Khi “vua”… chửi

Khi “vua”… chửi
TP - “Mày nhớ tao đấy, tao còn gặp mày nhiều!” – Không ai ngờ câu nói theo kiểu xã hội đen đó lại được “phun” ra từ miệng một trọng tài trẻ, vốn được VFF đánh giá cao.

Sự việc này cùng lời tố cáo của hậu vệ Duy Quang (Hoàng Anh Gia Lai) về việc trọng tài Phùng Đình Dũng dùng lời lẽ tục tĩu để chửi cầu thủ ở vòng trước, rồi việc trọng tài Võ Minh Trí định nhảy lên khán đài để “đọ sức” với khán giả đã cho thấy mặt trái của công tác trọng tài ở V.League năm nay.

Đâu rồi đạo đức “vua” sân cỏ?

Khi thủ quân Duy Quang (Hoàng Anh Gia Lai) lên tiếng “tố” trọng tài Phùng Đình Dũng thì người đứng đầu Hội đồng Trọng tài Quốc gia lập tức lên tiếng bảo vệ “quân”:

“Duy Quang tố cáo bậy đấy. Tôi cũng có mặt ở đó, nhưng có thấy trọng tài Dũng nói gì đâu. Lúc đó thái độ của Dũng khá điềm tĩnh nên không thể có chuyện Dũng dùng đến những từ ngữ bậy bạ được”.

Thế nhưng, khi được hỏi về vị trí đứng của mình trên sân lúc đó thì “ông vua của các vua sân cỏ Việt Nam này” lại nhận là mình ngồi trên khán đài, tức là khó có thể nghe chính xác những gì diễn ra trên sân được.

Tất nhiên, “lời nói gió bay”, trọng tài Dũng chẳng hề hấn gì, còn người tố cáo là trung vệ Duy Quang thì coi chừng lần sau còn phải gặp lại “ông vua” này nữa.

Ở lượt đấu vừa qua, trọng tài trẻ Đỗ Quốc Hoài không chỉ bắt thiếu chính xác một số tình huống gây bất lợi cho đội khách Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An, trọng tài này còn có hành vi ứng xử thiếu mẫu mực đối với cầu thủ.

Khi tiền đạo Công Vinh chạy lại phân bua về một tình huống bắt lỗi việt vị thiếu chính xác, trọng tài Hoài liền hăm dọa: “Mày không cần phải nói nữa. Mày nói nữa tao rút thẻ vàng…”.

Còn khi Công Vinh đến bắt tay trọng tài này lúc hết trận và nói: “Anh Hoài, anh bắt hay đó” thì trọng tài người Hải Phòng cũng lên tiếng dọa: “Mày nhớ tao đấy, tao còn gặp mày nhiều”. Cách nói kiểu xã hội đen này thật chẳng xứng với những người được mệnh danh là cha, là mẹ, là vua trên sân cỏ.

Tất nhiên, việc trọng tài Hoài nổi quạu lên và nói không như thế cũng có phần lỗi của “Quả bóng vàng Việt Nam 2007” khi cất lời “khen đểu” (dù trước đó trọng tài này mắc một số sai sót khiến đội bóng xứ Nghệ thua ngược sau khi dẫn trước 2 bàn). Tuy nhiên, cứ nhìn “cha mẹ” như thế thì “con cái” hư cũng là điều có thể hiểu được.

Thầy nào, thầy chẳng bênh trò

Phải chăng các trọng tài Việt Nam đều hoàn hảo trong mắt của các giám sát? Thực tế hoàn toàn không phải như thế.

Chỉ cần để ý một chút là thấy hiện tượng BTC giải thường phân công cặp giám sát - trọng tài theo kiểu thầy kèm trò. Vì thế nên khi học trò sai thì thầy cũng xuê xoa cho qua là điều đương nhiên.

Trong giới bóng đá, ai cũng biết giám sát Phạm Văn Quang chính là thầy ruột của trọng tài Đỗ Quốc Hoài. Bộ đôi này từng đi cặp với nhau ở khá nhiều trận trước đó chứ không phải chỉ riêng trận đấu tai tiếng trên đất Pleiku.

Và khi đó, bản báo cáo của ông Quang về học trò mình chắc chắn cũng khó mà chính xác tuyệt đối và hoàn toàn công tâm.

Chính cách phân công đó của BTC giải là một nguyên nhân dẫn tới việc các ông vua sân cỏ thoải mái lạm dụng quyền năng mà không hề lo ngại bị thổi còi (bởi bao nhiêu đã có thầy “đỡ” hết).

Và chắc chắn, trách nhiệm trước tiên trong việc để các “ông vua” hư hỏng thuộc về chính BTC giải.

MỚI - NÓNG