Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Ai làm, ai chơi?

Các lãnh đạo VFF trao đổi công việc trước cuộc họp BCH VFF đầu năm 2016. Ảnh: VSI
Các lãnh đạo VFF trao đổi công việc trước cuộc họp BCH VFF đầu năm 2016. Ảnh: VSI
TP - Quan chức VFF, nhiều người giữ ghế quan trọng nhưng cả năm, công luận tịnh không thấy “đụng tay” vào việc nào. Hoặc giả có làm nhưng bên ngoài không có điều kiện để biết?

Kể một chuyện nhỏ trước. Hôm gặp mặt báo chí gần đây, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ chia sẻ, ông không nắm quyền phát ngôn ở VFF. Người chịu trách nhiệm cao nhất là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và TTK Lê Hoài Anh. Thì có phóng viên mới cắc cớ hỏi ông Gụ, đại ý: “Ông làm Phó chủ tịch phụ trách truyền thông mà không giữ quyền phát ngôn, thì ông làm gì?”.

Trên bàn chủ toạ, ông Gụ ngồi yên, trong khi TTK Lê Hoài Anh “đỡ lời”, rằng trách nhiệm và công việc của Chủ tịch, các Phó chủ tịch đều có trong Điều lệ.

Thực ra hỏi như trên cũng oan cho ông Nguyễn Xuân Gụ. Từ ngày V.League được chuyển giao cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), trách nhiệm của VFF có giảm bớt, nhưng công việc thì vẫn nhiều. Tuy nhiên, người làm thì có vẻ lại ít. Khoảng gần năm trở lại đây, do sức khỏe lắm khi không tốt, Chủ tịch Lê Hùng Dũng không thể quán xuyến hết tất cả mọi việc như trước. Việc của liên đoàn, từ đối nội đến đối ngoại, hầu dồn cả vào tay Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn theo ủy quyền.

 Ông Tuấn có lúc than thở, làm liên tay nhưng không hết việc. Việc cụ thể, việc ngoài thì như mới đây, ông Tuấn đấu tranh để giữ cho lứa U22 có Công Phượng, Tuấn Anh…được thi đấu ở SEA Games 2017, thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế, từ FIFA đến AFC, các liên đoàn trong khu vực... Việc trong thì đàm phán, co kéo tiền bạc cho VFF trong cảnh kinh tế có nhiều khó khăn. Hôm mới đây họp AFF tại Malaysia, nhà có người trong “tứ thân phụ mẫu” đau nặng, ông Trần Quốc Tuấn vẫn phải gác việc nhà để đi. Hôm trước sang Malaysia thì hôm sau lật đật về.

Thường trực VFF có 5 người. Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thời gian gần đây phải mải mốt lo chuyện kinh doanh. Công việc ở VFF phần nào vì vậy cũng bị xao nhãng. Dăm phen ông Đức vắng bặt ở các cuộc họp quan trọng của VFF. Được cái ông Đức là người nhiệt huyết, nên khi lâm việc vẫn có nhiều người chia sẻ. Người ta ủng hộ vì HA.GL là doanh nghiệp của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Ông Trần Anh Tú, uỷ viên, được giao đặc trách futsal. Đội tuyển futsal vừa qua lập kì tích đoạt vé tham dự FIFA World cup 2016. Mọi công việc liên quan đến futsal, ông Tú phải gánh cả, từ việc xây dựng phong trào, phối hợp tổ chức các giải đấu đến quảng bá, thu hút người hâm mộ.

Nhắc lại chuyện của Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ ở trên, công việc truyền thông cho VFF, tưởng nhàn nhưng kỳ thực quan trọng và nhiều việc không tên. Làm bóng đá có hiệu quả, tiên quyết không thể bỏ qua truyền thông. Chẳng phải ngẫu nhiên truyền thông và CĐV lại “giữ vai” tiền đạo trong mô hình của FIFA và AFC. Về chức năng, công tác truyền thông và Phát ngôn viên của 1 tổ chức cũng hoàn toàn khác nhau. Chịu trách nhiệm trả lời về một tổ chức, đơn vị phải là người nắm rõ các công việc chung. Các đơn vị thường chọn ông Chánh văn phòng cho công việc này, hoặc TTK như ở VFF là vì thế.

Nói hỏi như trên oan cho ông Nguyễn Xuân Gụ là vì vậy. Chưa kể mỗi cuối tuần, công việc bận rộn nhưng ông Gụ vẫn phải dành thời gian đây đó dự khán các trận đấu của V.League, hạng Nhất hay Cúp quốc gia. Lúc Gia Lai, khi lại Quảng Ninh…Không đến, đội này đội kia lại bảo VFF thiếu quan tâm.

Đây là điểm qua các “quan lớn” ở VFF, chứ kì thực nhiều người giữ các vị trí quan trọng khác, nhưng cả năm tịnh không thấy đụng tay. Trung tâm đào tạo trẻ, hay Phòng các ĐTQG của VFF, thi thoảng vẫn bị “nhắc tên”. Có khi làm chưa tốt, hoặc có khi bị bỏ bê. Hoặc giả các “quan” có làm, nhưng dư luận không có điều kiện để biết, nên trách oan VFF?

MỚI - NÓNG