Lối chơi của ĐTVN: Hợp lý đến từng milimet

Lối chơi của ĐTVN: Hợp lý đến từng milimet
Sau khi hạ nhà đương kim vô địch và bước đầu khuất phục đội bóng số một khu vực, nhiều người đặt câu hỏi: điều gì đã làm nên thành công của ĐTVN? Đó là sự hoàn hảo của lối chơi mà thầy trò ông Calisto đã thực hiện.
Lối chơi của ĐTVN: Hợp lý đến từng milimet ảnh 1
Hi vọng thầy trò ông Calisto sẽ tiếp tục được ăn mừng trong trận đấu cuối cùng của AFF Cup trên sân Mỹ Đình tối chủ nhật tuần này.

Bày binh bố trận

Với Minh Châu - Tài Em (bắt đầu xuất hiện trở lại cùng nhau từ trận bán kết lượt đi với Sing) ở giữa sân, tuyển VN làm chủ được khu trung tuyến (trận đấu tại Mỹ Đình), giảm thiểu tối đa sức ép lên tuyến phòng ngự (trận lượt về với Sing và cuộc đối đầu với Thái). Chỉ riêng chi tiết này cũng đủ hiểu được sự sáng suốt của ông “Tô” trong việc chọn “lá phổi” nơi hàng tiền vệ.

Với Vũ Phong - Tấn Tài, tuyển VN dư thừa sức chiến đấu ở lần tiếp nhà đương kim vô địch AFF Cup tại Mỹ Đình. Không những thế, nó còn phát huy tối đa khả năng sáng tạo bản năng, mà đường chuyền bằng chân không thuận của Tấn Tài để Vũ Phong lao người đánh đầu hạ gục người Thái hôm 24/12 là một minh chứng.

Với Như Thành - Phước Tứ, tuyển VN đánh chặn giỏi, mà bọc lót cũng rất kịp thời.

Với Công Vinh - Việt Thắng, tuyển VN đi đến sự ổn định cần thiết cho những ván cờ quyết định. Sự linh động của 2 cầu thủ chơi cao nhất cho chúng ta rất nhiều phương án trong việc tìm đường vào mành lưới đối phương. Một trong số đó là bàn thắng của Quang Hải vào lưới Singapore trong buổi tối Kallang Roar khó quên…

Chơi với Sing và Thái, đều ở xứ người, HLV Calisto chắc chắn không dám mạo hiểm. Thế nên, sự chắc chắn nơi phần sân nhà là điều tiên quyết.

Đội bóng của Calisto chơi pressing giỏi (trận đấu với Sing ở Mỹ Đình), bóng sệt hay (tình huống dẫn đến bàn thắng của Quang Hải ở Singapore, rồi Công Vinh tại Bangkok) và không chiến cũng giỏi (cú đánh đầu thành bàn mở tỷ số của Vũ Phong tại Rajamangala).

Một lập trình hoàn hảo và gần như không có sai số. Nếu chỉ tính từ vòng bán kết thì yếu tố may mắn không còn tồn tại nữa. Trong bóng đá, để thành công, đội bóng phải có thực lực.

Tuyển VN bây giờ có đủ những cơ sở cần và đủ để chiến thắng.

Khả năng tự điều chỉnh

Trong những chiến công của tuyển VN, công đầu thuộc về thuyền trưởng Henrique Calisto. Đó là điều không phải bàn cãi. Và đầu tiên phải kể đến sự hợp lý về mặt điều chỉnh nhân sự. Kế đến là tính khoa học của lối chơi. Nhưng sau cùng, vẫn là khả năng tự cân bằng - điều chỉnh của cầu thủ. Đó là cốt lõi của thành công.

Ở Kallang Roar, cũng như Rajamangala, HLV Calisto gào thét đến khản cổ. Nhưng thú thực, những gì mà các cầu thủ trên sân nhận được từ ông thầy là rất ít. Lời chỉ đạo của Calisto giữa trận đấu bị át đi bởi hàng chục nghìn CĐV cuồng nhiệt trên đất bạn.

Nói thế để thấy rằng, khả năng thích ứng và tự xoay sở trên sân của các cầu thủ là yếu tố tiên quyết. Khi cần nhu, phải nhu, lúc cần cương thì phải cương tới cùng.

Các cầu thủ VN đã học được điều này sau những buổi tập. Và lần đầu họ áp dụng, đó là trận đấu ở vòng bảng với Malaysia, khi HLV Calisto bị truất quyền chỉ đạo.

Tuy nhiên, để có được “phản xạ vô điều kiện” thì đội bóng với mấy chục con người đã phải trải qua bao tháng rèn giũa. Đây là sự tiến bộ rõ nét nhất về mặt nhận thức của các cầu thủ VN dưới thời HLV Calisto.

Trước Henrique, bao người tiền nhiệm từng muốn, nhưng không thể làm nổi. Sự kiên nhẫn đã có đáp án!

Sự thật rằng một HLV tài ba đến đâu cũng không thể ngay lập tức biến “vịt con xấu xí” trở thành “thiên nga”. Một chiến lược gia đại tài cũng khó làm nên kỳ diệu, khi không có trong tay những cầu thủ giỏi.

Nếu hiện tại, tuyển VN là kết tinh của sự “giao thoa” đầy khoa học về tài năng của hai lứa cầu thủ - một già, một trẻ, công thêm vị thuyền trưởng tài năng và nhiệt huyết, tại sao không phải là ngôi vương Đông Nam Á?

Theo Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG