Làm HLV ở Việt Nam: Bạc đầu và đau tim

Làm HLV ở Việt Nam: Bạc đầu và đau tim
TP - Cựu HLV đội CAHN Nguyễn Văn Nhã tâm sự rằng vẫn còn đam mê nghiệp cầm quân và hy vọng một ngày nào đó sẽ trở lại V-League nhưng cũng khẳng định: “Làm HLV là nghề dễ khiến người ta bạc tóc và đau tim”.
Làm HLV ở Việt Nam: Bạc đầu và đau tim ảnh 1

HLV Phan Thanh Hùng trở thành nhà cầm quân bị “trảm” sớm nhất V-League 2008 - Ảnh: Trường Huy

Thông thường, lý do đơn giản và dễ gặp nhất là khi đội bóng không có thành tích là HLV phải chịu trách nhiệm và trong phần lớn trường hợp cũng là con tốt thí để nhằm giảm bớt sự phẫn nộ của người hâm mộ.

Nhưng với bóng đá Việt Nam còn có thêm một lý do khác: Đổi vận theo cách nghĩ là vận HLV này đỏ, vận HLV kia đen, đổi tướng ngay cả khi đội bóng chưa đến mức nhìn xuống “vực”.

Trường hợp Đà Nẵng sa thải HLV Thanh Hùng là một ví dụ khá điển hình, mới chỉ có 3 trận thua, khúc dạo đầu V-League chưa qua thì ghế HLV đã rụng, cho dù ai cũng thừa hiểu rằng chuyện SHB-Đà Nẵng xuống dốc là do cái chân của cầu thủ quá nặng khi cái đầu cứ mải mê chuyện tiền lương, tiền thưởng chứ không phải là chuyện tài của ông HLV cao hay thấp. Ấy thế mà vẫn trảm, đôi khi chỉ để đạt mục đích là làm cho đội bóng có luồng sinh khí mới.

Có một điều rất dễ nhận ra là hầu hết những HLV địa phương lại gặp khó khăn nhiều hơn so với những HLV từ nơi khác đến. Ông Phan Thanh Hùng chỉ là một ví dụ. Như ở Thể Công - nơi từng được coi là “lò” HLV với trên dưới 20 HLV trẻ đã qua đào tạo chính quy (có bằng HLV, đã học qua đại học TDTT) nhưng dẫn dắt đội hình thi đấu V-League lại là một ông Tây.

Đất Hải Phòng có HLV Trần Văn Phúc, Trần Bình Sự nhưng cuối cùng vẫn phải chọn HLV Vương Tiến Dũng, Bình Dương không dùng ông Phúc lại lấy ông Lê Thụy Hải, HAGL gắn với những ông thầy Thái Lan…

Những HLV “bản địa” khi dẫn dắt đội bóng phải chịu rất nhiều sức ép, đặc biệt là từ phía lãnh đạo đội bóng và họ cũng dễ bị… trảm nhất bởi cũng khó mở mồm ra để đòi tiền bồi thường hợp đồng như các HLV từ nơi khác đến.

Điểm lại những đội bóng thành công trong vòng 5-6 năm nay, từ HAGL, ĐT.LA đến Bình Dương đều không có dấu ấn của HLV bản địa. Đó cũng là một nghịch lý.

Trảm chưa chắc tốt

Các đội bóng ở Việt Nam luôn cho rằng trảm HLV là phương pháp tốt nhất khi thành tích đi xuống nhưng trên thực tế, rất ít đội bóng có thể vực ngay dậy sau khi thay HLV.

Rất đơn giản, HLV nào cũng cần có thời gian để xây dựng đội hình, tạo ra dấu ấn và phong cách cho từng đội bóng. Trong quá trình ấy, đương nhiên là sẽ phải gặp những khó khăn, thất bại. Chỉ có điều một số HLV mới gặp khó khăn đã bị trảm, một người mới lên lại làm lại và thay đổi toàn bộ. Thực tế đã chứng minh, những CLB sa thải nhiều HLV thì thành tích chỉ có đi xuống.

Tại giải ngoại hạng Anh, MU hay Arsenal có những thành công lớn cũng bắt nguồn từ việc họ có những ông thầy gắn bó cả mấy chục năm, tạo ra dấu ấn và ảnh hưởng của mình lên toàn bộ đội bóng.

Các HLV Việt Nam ít người có được sự tin tưởng để trao quyền lâu dài. Đội ĐT.LA có được thành công cho tới hiện nay một phần do họ giữ được ông Calisto tới 6-7 năm và đó cũng là CLB không có thói quen trảm HLV duy nhất ở V-League hiện nay. 

MỚI - NÓNG