, VFF hoàn toàn không phải lo.

Ngoài giao lưu bóng đá, trong khuôn khổ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, còn rất nhiều hoạt động khác được tổ chức ở VN, từ hòa nhạc đến chiếu phim kinh điển… Và đều miễn phí.

Tại sao bóng đá lại không?

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.