Lời kêu cứu của một vận động viên

Phạm Thanh Cảnh hy vọng từ vụ việc của anh các VĐV sau này sẽ không rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ảnh: H.P
Phạm Thanh Cảnh hy vọng từ vụ việc của anh các VĐV sau này sẽ không rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ảnh: H.P
TP - Vì chấn thương ngoài ý muốn trong tập luyện, VĐV trẻ triển vọng của CLB bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phạm Thanh Cảnh đã bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Anh không được thanh toán một đồng điều trị chấn thương cũng như không được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.

Phạm Thanh Cảnh hy vọng từ vụ việc của anh các VĐV sau này sẽ không rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ảnh: H.P
Phạm Thanh Cảnh hy vọng từ vụ việc của anh các VĐV sau này sẽ không rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ảnh: H.P.
 

Phạm Thanh Cảnh bắt đầu ký hợp đồng với Công ty CP Thể thao-Văn hóa Dầu khí (PSCC) từ năm 2007 và tiếp tục ký đến 14-5-2011. Sau khi bị chấn thương, VĐV này được gia hạn tới ngày 14-11-2011 (6 tháng). Trong 4 năm 5 tháng cống hiến cho đội bóng, tương lai của Phạm Thanh Cảnh được hứa hẹn rất tươi sáng.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện bị chấn thương thoát vị đĩa đệm trong tập luyện và thi đấu, cầu thủ này không có khả năng vận động nặng. Chưa kịp bình tĩnh sau khi trải qua thời gian phẫu thuật tốn kém về tiền bạc, Thanh Cảnh tiếp tục nhận thêm một hung tin khi anh bị PSCC thanh lý hợp đồng trước thời hạn.

Đáng nói là chấn thương này không được PSCC mang đi giám định để có thể đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với VĐV. Ông Tô Phú Phong, Giám đốc PSCC cho rằng “do VĐV chủ động thanh lý nên công ty không phải đi giám định. Đồng thời do VĐV Cảnh không yêu cầu nên công ty không làm”.

Biết sự việc của Cảnh, các đồng đội trong đội cũng muốn giúp đỡ nhưng không ai dám lên tiếng. Cuối cùng, Cảnh phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình vợ chưa cưới để có tiền trả viện phí.

Cùng với số tiền ít ỏi được mọi người quyên góp, Thanh Cảnh lên Hà Nội tìm sự giúp đỡ và được luật sư Nguyễn Minh Anh (Trưởng VPLS Trí Minh) tư vấn miễn phí và đồng ý là người đại diện về luật pháp của vận động viên Phạm Thanh Cảnh.

Theo luật sư Nguyễn Minh Anh (Trưởng văn phòng luật sư Trí Minh) thì việc làm của công ty là trái với đạo đức của người sử dụng lao động. Dù VĐV có yêu cầu hay không thì phía công ty phải chủ động lập hồ sơ giám định, rồi mới đưa ra kết luận cuối cùng trước khi thanh lý hợp đồng lao động với VĐV Phạm Thanh Cảnh.

Trao đổi với phóng viên, Thanh Cảnh cho biết: “Việc tôi thanh lý hợp đồng là được sự hướng dẫn của công ty, thời điểm đó sức khỏe của tôi còn chưa phục hồi, phải đi xe giường nằm lên trên công ty hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay tôi không nhận được bất cứ khoản tiền hỗ trợ hay hỏi thăm nào từ công ty. Thậm chí khi thanh lý hợp đồng tôi cũng chưa được đi giám định y khoa về mức độ chấn thương”.

Trong khi đó, người đại diện của Phạm Thanh Cảnh, là luật sư ông Nguyễn Minh Anh cho rằng: “Anh Cảnh làm việc cho PSCC và được phân công nhiệm vụ là VĐV bóng chuyền, là người lao động của PSCC. Chấn thương của anh Cảnh phát sinh do quá trình thi đấu nên được coi là tai nạn nghề nghiệp. Vì vậy người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cấp cứu cho đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động”.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Minh Anh cũng cho rằng, “cách tính thời gian làm việc của anh Cảnh từ tháng 5-2007 đến tháng 9-2011 là 4 năm, 5 tháng rồi tính tròn 4 năm là bất lợi cho NLĐ. Theo qui định của pháp luật thì tổng thời gian làm việc phải là 4 năm rưỡi. Đó là chưa kể tới việc công ty này còn lấy lương cơ bản làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc. Đây chính là cách tính gây bất lợi cho NLĐ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG