Khi 'sao' thể thao làm doanh nhân

Khi 'sao' thể thao làm doanh nhân
TP- Dũng mãnh, quyết liệt trên các đấu trường thể thao trong nước và quốc tế nhưng khi tạm xa sàn đấu để bước chân vào thương trường vì miếng cơm manh áo hàng ngày, nhiều ngôi sao thể thao đã phải vật lộn với rất nhiều khó khăn và không phải ai cũng thành công...

Dăm năm trước, dư luận xôn xao về việc một số tuyển thủ đội bóng đá nữ quốc gia đồng loạt xin nghỉ để đi... bán hàng.

Tưởng kinh doanh gì to tát nhưng thực ra những ngôi sao sân cỏ như Kim Hồng, Ngọc Mai cũng đã phải dốc hết vốn để hùn lại làm một chiếc xe đẩy ngày ngày bán nước sâm, bánh mì.

Nhớ lại những ngày đó, Kim Hồng vẫn không khỏi bồi hồi: “Thực ra ngày ấy khó khăn quá mấy chị em chung ít tiền làm gánh hàng nhỏ kiếm sống. Thú thật, khách hàng tới mua hàng chẳng qua là vì thương mấy chị em mà ủng hộ chứ nghề tay trái không có thạo.

Mình có duyên với trái bóng nhưng kém duyên với chuyện bán hàng”. Bây giờ Kim Hồng là HLV phó đội tuyển nữ Việt Nam nhưng vẫn mơ ước có chút vốn để mở quán cơm cùng với mấy bà chị vì theo cô đó có lẽ là nghề thích hợp hơn cả sau khi xa rời trái bóng.

Những tưởng chỉ có phái nữ là khoái mở cửa hàng ăn uống sau khi giải nghệ nhưng chính các đồng nghiệp nam đã đi trước vài bước.

Cựu tuyển thủ quốc gia Trịnh Tấn Thành ở Đồng Tháp từng có một cửa hàng bia lớn ở Cao Lãnh, khách toàn là những người mê bóng đá và anh em cầu thủ. Tính tình Tấn Thành xởi lởi đôi khi còn bao cả anh em nên công việc làm ăn tuy đông khách mà chẳng mấy rủng rỉnh.

Cách đây không lâu, cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Công Tuyền khai trương một cửa hàng ăn uống lớn ở Thái Bình - quê anh. Ngày ngày, người ta thấy Tuyền phóng xe hơi tới điều binh khiển tướng cứ nghĩ chàng tiền đạo này yên vị với chuyện làm ăn, không ngờ sau đó lại thấy Tuyền cầm đội trẻ Thể Công.

Hỏi ra mới biết, cửa hàng để bà xã trông còn “mình vẫn không bỏ được bóng đá, lương ít một chút nhưng được theo nghề vẫn sướng hơn”.

Khi 'sao' thể thao làm doanh nhân ảnh 1
Phi Hùng làm ông chủ quán ăn đồ Thái

Ở Nghệ An, trên đường Phan Chu Trinh, TP Vinh có một quán chuyên đồ ăn Thái Lan khá lớn. Đấy chính là cửa hàng của cựu tuyển thủ Phi Hùng.

Sau những năm tháng đầu quân cho HAGL, Phi Hùng tỏ ra đặc biệt “kết” những món ăn cay nồng mang hương vị Thái Lan do “đầu bếp” Kiatisak trổ tài.

Ngày cửa hàng khai trương, cũng đúng ngày HAGL vào Vinh thi đấu, Kiatisak đã không ngần ngại tặng luôn cửa hàng chiếc áo mang số 13 của mình. Phi Hùng tâm sự: “Tôi chỉ biết... nếm chứ  không biết nấu, phần tôi chỉ lo nguyên liệu còn nấu nướng thuê hẳn một người Thái”. Đầu tư như vậy nhưng cửa hàng của Hùng cũng chỉ cầm chừng.

Thương trường hơn đấu trường

Ngoài trào lưu mở quán ăn, các cựu cầu thủ thích mở cửa hàng bán quần áo và dụng cụ thể thao nhiều hơn. Tiền đạo nổi tiếng Lê Huỳnh Đức có hẳn một cửa hàng bán dụng cụ thể thao ở TPHCM từ hồi còn thi đấu cho CATPHCM và NHĐA.

Đến khi anh đầu quân cho Đà Nẵng, lãnh đạo địa phương cũng đã ưu tiên cho anh thuê một cửa hàng đẹp ngay trung tâm thành phố. Nhưng cho dù công việc kinh doanh cũng khá ổn định song Huỳnh Đức vẫn... kết đá bóng hơn và mới đây anh đã học lớp đào tạo của FIFA để thành HLV chuyên nghiệp.

Kém may mắn hơn một chút là số phận cửa hàng Quang Hà Sports của cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà. Lúc đầu cửa hàng khai trương bên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) nhưng do khá ế ẩm nên Hà bèn chuyển sang phố quần áo Lê Thánh Tông và rốt cuộc làm ăn cũng chỉ cầm chừng.

Khi 'sao' thể thao làm doanh nhân ảnh 2
"Ông chủ Nguyễn Sĩ Thủy

Thành công ở vai trò ông chủ nhất trong giới cựu cầu thủ là Văn Sỹ Thủy.

