Kình ngư Đà thành

Kình ngư Đà thành
TP - Hai HCV bơi lội chỉ trong một kỳ SEA Games 26, ghi tên vào lịch sử đường đua xanh của thể thao Việt Nam, ít ai ngờ đằng sau kình ngư vàng Hoàng Quý Phước lại là một tuổi thơ 'lem luốc' với những ngày tháng đói khổ, thiếu thốn, để rồi nỗ lực vươn lên và tỏa sáng…

> Đứa con vàng của bà bán thịt heo
> Kình ngư Ánh Viên, Quý Phước sẽ du học Mỹ

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

Khát sữa mẹ, thiếu tình cha

Phước sinh ra trong gia đình hoàn cảnh khó khăn, kinh tế eo hẹp. Ba mất sức lao động, lại mắc chứng bệnh tim, mẹ bán hàng thuê, chật vật nuôi 7 đứa con ăn học.

Bà Nguyễn Thị Tại, mẹ Phước, kể: 12 giờ đêm một ngày tháng Hai, Phước ra đời. Vốn mang bệnh tim, lại trong thời kỳ mang bầu nhưng hầu như bà chẳng có thời giờ để cân nhắc chuyện kiêng kị hay bồi bổ gì, lý do đơn giản nhất là vì kinh tế eo hẹp. Trước giờ lên bàn đẻ, bà cũng chỉ kịp ăn vội tô mỳ. Sức khỏe yếu, có lúc tưởng như cả hai mẹ con đều không qua khỏi cơn nguy kịch, mọi người phải hà hơi, làm đủ cách giúp bà mẹ trẻ.

Đứa bé ra đời, cả mẹ cả con đều tím ngắt. "Phước sinh ra vừa tròn 4 kg, nhưng chân tay dài loằng ngoằng. Lúc đầu tôi cũng sợ vì lúc mang thai không tẩm bổ gì, thiếu dinh dưỡng nên con trở nên thế" - bà Tại nhớ lại.

Sinh con vừa ngót một tháng bà đã lại phải đành bỏ con đó để chạy chợ. Bất kể nắng mưa, cứ 3h sáng bà Tại đã có mặt trên chợ Hòa Khánh (Đà Nẵng) lấy hàng để bán cho đến 9 giờ tới mới về tới nhà. Phước ở nhà với chị cùng người cha đau ốm.

Không có sữa mẹ, chị thường phải chắt nước cơm với trứng gà cho Phước uống. "Ấy vậy mà cậu bé vẫn cứ lớn nhanh, chân tay dài ra lạ thường, lại rất ngoan, suốt ngày lẽo đẽo theo chị, ba nên hàng xóm ai cũng mến" - chị Đoàn Thị Phương, một hàng xóm, nói.

Lên 3 tuổi, cậu bé Phước càng trở nên hiếu động và rất thích nghịch nước. Trong ký ức của chị Tú (chị gái Phước), Phước suốt ngày bị đánh đòn vì cái tội trốn nhà đi bơi. "Thấy em còn nhỏ mà hay ra biển đi bơi thì nguy hiểm nên nhà không yên tâm cho đi. Chỉ thi thoảng cuối tuần có anh trai dẫn thì mới cho đi. Nhưng Phước cũng bướng lắm, cấm vậy nhưng hở ra là chạy ra biển cùng lũ bạn, có khi một mình cũng vùng vẫy với sóng nước" - chị Tú thổ lộ.

Mỗi khi đi bơi về, Phước lại một mạch chạy lên chợ để tìm má. Chưa kịp cho một trận đòn Phước đã nhoẻn miệng cười và dúi đầu vào lòng má "Tại con nhớ má quá mà"! Mân mê trước tá Huy chương vàng và Bằng khen của Phước, nước mắt bà Tại chảy ròng sau nụ cười mãn nguyện. "Khi thi đấu Phước mạnh mẽ bao nhiêu thì về nhà lại tình cảm bấy nhiêu. Đi đâu cũng nhớ gọi điện hỏi han má và mọi người trong gia đình. Về tới nhà là quấn quýt như con nít".

