Loay hoay

Loay hoay
TP- Nhiều năm nay, người ta quá quen thuộc với hình ảnh thể thao Việt Nam tung hoành ở ao làng Đông Nam Á với những môn mà thế giới không mấy người chơi, nhưng loay hoay khi ra đấu trường lớn với điệp khúc "tham dự để học hỏi".

Năm 2008 được coi là năm đại cát của thể thao Việt Nam với chiếc huy chương bạc Olympic Bắc Kinh cùng ngôi vô địch Đông Nam Á của bóng đá nam.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thể thao Việt Nam tìm ra một con đường phát triển đúng. Lâu nay, người ta quá quen thuộc với điệp khúc tham dự để học hỏi mỗi khi thể thao Việt Nam đến với những đấu trường lớn như Olympic.

Và khi về những sân chơi ao làng như SEA Games, thể thao Việt Nam lại tung hoành với cơn mưa huy chương ở những môn mà thế giới chẳng mấy ai chơi như pencak silat, wushu, lặn hay đá cầu.

Nếu lấy Olympic làm chuẩn, Thái Lan xứng đáng với vị trí số một Đông Nam Á. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất (31) với hai huy chương vàng và hai huy chương bạc. Xếp sau Thái Lan là Indonesia (vị trí 42) với một huy chương vàng, một huy chương bạc và hai huy chương đồng. Trong khi đó, với một huy chương bạc, Việt Nam xếp hạng 71 chung cuộc với Singapore.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam thừa nhận để có thể đuổi kịp Thái Lan và Indonesia ở Olympic, thể thao Việt Nam phải mất nhiều kỳ Thế vận hội nữa.

Hai mặt

Dù chênh lệch về trình độ giữa ba nền thể thao Việt Nam, Thái Lan và Indonesia là như vậy, nhưng tại SEA Games 25 diễn ra ở Lào vào cuối năm nay, Việt Nam có thể sẽ qua mặt cả Thái Lan lẫn Indonesia để chiếm lấy vị trí số một, như từng đứng số một ở SEA Games 22. Điều này được không ít quan chức cấp cao của thể thao Việt Nam gián tiếp khẳng định bằng tuyên bố “ít nhất là tốp ba hoặc hơn”.

Quan điểm phải thi đấu mới có cơ hội tranh huy chương, nên cứ tung nhiều VĐV tham dự, biết đâu lại giành được thành tích cao, vấp phải sự phản đối của một số nhà lãnh đạo thể thao kỳ cựu, trong đó có ông Nguyễn Hồng Minh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, ngay sau khi kết thúc Olympic Bắc Kinh 2008.

Theo ông Minh, huy chương chỉ là mặt được nổi lên trên, còn mặt khác quan trọng hơn là trình độ của thể thao nước nhà. Ông Minh cũng cho rằng thể thao Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư công sức và tiền của cho việc chuẩn bị Olympic. Các nước chuẩn bị cho chu kỳ Olympic ít nhất là bốn năm, nhiều thì tám đến mười năm, còn ở Việt Nam mới bắt đầu sau Tết Âm lịch, nghĩa là chỉ có nửa năm!

Những cường quốc thể thao khu vực như Thái Lan, Indonesia chỉ dám đầu tư trọng điểm và dài hạn vào một số môn thế mạnh như boxing, cử tạ, cầu lông. Thể thao Việt Nam vẫn kêu gọi tiến tới tham dự Olympic năm 2012 ở London với 12 - 16 môn, kể cả bóng đá nữ.
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.