Hướng tới Việt dã toàn quốc và marathon lần thứ 58-2017:

Lần đầu dự thi của Pi Năng Rê Chêm

Pi Năng Rê Chêm (trái) và HLV Phạm Đình Khánh Đoan hiện đã có mặt tại Ninh Bình chuẩn bị cho giải năm nay. Ảnh: Vĩnh Xuân.
Pi Năng Rê Chêm (trái) và HLV Phạm Đình Khánh Đoan hiện đã có mặt tại Ninh Bình chuẩn bị cho giải năm nay. Ảnh: Vĩnh Xuân.
TP - Mười sáu tuổi, Việt dã toàn quốc và bán marathon giải báo Tiền Phong là lần đầu tiên cái chân Pi Năng Rê Chêm phải đi xa thế. Gặp người lạ, cô bé chỉ bẽn lẽn cười. Ở đội, muốn biết chuyện gì thật, cứ hỏi Pi Năng Rê Chêm.

Sinh năm 2001, thoạt nhìn không ai nghĩ Pi Năng Rê Chêm (dân tộc Raglai) đã 16 tuổi. Em nhỏ, nhỏ lắm, chỉ cao chưa đầy một mét rưỡi, người nhỏ nhắn như lọt trong bộ đồ thể thao. HLV Phạm Đình Khánh Đoan cười bảo, còn nhỏ hơn cả cô con gái 12 tuổi của mình ở nhà. Quả thật, Pi Năng Rê Chêm chỉ “cỡ” một học sinh lớp 6 ở thành phố, dù em năm nay đã lớp 10. Nước da hơi đen, tóc ngắn ngang vai, được buộc gọn gàng sau gáy. Điểm gây ấn tượng nhất ở cô bé người dân tộc Raglai có lẽ là nụ cười bẽn lẽn khi gặp người lạ, hai tay đan vào nhau.

Đã được HLV Phạm Đình Khánh Đoan nói trước, nhưng vẫn bị ấn tượng với cái sự ít nói của Pi Năng Rê Chêm. Hỏi gì trả lời nấy, nhất định không nói thêm câu nào! Suốt cuộc trò chuyện, em ngồi khép nép cạnh thầy.

Bố mẹ Pi Năng Rê Chêm ở Khánh Vĩnh, một huyện thuộc miền bán sơn địa của tỉnh Khánh Hoà, nhà em cách thành phố Nha Trang khoảng 30km. Dân cư Khánh Vĩnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó người Raglai đông nhất. Bố mẹ có năm anh chị em, Pi Năng Rê Chêm nhỏ vậy nhưng là chị cả. Cô em út mới chỉ 5 tuổi. Ngoài thời gian học văn hoá và tập chạy, cô bé lại lên rẫy giúp bố mẹ làm nương. Nương nhà Pi Năng Rê Chêm trồng bắp (ngô), mì (sắn), đào (điều)... đủ cả.

Cái bụng người dân tộc thật thà. HLV Khánh Đoan bảo, trong đội có việc gì cần biết thật, cứ hỏi Pi Năng Rê Chêm. Cô bé không bao giờ biết nói dối. Đang ngồi nói chuyện, có điện thoại, Pi Năng Rê Chêm quay sang nhìn thầy, HLV Khánh Đoan phải cho phép 2,3 lần em mới cầm điện thoại, đi ra ngoài nói chuyện với bạn. Rồi lại bẽn lẽn quay vào. Hỏi Pi Năng Rê Chêm luyện tập có vất vả không, trả lời hơi mệt, nhưng quen rồi.

Ước mơ với việt dã

HLV Phạm Đình Khánh Đoan cho biết, Pi Năng Rê Chêm được phát hiện ở hội thi thể thao tỉnh năm 2016. Cô bé người dân tộc, nhỏ nhưng khỏe mạnh, “leo núi quen rồi” nên rất có tố chất. Các HLV sau đó thuyết phục gia đình Pi Năng Rê Chêm để em lên tỉnh tập luyện ở trung tâm. Do vừa phải tập chạy, vừa phải học văn hoá nên em được bố trí thời gian để đảm bảo việc học văn hoá không bị ảnh hưởng.

“Nhà trường cũng tạo điều kiện để các em tập luyện, và đặc biệt khi thi đấu. Việc học tập, thi cử cũng có một chút ưu tiên riêng”-HLV Phạm Đình Khánh Đoan cho biết. Giải Việt dã năm nay là lần đầu tiên Pi Năng Rê Chêm tham dự. Theo HLV Phạm Đình Khánh Đoan, đội đang cân nhắc để em thi cự li 3km nữ trẻ hoặc 2,5km thiếu niên. Tuy nhiên về định hướng lâu dài, Pi Năng Rê Chêm có thể được đẩy lên tập cự li 5km hoặc 10km, do có tiềm năng.

VĐV điền kinh việc tập luyện đã vất vả, việt dã càng khắc nghiệt hơn, trong khi chế độ chả bao nhiêu. Ở Trung tâm thể thao Khánh Hoà, chế độ với VĐV như Pi Năng Rê Chêm là 50.000 đồng tiền ăn, tiền công là 20.000 đồng/ngày nhưng mỗi tháng chỉ tính 26 ngày, trừ đi 4 ngày Chủ nhật. Tính ra mỗi tháng, tiền công của Pi Năng Rê Chêm chỉ hơn 500.000 đồng. Giải chạy Bà Rá hồi tháng 1/2017, Pi Năng Rê Chêm đứng thứ 4, đạt kiện tướng cấp 1, chế độ có tăng lên đôi chút, nhưng chỉ được tính từ năm sau.

Theo HLV Phạm Đình Khánh Đoan, trường hợp Pi Năng Rê Chêm, việc thuyết phục gia đình cho em theo tập luyện không mất nhiều công sức. Gia đình nghèo, điền kinh là “cánh cửa” với Pi Năng Rê Chêm. Nhưng với các trường hợp khác,  phải rất vất vả gia đình mới đồng ý, vì thể thao đã vất vả, lại nghèo. VĐV điền kinh Khánh Hoà, tuyền chỉ con em ở các huyện lị, không có thành phố.

Khánh Hoà một trong những đoàn có truyền thống Việt dã mạnh trong toàn quốc. Tuy nhiên theo HLV Phạm Đình Khánh Đoan, hiện Khánh Hoà tập trung phát triển lứa trẻ, sau khi những tên tuổi một thời như Nguyễn Đặng Đức Bảo, Nguyễn Đặng Thanh Thuý từ giã đường chạy, nên quân số cả HLV và VĐV ở giải năm nay chỉ 16 người. Hầu hết đều là các VĐV trẻ. 

Lần đầu dự thi của Pi Năng Rê Chêm ảnh 1
Lần đầu dự thi của Pi Năng Rê Chêm ảnh 2
MỚI - NÓNG