Cái ngày buồn nhất trong cuộc đời Phước khi anh từ Trung Quốc trở về (tham dự Giải vô địch quốc gia Đông Nam Á năm 2008) đúng vào ngày đưa tang cha. Sau một thời gian dài xa nhà những tưởng sẽ trở về sum họp với gia đình, nhưng mới hay biết sự thật phũ phàng: Người cha già đã trút hơi thở cuối cùng trước khi anh kịp trở về.

Không ai cầm được nước mắt khi thấy Phước chết đứng cả giờ đồng hồ, rồi ôm mẹ khóc nức nở. "Ba luôn là người đồng hành của Phước từ nhỏ tới lớn nên với Phước đó là sự mất mát lớn không gì bù đắp được, nhất là khi những ngày tháng cuối cùng không được bên cạnh ba và chăm sóc khiến Phước rất dằn vặt" - chị Tú chia sẻ.

Ba Phước, ông Hoàng Tiếp vốn là bộ đội hải quân, từng tham gia chiến đấu trên biển Đông, rồi chuyển sang làm giảng viên tại Học viện Hải quân Việt Nam. Năm 30 tuổi, vì đam mê, ông đến với thể thao, là trọng tài môn bắn súng trong hệ thống thi đấu của các nước XHCN. Sau một chấn thương nặng, ông mất sức nghỉ hưu sớm.

Bà Tài - mẹ của Quý Phước với những hình ảnh, kỷ niệm của con
Bà Tài - mẹ của Quý Phước với những hình ảnh, kỷ niệm của con.

Quen sống độc lập

Quãng thời gian ngắn ngủi bên cha, nhưng với Phước chan chứa những kỷ niệm. Ba lúc nào cũng ở bên cạnh, lắng nghe và giải đáp tất cả những thắc mắc, cả hờn dỗi khi bị ai đó bắt nạt. "Ba đã cho em nhiều hơn trách nhiệm của một đấng sinh thành" - Phước bộc bạch - "Chính hình ảnh ba" một người lính chân chính khiến em luôn tự hứa với lòng mình phải cố gắng hết sức mỗi khi thi đấu”.

Giờ đây, mỗi lần về phép thăm nhà, việc đầu tiên là Phước chạy lên thắp nén nhang cho ba, và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cuộc sống hiện tại như thể ba chưa từng ra đi.

Sớm sống xa nhà, Phước tập thói quen sống độc lập từ nhỏ. Mọi sinh hoạt, ăn uống, tập luyện đều phải theo chế độ chung của ban huấn luyện. Nhưng kình ngư bật mí, để có được sự tự tin vững tâm thi đấu thì gia đình chính là động lực to lớn.

"Mỗi khi đứng trước những thử thách trên đường đua cũng như trong cuộc sống thì hình ảnh mẹ, chị luôn hiển hiện. Nhất là mẹ, người đã vì em mà hy sinh rất nhiều, anh chị, cả gia đình lúc nào cũng hướng về em động viên, an ủi" - Phước tâm sự.

Với Phước, cuộc đời này rất công bằng. Đời đã cướp đi ở Phước người cha yêu dấu, bù lại Phước nhận được rất nhiều tình yêu thương của người thân, gia đình, bè bạn và người hâm mộ.

Điều sợ nhất với Phước bây giờ là sức khỏe của mẹ. Cuộc sống bây giờ cũng không còn chật vật như trước nữa, nhưng sự lam lũ cần mẫn đã ăn sâu vào người phụ nữ vốn xuất thân từ lao động. Mỗi lần gọi điện về nhà, Phước lại khuyên mẹ bớt làm việc và chăm lo cho sức khỏe. "Má bớt làm một giờ là được thêm một giờ sức khỏe, tụi con cũng yên tâm", rồi bất chợt nhõng nhẽo "Con nhớ má quá nè má ơi" - bà Tại kể lại, mắt rưng rưng.

