Lình xình trước khai mạc giải hạng Nhất

Lình xình trước khai mạc giải hạng Nhất
TP - Cuối mùa năm ngoái, giải hạng Nhất lình xình vì đội Quảng Ngãi bị xử xuống hạng. Năm nay, ngay trước thềm khai mạc, giải hạng Nhất lại lình xình khi Thanh Hóa B xin "xóa sổ" khiến VFF rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Lình xình trước khai mạc giải hạng Nhất ảnh 1
Đội tuyển Thanh Hóa B - Ảnh T.Vũ

Có thể nói, hiện tượng đội Thanh Hóa B xin rút khỏi giải hạng Nhất là vụ việc khá phức tạp, lần đầu tiên có trong bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khiến hai ban quan trọng của VFF là ban tổ chức thi đấu và ban kỷ luật "vênh" nhau.

Giải chưa khởi tranh, ban kỷ luật của VFF đã phải đăng đàn xử án, nhưng "chánh án" Nguyễn Hải Hường (Trưởng ban Kỷ luật) đã không thể mở "phiên tòa" xử vụ Thanh Hóa B bỏ giải hạng Nhất. Bởi, hồ sơ mà BTC giải chuyển sang cho ban kỷ luật chỉ là công văn xin không tham dự giải của Thanh Hoá B và một số thông tin tổng hợp khác của BTC giải.

Công văn của Thanh Hóa B lại nêu lý do rất trừu tượng là xin bỏ giải "do điều kiện đặc biệt của mùa giải 2010…" khiến ông "phán" Hường bó tay, đành trả hồ sơ lại cho BTC giải để yêu cầu Thanh Hóa B cung cấp thêm chi tiết với thời hạn cuối cùng là ngày 29 - 1 (trước khai mạc giải hạng Nhất một ngày).

Trong lúc đó, ông trưởng giải Trần Quốc Tuấn nói rằng, công văn của phía Thanh Hóa B như thế nào thì BTC giải chuyển cho Ban kỷ luật như vậy, vì theo quy định, Thanh Hóa B có trách nhiệm phải tham dự các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của VFF. Cho dù rút lui vì nguyên nhân gì, họ cũng đã vi phạm và quyền xử lý thuộc về Ban kỷ luật.

Ban kỷ luật thì chưa xử được, trong lúc BTC giải phải điều chỉnh lại điều lệ giải hạng Nhất 2010 và lịch thi đấu khi chỉ còn lại 13 đội.

Theo đó, vẫn có hai suất lên hạng, đội xếp thứ ba đá play-off (với đội đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng V-League 2010), nhưng chỉ còn lại một đội phải xuống hạng nhì. Vậy là, tính hấp dẫn của giải hạng Nhất sẽ giảm đi đáng kể.

Chưa kể điều này làm ảnh hưởng đến nhà tài trợ cho giải hạng Nhất khi thương hiệu và hình ảnh của họ bị "giảm" đi trên 20 trận đấu. Nếu khó, nhà tài trợ có thể khiếu nại VFF và nếu nhà tài trợ thông thoáng hơn, VFF cũng phải có động tác điều đình cho thỏa đáng.

Trong điều lệ của VFF qui định: CLB có đội bóng thuộc thành phần tham dự giải mà không cử đội bóng tham dự giải hoặc từ chối tham dự giải (trừ lí do bất khả kháng) sẽ bị phạt (qui định cho giải hạng Nhất là 300 triệu đồng). Giả sử rằng, Thanh Hóa B sẵn sàng nộp phạt 300 triệu đồng thì ban kỷ luật cũng chưa thể xử ngay được.

Đó là chưa kể số tiền 300 triệu thật chẳng thấm tháp gì đối với các đội có các doanh nghiệp giàu có "chống lưng" và khi đó họ muốn dự giải thì dự không thì cứ nộp tiền phạt rồi bỏ!

Rõ ràng, VFF đang đứng trước thế khó xử đối với Thanh Hóa B, vì nếu không làm mạnh tay, liệu các giải "đinh" như V-League và hạng Nhất có phải chỉ là những giải đấu tự nguyện mà các CLB có thể tham gia hoặc không thích thì bỏ (trước khi giải đấu khởi tranh đúng thời hạn quy định) như các giải phong trào hay không?

Phải chăng VFF thiếu một điều lệ hoặc quy định nghiêm túc để hạn chế vấn đề phát sinh này? Không biết nếu là các quan chức của FIFA thì họ sẽ vận dụng các quy định của VFF để xử vụ này như thế nào?  

Tiền Giang "xử" Long Giang

Đội hạng Nhất - Hải Nhân Tiền Giang (HN-TG) cũng đang "đau đầu" khi phải tổ chức cuộc họp vào chiều qua (27-1) nhằm đưa ra hình thức xử lý đối với việc trung vệ Long Giang làm đơn xin thanh lý sớm hợp đồng vẫn còn thời hạn đến 2 năm.

Trước mắt, cầu thủ trong đội đề nghị hình thức kỷ luật, sau đó, lãnh đạo CLB mới quyết định mức kỷ luật đối với trung vệ này.

Theo Giám đốc điều hành CLB Nguyễn Nam Hùng (Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang) thì Long Giang đã vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp và là "vi phạm có hệ thống".

Mức lương của Long Giang ở HN-TG cao nhất đội với 15 triệu đồng/ tháng, nhưng vẫn là thấp nếu so với lương của một tuyển thủ QG ở các CLB V-League, nên dù còn hợp đồng đến 2 năm nữa, Long Giang vẫn quyết tâm ra đi sớm khi anh làm đơn và mời luật sư để tháo gỡ hợp đồng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.