Lại chuyện Pjico Sông Lam Nghệ An

Lại chuyện Pjico Sông Lam Nghệ An
Từ ngày “đại phẫu” đến nay, đội bóng đá xứ Nghệ luôn chiếm kỷ lục về số bài báo nói về mình. Nó như những làn sóng, cứ trào lên rồi lại hạ xuống nhưng không dứt hẳn.

Vòng 7 V-League chiều Chủ nhật qua (đúng ngày Thể thao Việt Nam 27/3), đội bóng này lại làm cho giới báo chí phải tốn giấy mực vì trận đấu lạ lùng của mình.

Thực ra thì trận đấu cũng không có gì lớn nếu HLV của đội khách không là ông Nguyễn Hồng Thanh, người “hôm qua” còn là Giám đốc điều hành như thần tượng của các cầu thủ SLNA.

Chính ông Thanh trong cuộc “đại phẫu” đã được 100% nhân viên của CLB bóng đá chuyên nghiệp Pjico.SLNA (gồm cán bộ và VĐV) ký đơn xin với tỉnh giữ ông ở lại. Tình sâu nghĩa nặng như thế làm cho cả hai bên khó làm việc khi họ ở hai chiến tuyến khác nhau và phải đối đầu nhau.

Chưa hết, trước ngày thi đấu, ông Thanh còn tuyên bố với báo chí rằng ông sẽ không ngồi trên ghế chỉ đạo trong trận đấu Pjico.SLNA-LG Hà Nội ACB mà ngồi trên khán đài A làm khán giả. Và ông giữ nguyên ý định đó thật.

Thầy không muốn giáp mặt các trò cũ trong trận đấu, trò cũng nể tình thầy cũ mà như không đá hết sức, đó là đặc điểm của trận đấu có một không hai này. Dù đang tụt xuống thứ 10 trong 12 đội V-League nhưng các trò trên sân nhà  vẫn nhất định như không muốn dốc sức để giành 3 điểm và để không làm thầy phải khó ăn nói với khán giả Thủ đô khi đội bóng của thầy đang kém phong độ.

Họ đã chơi không dứt khoát, không ấn tượng và chấp nhận tỉ số hoà một cách bình thường. Buồn nhất là HLV Nguyễn Văn Thịnh. Từ ngày nhận chức HLV trưởng đến nay, đã mấy ngày ông được sống như một người bình thường chứ đừng nói được hưởng niềm vui trọn vẹn? Chưa một ngày.

Chiều 27/3 thêm một ngày nữa ngôi sao quả tạ lại chiếu mệnh ông. Làm HLV mà không điều binh khiển tướng được, còn gì buồn hơn. Ông đứng bất động trên sân và không thể nói được gì.

Bản thân ông cũng không hiểu vì sao thì còn nói được gì. Không bài bản, không chút lửa, không ngẫu hứng... toàn những cái không dồn xuống đội bóng, làm sao ông không buồn.

Không có móc ngoặc, không có tiêu cực, không lãn công để phản đối HLV nhưng chắc chắn là có vấn đề. Chính là sự thiếu chuyên nghiệp ở các cầu thủ là nguyên nhân làm hỏng trận đấu và HLV phải đau đầu. Ông Nguyễn Hồng Thanh tuyên bố trước trận đấu là sẽ không ngồi ở ghế chỉ đạo trận đấu đã bị báo chí kịp thời lên tiếng về sự thiếu chuyên nghiệp của ông, vậy mà ông vẫn “bảo lưu” ý kiến.

Bóng đá chuyên nghiệp luôn rạch ròi giữa công việc và tình cảm, tình cảm luôn bị gạt ra một bên để công việc không bị cản trở. Các cầu thủ chuyên nghiệp châu Âu năm nay đá cho CLB  này sang năm chuyển nhượng đá cho CLB kia nhưng khi trở lại sân cũ vẫn cứ đá hết mình vì đội bóng mới.

Lại chuyện Pjico Sông Lam Nghệ An ảnh 1
Một pha trong trận SLNA và LG Hà Nội ACB. Ảnh: Lan Xuân

Phải luôn đá thật tốt để cạnh tranh vị trí trong đội hình xuất phát và cống hiến cho khán giả, đó là nguyên tắc cuả cầu thủ chuyên nghiệp, các cầu thủ Pjico.SLNA như  chưa đọc đến trang cuối của cuốn sách bóng đá chuyên nghiệp nên mới ấu trĩ trong xử sự chiều 27/3.

Học trò cũ đã vậy vì có thể họ còn trẻ người non dạ nhưng ông HLV Nguyễn Hồng Thanh thì phải hiểu chuyện đó chứ. Ông không ngồi trên ghế chỉ đạo là bỏ nhiệm vụ. “Hợp lực” của ông Thanh và các trò cũ đã dẫn đến một trận đấu thiếu tính chuyên nghiệp và khiến  nhiều khán giả phải bỏ về.

Các cầu thủ LG Hà Nội ACB được hưởng lợi từ thái độ thi đấu của các cầu thủ chủ nhà. Chỉ tiêu có 1 điểm trên sân Vinh của họ đã được thực hiện trọn vẹn không nói vào đâu được. Họ có thể phân bua: “Chỉ tiêu của chúng tôi là một trận hoà, họ không đá hết sức là việc của họ, chẳng liên quan gì đến chúng tôi”.

Những trận đấu kiểu như trận đấu chiều 27/3 trên sân Vinh sẽ làm chất lượng của đội bóng này suy giảm và lượng khán giả đến sân ngày càng ít. Có ai ngờ một sân vốn luôn chật cứng khán giả, luôn được coi là “chảo lửa” bỗng chỉ còn lèo tèo hơn 1.000 người trong chiều 27/3.

Thi đấu mà không có khán giả hò hét, nhất là khán giả nhà, liệu có đáng bỏ công sức ra trên sân hay không và quan trọng là có đáng được hưởng đồng lương chuyên nghiệp cao gấp nhiều lần lương một người lao động hay không? 

MỚI - NÓNG