Từ khi giải nghệ, Thủy lập ra Cty VST không chỉ đào tạo cầu thủ bóng đá mà còn kiêm sản xuất đồ thể thao. Không rõ công việc làm ăn thế nào, chỉ thấy cơ ngơi của Văn Sỹ Thủy ngày càng mở rộng ở thị xã Cửa Lò còn bản thân anh cứ thoăn thoắt đi lại trên chiếc xe Toyota đen bóng.

Sỹ Thuỷ nói: “So với anh em trong nhà tôi có tài kinh doanh hơn cả nhưng bóng đá vẫn là nỗi trăn trở, vì vậy tôi mở trường đào tạo bóng đá trẻ, nướng cả bạc tỷ rồi nhưng còn phải chờ, bởi bây giờ mình đang là người đi ươm mầm!”

Cứ tưởng Quang Hà sẽ đeo đẳng nghiệp kinh doanh nhưng mới đây lại thấy anh làm HLV đội T&T thi đấu thành công ở giải hạng Nhì. Quang Hà tâm sự: “Kinh doanh là để kiếm sống chứ thể thao mới là mục đích của đời tôi. Thú thật mình không giỏi lắm trong việc này nên toàn phải nhờ vợ cũng như mấy người trong gia đình chứ tôi mà đứng bán hàng chắc “sập tiệm” quá”.

Ai bảo làm “ông chủ” là sướng?

Không ít ngôi sao khi đầu quân HAGL đều nhận được sự ưu ái khá đặc biệt. Đó là việc bầu Đức hỗ trợ mở cửa hàng. Cựu tuyển thủ Văn Sỹ Hùng được mở một cửa hàng đồ gỗ Hoàng Anh ở Thanh Hóa, Hữu Đang được mở cửa hàng ở Khánh Hòa.

Thế nhưng cả Hùng và Đang đều không yên vị chức danh ông chủ của mình. Hữu Đang dù có cửa hàng vẫn bôn ba từ TMN.CSG rồi mới đây có tin Hữu Đang gắn bó với đội hạng Nhì T&T của Triệu Quang Hà.

Văn Sỹ Hùng cũng vậy, anh để cửa hàng cho vợ trông coi còn mình quyết chí theo bóng đá. Dù vậy nghiệp HLV của anh có quá nhiều trắc trở, mới về làm HLV cho V.Ninh Bình không lâu, Sỹ Hùng đã xin nghỉ.

Làm dâu trăm họ

Nhắc đến chuyện VĐV nhảy sang kinh doanh, giới thể thao ai cũng nể Thúy Hiền - cô gái vàng môn Wushu. Khởi đầu bao giờ cũng gian khó nhưng Hiền thuộc “tuýp” người muốn là phải làm cho bằng được.

Sau SEA Games 2003, Thuý Hiền mở một cửa hàng thời trang ở phố Nhà Chung (Hà Nội). Danh tiếng cộng với sự xởi lởi nhiệt tình của cô gái tài sắc vẹn toàn này đã khiến cho cửa hàng ngày một đông khách.

Lợi thế của Hiền rất rõ rệt, với vốn tiếng Trung có được khi làm VĐV cùng mối quan hệ bạn bè bên Trung Quốc, Hồng Kông, cửa hàng Lam của Thuý Hiền không thiếu hàng tốt, chưa kể sự tư vấn của chị gái Thúy Vinh vốn là người mẫu nổi tiếng.

Mặc dù có tới hai cửa hàng thời trang nhưng hiện Thuý Hiền vẫn tiếp tục công việc làm HLV Wushu dù tiền lương quá ít ỏi so với lợi nhuận kinh doanh bởi “thể thao đã ăn vào máu của mình” như Hiền tự nhận.

Nối gót đàn chị Thúy Hiền, hai đàn em đội tuyển wushu là Ngọc Oanh và Mỹ Đức cũng đến với kinh doanh sau khi giã từ sàn đấu.

Oanh cho biết: “Ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh thời trang quần áo, giày dép và trang sức được hình thành từ những chuyến shopping khi đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài”.

Nhưng việc tìm địa điểm mở cửa hàng mới là vất vả, đi tìm nhiều nơi mà không được. Cuối cùng cũng có một nơi để hai chị em thể hiện khả năng là quầy hàng 424 Đê La Thành (Hà Nội). Mới đây họ quyết định mở thêm cửa hàng T.O.D thứ hai ở 107 Nguyễn Trường Tộ.

Thành công của những ngôi sao wushu đã khiến nhiều VĐV khác có ý định noi theo. Cô gái vàng Lưu Thị Thanh của môn cầu mây cũng theo học lớp quản trị kinh doanh để “dọn đường” sau này mở cửa hàng.

Tuy vậy thương trường không phải là chỗ dễ “lao thân”. Điển hình như trường hợp HLV trưởng đội wushu Việt Nam Đào Việt Lập. Nhà Lập ở một vị trí rất đẹp ở đường Láng (Hà Nội) nhưng thay vì để kinh doanh, anh đã quyết định cho thuê để lấy 6.000 USD/tháng, còn mình thì tiếp tục theo sự nghiệp mà anh đã gắn bó hơn chục năm nay.

MỚI - NÓNG