Nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh:

Không nên vay tiền xây sân vận động Asiad 18

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, để sử dụng Cung Quần Ngựa cho Asiad 2019, vẫn cần xây thêm nhà thi đấu cho VĐV khởi động trước khi thi đấu. Ảnh: VSI
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, để sử dụng Cung Quần Ngựa cho Asiad 2019, vẫn cần xây thêm nhà thi đấu cho VĐV khởi động trước khi thi đấu. Ảnh: VSI
TP - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho biết: Sẽ không cam kết cho Việt Nam vay tiền làm sân vận động, hay các công trình thể thao khác phục vụ Asiad 18.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi công bố báo cáo cập nhật kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương (của Ngân hàng Thế giới-WB) ngày 7/4, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cho biết: Sẽ không cam kết cho Việt Nam vay tiền làm sân vận động, hay các công trình thể thao khác phục vụ Asiad 18.

“Đó không phải vai trò của chúng tôi. Tôi nghĩ Chính phủ cũng không vay tiền WB để xây dựng sân vận động cho Asiad. Đó là điều chắc chắn”, bà Kwakwa nói.

Bà Kwakwa cũng cho biết, WB không muốn bình luận sâu về điều này do đây là quyền tự quyết của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL), cho rằng, con số Việt Nam đã có 80% cơ sở vật chất để phục vụ việc tổ chức Asiad 2019 là không sát với thực tế.

Trao đổi với Tiền Phong trước phiên báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định, các công trình thể thao hiện nay của Việt Nam đã đáp ứng được 80% việc tổ chức Asiad 2019. Ngành thể thao cũng cam kết kinh phí tổ chức Asiad 2019, không tính các nguồn xã hội hóa mà chỉ trong ngân sách, sẽ không vượt quá con số 150 triệu USD.

Con số 80% cơ sở vật chất phục vụ Asiad 2019 cũng nằm trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh tại phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Minh không tin vào con số này. “80% ấy chỉ là các nhà thi đấu, còn đạt tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức thi đấu Asiad thì tôi cho rằng, con số này đúng ra chỉ là 2%. Như thế để tổ chức Asiad, chúng ta sẽ phải đầu tư, nâng cấp, trang bị thêm rất nhiều cơ sở vật chất. Sẽ có 10-12 môn phải xây mới địa điểm, ngay cả các nhà thi đấu hiện có cũng cần phải được đầu tư thêm mới đáp ứng được yêu cầu”, ông Minh nói.

80% ấy chỉ là các nhà thi đấu, còn đạt tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức thi đấu Asiad thì tôi cho rằng, con số này đúng ra chỉ là 2%. Như thế để tổ chức Asiad, chúng ta sẽ phải đầu tư, nâng cấp, trang bị thêm rất nhiều cơ sở vật chất”.

ông Nguyễn Hồng Minh

Ông Minh lấy ví dụ Cung thể thao Quần Ngựa, nếu tổ chức môn TDDC thì sẽ phải xây thêm một nhà thi đấu nữa để VĐV khởi động. Tương tự, các sân vận động thi đấu điền kinh, nhà thi đấu karatedo… đều sẽ phải đầu tư thêm trang thiết bị, xây thêm cơ sở vật chất mới. Theo ông Minh, khoản tiền đầu tư cho các hạng mục này mới thực sự lớn, chứ không phải chi phí tổ chức. Con số có thể lên tới vài trăm tỷ đồng. “Lấy ví dụ như việc mỗi nhà thi đấu cần phải có một bảng điện tử để thông báo kết quả thi đấu của từng môn. Mỗi bảng điện tử như trên nếu bình thường cũng phải tốn 6.000-8.000 USD. Nếu đắt hơn thì có thể lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn USD. Nếu tính tổng thể, con số chắc chắn sẽ vô cùng lớn”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, Việt Nam ngay từ đầu cần thiết phải thành lập một tiểu ban phụ trách việc tính toán chi phí đầu tư cho các cơ sở vật chất này, như vậy mới có thể đảm bảo đưa ra con số chính xác về mức tổng chi cho Asiad 2019. Ông Minh tái khẳng định quan điểm, Việt Nam không nên đăng cai Asiad khi nền kinh tế còn khó khăn.

Hôm qua, một quan chức Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ đã hoàn tất báo cáo về công tác tổ chức Asiad 2019 để trình lên Chính phủ xem xét. “Về cơ bản, chúng tôi đã hoàn tất báo cáo, còn việc quyết định có nên hay không tiếp tục đăng cai Asiad 2019 sẽ do Chính phủ quyết định. Ngành thể thao vừa qua đã làm tất cả những việc cần thiết để có thể đăng cai Asiad 2019 rồi, tới đây đánh giá như thế nào sẽ do Chính phủ và công luận”, vị này nói.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, bản kế hoạch tổ chức Asiad 2019 này về cơ bản không có nhiều thay đổi so với các báo cáo gần đây nhất của Bộ VH-TT&DL. Chỉ có một số chi tiết, như việc xây dựng làng VĐV hay sân đua xe đạp lòng chảo (vốn là 2 công trình gây nghi ngại nhất), ngành thể thao đã xác định phương án cụ thể.

“Dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo, đối tác Hàn Quốc vẫn rất nhiệt tình và đã có cam kết với Việt Nam. Còn làng VĐV, phương án của chúng tôi thiên về khả năng sử dụng các khách sạn, thay vì xây làng VĐV mới hoặc tận dụng cả khách sạn và làng sinh viên để làm nơi ăn nghỉ cho quan chức, thành viên các đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế chúng ta sẽ quyết định sau”- vị lãnh đạo Tổng cục TDTT nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.