Khổ vì kiêu binh

Khổ vì kiêu binh
TP - Đang ghi bàn đều đặn, Lazaro bỗng dưng tịt ngòi khiến Quân khu 4 lâm vào cảnh đối diện nguy cơ trở lại hạng Nhất. Ở V-League, Lazaro không phải là cầu thủ ngoại đầu tiên trở thành kiêu binh…

Lazaro là người gốc Phi cùng gia đình di cư sang Brazil. Trên quê hương mới, Lazaro và vợ kiếm sống bằng nghề hái cà phê và phe vé các trận đấu của CLB Sao Paolo. Theo tiết lộ của chính cầu thủ này, với hai công việc ấy, thu nhập tối đa của hai vợ chồng anh cao nhất cũng chỉ khoảng 500 USD/tháng.

Cuối năm 2007, Lazaro theo tiếng gọi của ông bầu Trần Tiến Đại tới Việt Nam, thử vận may với bóng đá. Đi khắp từ Nam ra Bắc, Lazaro không được đội nào chấp nhận vì bị chê quá dở. Cực chẳng đã, bầu Đại buộc phải gửi Lazaro tới Quân khu 4 mà không lấy đồng chuyển nhượng nào. Quân khu 4 cũng chỉ chấp nhận trả cho Lazaro 1.000 USD/tháng ở mùa đầu tiên.

Từ con số không, dưới sự dìu dắt của HLV Vũ Quang Bảo, Lazaro cùng Quân khu 4 thăng hạng V-League và ngay ở giai đoạn một của mùa giải 2009, chân sút người Brazil gốc Phi có 13 bàn thắng - trở thành sát thủ mới của giải. Và Lazaro bắt đầu làm mình làm mẩy.

Trước khi lượt về diễn ra, Lazaro thẳng thừng đề nghị Quân khu 4 tăng lương cho anh thêm 1.000 USD mỗi tháng nhưng bị từ chối thẳng thừng. Ngay lập tức, cầu thủ này không chịu đá.

Trước trận đấu với SHB.Đà Nẵng ở vòng 18, Quân khu 4 chấp nhận chi thêm cho Lazaro mỗi tháng 500 USD và trao băng đội trưởng cho anh nhưng rốt cục Lazaro vẫn chơi vô hồn. Không chấp nhận được thái độ này, lãnh đạo Quân khu 4 đề nghị HLV Vũ Quang Bảo treo giò Lazaro tới hết giải rồi sau đó thanh lý hợp đồng.

Tự làm khổ nhau

V-League sang tuổi thứ chín, chứng kiến hàng chục câu chuyện tương tự như Lazaro. Nam Định cũng từng khốn khổ với nạn kiêu binh của các cầu thủ ngoại.

Năm 2003, Nam Định có tiền đạo Achilefu nổi lên như chân sút tốt nhất giải. Giai đoạn cuối của mùa đó, Achilefu rất nhiều lần không chịu vào sân nếu lãnh đạo đội này không nhét thêm 200 USD vào túi anh.

Khi thương thảo ký hợp đồng mới, Achilefu kiên quyết đòi tăng gấp đôi lương nhưng Nam Định chối từ để rồi chứng kiến chân sút tốt nhất chuyển sang LG Hà Nội ACB.

Một năm sau đó, câu chuyện kiêu binh tiếp tục lặp lại ở Amaobi. Sau một mùa rất thành công với Nam Định, Amaobi tuyên bố thẳng, nếu không tăng gấp đôi lương, anh sẵn sàng ra đi. Và Amaobi đi thật.

Tới Đà Nẵng nhận mức lương khủng, Amaobi vẫn chưa hết quậy. Đang đá, anh này đùng đùng bỏ đi thử việc ở Bồ Đào Nha, Đà Nẵng phải dọa kiện lên FIFA, Amaobi mới quay trở lại.

Sông Lam Nghệ An, hồi năm 2003, cũng từng điêu đứng vì Batambuze và Lulenti khi hai ngoại binh châu Phi này nằng nặc đòi hợp đồng giữa chừng để đầu quân cho Đà Nẵng…

Kiêu binh trở thành vấn nạn của V-League, nguyên nhân xuất phát từ đâu? Cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của các ngoại binh chỉ là bề nổi của tảng băng. Sâu xa hơn, việc các CLB nhà giàu sẵn sàng vung tiền mua ngoại binh mới là cội rễ của vấn đề.

Nếu Achilefu, Amaobi, Batambuze, Lulenti… không nhận được những lời mời từ LG Hà Nội ACB, Đà Nẵng khi vẫn còn hợp đồng với Nam Định, với Sông Lam Nghệ An. Nếu Lazaro không được bốn đại gia đánh tiếng, cầu thủ này hẳn sẽ không thể có cớ dỗi hờn.

Thực tế là vậy nhưng khi V-League vẫn chưa đạt tới chữ chuyên, khi thị trường chuyển nhượng vẫn bị thả nổi, khi các câu lạc bộ tự làm khổ nhau, nạn kiêu binh xuất hiện, âu cũng là chuyện tất yếu.

MỚI - NÓNG