Kình ngư Đà thành ảnh 3

Tỏa sáng trên đường đua xanh

Làm quen với sóng nước từ rất sớm, nhưng mãi đến năm 2004 Phước mới thực sự tiếp cận môn thể thao bơi lội một cách chuyên nghiệp. 11 tuổi, Phước cao 1m48, chân tay dài khác thường. Chính thể hình này đã khiến Phước "lọt vào tầm ngắm" của HLV Phan Văn Toại (Trưởng bộ môn bơi lặn, Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV TP Đà Nẵng), người đầu tiên phát hiện và dắt tay Phước vào đường đua xanh.

Trước khả năng thiên phú cùng sự miệt mài nỗ lực, Phước đã nhanh chóng chiếm trọn niềm tin để bước vào những chặng đua đầu tiên. Năm 2006, Phước được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia, tập trung tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng.

Và chỉ sau đó một năm, Phước đã trở thành một hiện tượng mới trong lịch sử bơi lội Việt Nam khi liên tiếp giành những giải cao nhất tại giải vô địch các nhóm tuổi trẻ Đông Nam Á, Giải Vô địch các CLB quốc gia Đông Nam Á, phá kỷ lục quốc gia năm 2008.

Năm 2010, tại Ðại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6, Phước đoạt chín HCV (sáu HCV cá nhân), phá 9 KLQG tại bể 25 m, và sau đó là 13 HCV cùng 13 KLQG tại bể 50 m. Ấn tượng nhất khi tham gia SEA Games 26 tại Indonesia mới đây, Phước đã thực sự chinh phục các đối thủ và làm hài lòng người hâm mộ bởi kết quả xuất sắc: HCV nội dung 100 m bướm với thời gian 53''07, vượt qua chuẩn B của Olympic London giúp Việt Nam có được đại diện đầu tiên bước vào giải đấu.

Chỉ mấy ngày sau, Phước giành tiếp tấm HCV SEA Games thứ 2 nội dung 100 m tự do nam với thành tích 50''79. Anh trở thành VĐV bơi lội Việt Nam đầu tiên đoạt 2 HCV ngay tại một kỳ SEA Games.

Trở về từ SEA Game 26 với hai tấm HVC, 1 HCĐ, kình ngư sông Hàn thêm một lần nữa trở thành niềm tự hào quê hương. Sắp tới Phước sẽ có chuyến du học qua Mỹ, tập huấn cùng đội ngũ thể thao chuyên nghiệp chuẩn bị cho Olympic 2012 và bước những bước tiến dài hơn nữa. Đường đua phía trước rộng mở, với rất nhiều kỳ vọng về những cú đột phá mới của chàng trai trẻ 9X Đà thành.

Là con út trong gia đình 7 người con, mọi người vẫn thường trìu mến gọi Phước là cậu Bảy. Song, cái tên Hoàng Quý Phước đặc biệt ý nghĩa, vì theo ông Hoàng Tiếp, ba Phước, đó là cái phước trời ban.

Những ngày hiếm hoi được về thăm nhà, Phước thường mời bạn bè đến ăn bữa cơm thân mật và "khoe" về tài nấu nướng của mẹ và chị. Tối đến, mấy anh em lại vây lấy mẹ, thủ thỉ tâm sự.

"Nhưng nó lúc nào cũng chỉ muốn nói chuyện tình cảm gia đình còn đề cập tới bạn gái là mặt đỏ lên ròi lảng sang chuyện khác. Cái thế ngủ của nó cũng chẳng ai tưởng tượng nổi. Nằm úp ấp sấp, bàn chân thì liên tục đạp qua đạp lại. Chắc lại đang mơ mình bơi về nhất" - bà Tại cười.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG