Không phải cứ thất bại là “thay máu” lãnh đạo

Không phải cứ thất bại là “thay máu” lãnh đạo
TP - Với bóng đá Việt Nam, sau mỗi kỳ giải khu vực thất bại thì luôn có những phong trào đòi thay thế người này, bổ nhiệm người kia chứ tuyệt nhiên không thấy ai vạch ra kế sách cụ thể để đưa bóng đá Việt Nam phát triển.
Không phải cứ thất bại là “thay máu” lãnh đạo ảnh 1

Niềm vui của Johann Berg Gudmundsson, trái, sau khi ghi bàn thứ 2 trong trận thắng 2-0 trước Kosovo để giúp Iceland chính thức đoạt vé tham dự World Cup 2018. Ảnh: AFP.

Vòng loại World Cup 2018 đã xác định được 23 đội bóng sẽ ghi tên tham dự World Cup 2018, bao gồm chủ nhà Nga cùng với 9 đội châu Âu, 4 đội châu Á, 3 đội Bắc Mỹ, 4 đội Nam Mỹ và 2 đội châu Phi. Trong số này, cả 3 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đều không có mặt trong danh sách đoạt vé tham dự World Cup 2018, mà tiếc nuối nhất là trường hợp của Mỹ, vì họ nắm lợi thế lớn nhất (xếp trên cả 2 đội cạnh tranh là Panama và Honduras, lại chỉ phải gặp đội bét bảng), nhưng cuối cùng chính Panama và Honduras lại giành những chiến thắng kịch tính để loại Mỹ khỏi cuộc chơi.

Điều đó cho thấy không phải cứ đông dân và sở hữu nền thể thao số một và số hai thế giới như Trung Quốc hay Mỹ là sẽ có đội tuyển bóng đá thật mạnh. Và nếu chiếu theo kịch bản từng diễn ra với bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua thì sắp tới lãnh đạo LĐBĐ Mỹ và LĐBĐ Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng yêu cầu từ chức để chịu trách nhiệm. Cùng với đó, sẽ có một phong trào chấn hưng do những người hâm mộ bóng đá Mỹ và bóng đá Trung Quốc khởi xướng, đề xuất một số cái tên mà họ cho là xứng đáng để ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất của LĐBĐ Mỹ và LĐBĐ Trung Quốc, và như vậy đến ở kỳ World Cup 2022 thì Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Kể từ ngày bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại sân chơi khu vực ở SEA Games 1989 cho đến nay thì chưa lần nào chúng ta sở hữu HCV bóng đá nam, và số lần đội tuyển bóng đá nam bị loại ngay sau vòng bảng cũng không phải là ít (3 lần trong gần 20 năm trở lại đây, cụ thể vào các năm 2001, 2013 và 2017). Vì thế, việc đội tuyển U22 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng SEA Games 2017 tuy là kết quả rất thất vọng nhưng cũng không phải là chuyện động trời, cỡ như việc đội bóng hàng đầu khu vực Bắc và Trung Mỹ là Mỹ vắng mặt ở World Cup 2018.

Tuy thế, phong trào yêu cầu lãnh đạo đương nhiệm VFF từ chức và kêu gọi chấn hưng bóng đá Việt Nam lại diễn ra rất rộn ràng trong suốt 2 tháng qua, kể từ khi SEA Games 2017 kết thúc, khiến cho không ít người phải nghĩ rằng có khi chỉ cần thay máu đội ngũ lãnh đạo hiện tại của VFF thì biết đâu đội tuyển Việt Nam sẽ có cơ hội góp mặt ở World Cup 2022, hoặc ít nhất là lọt vào tới vòng loại cuối cùng.

Và nếu những người đang kêu gọi chấn hưng bóng đá Việt Nam làm được như thế thì có lẽ lãnh đạo LĐBĐ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mỹ sẽ phải cắp cặp sang Việt Nam để học tập, bởi quá trình đầu tư để một ĐTQG giành vé tham dự World Cup tốn kém và dài lâu hơn rất nhiều so với việc làm mới đội ngũ nhân sự lãnh đạo của một LĐBĐ.

Trường hợp đảo quốc Iceland chỉ có dân số 334.000 người nhưng vừa giành vé tham dự World Cup 2018, sau khi từng lọt vào tới tứ kết Euro 2016, chính là bằng chứng cho thấy để có được tấm vé tham dự World Cup thì không nhất thiết phải có một LĐBĐ gồm toàn doanh nhân hạng khủng.

Theo một thống kê từ năm 2016, ở Iceland có 639 HLV nhận bằng B của UEFA, 196 HLV có bằng A và 13 HLV có bằng cao cấp. Cứ 500 người dân Iceland thì có 1 người làm HLV chuyên nghiệp. Tại đây, nếu muốn HLV đội thiếu nhi U10, cần phải có chứng chỉ B của UEFA. Ngay từ lúc 3-4 tuổi, một "cầu thủ nhí" đã được hướng dẫn bởi một HLV có bằng cấp.

Ngoài ra, để chống lại thời tiết lạnh giá ở Iceland, LĐBĐ nước này đã đầu tư xây dựng “Ngôi nhà bóng đá”, là những SVĐ có mặt cỏ tiêu chuẩn, phòng thay đồ, phòng chăm sóc y tế, đầy đủ ghế ngồi cho khán giả và phục vụ người chơi quanh năm bất kể điều kiện thời tiết ra sao.

Sau thành công của “Ngôi nhà bóng đá” đầu tiên ở Keflavik (Iceland), hiện tại mô hình “Ngôi nhà bóng đá” đã thực sự bùng nổ ở đảo quốc này với tổng cộng xấp xỉ 20 “Ngôi nhà bóng đá” trải khắp đất nước, và rõ ràng ai cũng thấy được rằng thành công của bóng đá Iceland trong 2 năm gần đây không phải tự nhiên mà có.

Nói một cách khác, Iceland không cần kêu gọi thay máu lãnh đạo LĐBĐ và cũng không cần phong trào chấn hưng bóng đá, mà điều duy nhất họ làm là ngồi lại cùng nhau, huy động mọi nguồn lực xã hội, đề ra những biện pháp tốt nhất để gây dựng nền bóng đá từ cơ sở, và rồi chỉ một thời gian không dài đã gặt hái thành quả. Còn với bóng đá Việt Nam, sau mỗi kỳ giải khu vực thất bại thì luôn có những phong trào đòi thay thế người này, bổ nhiệm người kia chứ tuyệt nhiên không thấy ai vạch ra kế sách cụ thể để đưa bóng đá Việt Nam phát triển.

MỚI - NÓNG