Luis Suarez và nụ cười răng thỏ

Vụ cắn Chiellini ở World Cup 2014 là một trong rất nhiều vai diễn phản diện của Suarez, khiến người hâm mộ quên đi rằng anh là một cầu thủ xuất chúng. Ảnh: AFP.
Vụ cắn Chiellini ở World Cup 2014 là một trong rất nhiều vai diễn phản diện của Suarez, khiến người hâm mộ quên đi rằng anh là một cầu thủ xuất chúng. Ảnh: AFP.
Lionel Messi đá hỏng phạt đền, Ronaldo đệm hụt ở khoảng cách ba mét. Ngôi sao sáng nhất vòng mở màn La Liga là... Luis Suarez. Anh tạo ra quả phạt đền vừa nêu, và là tác giả của pha ghi bàn duy nhất vào lưới Bilbao, giúp nhà ĐKVĐ tránh khỏi cảnh bị bẽ mặt lần thứ hai trong vòng một tuần.

Khi Barcelona trải qua giai đoạn tập huấn chuẩn bị cho mùa bóng mới, không ai đạt phong độ cao hơn và cũng không ai mang nhiều khát khao hơn Luis Suarez. Ngày này cách đây một năm, anh đang ở vào giai đoạn tồi tệ nhất trong sự nghiệp, khi bị FIFA cấm hoạt động bóng đá bốn tháng vì tội cắn vai Giorgio Chiellini trong trận đấu giữa Uruguay và Italy tại vòng bảng World Cup 2014.

Trong cuốn tự truyện, Suarez mô tả bốn tháng ấy là địa ngục trần ai. Anh không hiểu vì sao FIFA lại cho qua những cú đạp người thô bạo, những lỗi triệt hạ đối phương nhưng lại phạt anh chỉ vì "một cú cắn vô hại". Suarez bảo anh đâu có chủ định xin miếng thịt của Chiellini làm kỷ niệm như Mike Tyson từng làm với Evander Holyfield trên sàn đấu quyền anh. Tất nhiên đấy là một hành vi xấu xí và... buồn cười, nhưng cấm Suarez đến bốn tháng ư? Đến chính "nạn nhân" Chiellini cũng cảm thấy như vậy là quá nặng.

FIFA cấm Suarez với một án phạt thuộc hàng nặng nhất lịch sử World Cup, chỉ bởi vì anh là... Suarez. Đấy là kẻ bị cáo buộc đã buông vào tai của Patrice Evra những lời phân biệt chủng tộc (dù không có chứng cứ cụ thể, và Suarez bảo ở quê hương anh đó là câu nói hết sức bình thường), là kẻ đã cắn vào tay của Branislav Ivanovic trận Liverpool gặp Chelsea, và là kẻ đã lấy cả hai tay đỡ quả bóng đi vào phía khung thành trong trận tứ kết World Cup 2010, giúp Uruguay từ cõi chết trở về và đánh bại Ghana trong loạt sút luân lưu sau đó.

Tất cả những liệt kê trên biến Suarez trở thành kẻ phản diện nổi tiếng bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới. Vậy nhưng, ẩn sâu bên trong con người có vẻ ma giáo ấy lại là một tấm chân thành và cực kỳ đáng yêu. Suarez chưa bao giờ thừa nhận việc ngã vờ để kiếm phạt đền. Anh bảo đấy là văn hóa ở Uruguay. Khi sang Hà Lan, Suarez hết sức bất ngờ khi bị các HLV giáo huấn về việc đừng ngã ra quá dễ dàng để đánh lừa trọng tài. Nhưng ở Uruguay, nếu bị đối phương ngáng chân mà không ngã xuống, một cầu thủ sẽ bị chê là ngây thơ, kém cỏi.

Xuất thân của Suarez là đường phố. Ở đó, bọn trẻ sẽ làm mọi cách để có thể đánh bại đối phương. Kỹ thuật cá nhân càng điêu luyện, tiểu xảo cũng sẽ ngày một thượng thừa. Nếu không thể động ai cũng đánh như Diego Costa, cầu thủ sẽ động một cái là ngã, như Luis Suarez. Ngã để bảo vệ bản thân khỏi những pha vào bóng thật, ngã để mang lại những quả đá phạt cho đội nhà. Ngã, với Suarez, như một thói quen, và anh không bao giờ chối bỏ điều đó.

Suarez cũng không chối bỏ việc anh dùng cả hai tay cản quả bóng đang đi vào khung thành ở World Cup 2010, khiến châu Phi lỡ hẹn với lịch sử: lần đầu tiên có đại diện vào bán kết World Cup. Suarez đang là ứng viên cho danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất giải lẫn Chiếc giày Vàng cho Vua phá lưới, nhưng vẫn đưa tay ra không chút do dự. Anh quyết định đi vào chỗ "chết", để Uruguay tìm thấy cửa "sống". Anh chấp nhận bị thẻ đỏ như một lựa chọn sòng phẳng, còn việc Gyan Asamoah sau đó đá hỏng quả phạt đền, đấy là lỗi của chân sút người Ghana.

Thế giới lao vào chửi rủa Suarez, nhưng anh bảo mình chưa bao giờ hối hận. Hành động ấy với những kẻ căm ghét Suarez là gian dối, thiếu fair-play, nhưng với những ai yêu anh chàng răng thỏ, thì đó thật sự là anh hùng. Diego Maradona ghi bàn vào lưới tuyển Anh ở tứ kết World Cup bằng tay, rồi ngông nghênh gọi đó là "Bàn tay của Chúa". Chúa nào mà chấp nhận cho một hành vi ám muội như vậy? Còn bàn tay của Suarez, có thể đấy là bàn tay của quỷ dữ, theo cách gọi của các CĐV Ghana và châu Phi, nhưng nó diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Nó là hành động của kẻ dám làm dám nhận, của một đấng nam nhi đại trượng phu.

Ivanovic và Chiellini đều bảo họ không còn giận Suarez nữa. Nếu được gặp lại, cả hai sẽ bắt tay, thậm chí xin áo của Suarez làm kỷ niệm.

Luis Suarez và nụ cười răng thỏ ảnh 1

Suarez, trong trạng thái tâm lý thoải mái nhất, hứa hẹn sẽ trở thành một thứ vũ khí huỷ diệt của Barca mùa này. Ảnh: EPA.

Suarez là một con người gây tranh luận, nhưng có một thứ không phải tranh luận thêm: tài năng tuyệt vời của anh. Mùa giải năm ngoái, Suarez chỉ có thể góp mặt giữa chừng sau khi chịu xong án treo giò bốn tháng. Vậy mà khi trở lại, anh ghi 16 bàn và có 14 pha kiến tạo tại La Liga, tức là trực tiếp tham gia vào 30 bàn trong 27 trận. Đấy là một con số tuyệt vời với bất kỳ cầu thủ nào, huống chi lại là một tân binh ở một môi trường đặc thù như Barcelona. Zlatan Ibrahimovic, Alexis Sanchez và một chừng mực nào đó là David Villa đã thất bại ở đó. Nhưng Suarez lại hòa hợp tuyệt vời với Lionel Messi. Anh ghi bàn nhiều, nhưng vẫn biết cách lùi xuống để cho người đồng đội thiên tài tỏa sáng.

Nhìn lại sự nghiệp của Suarez, bạn sẽ thấy anh chỉ biết có tiến lên mà thôi. Ở Ajax, số bàn qua ba mùa lần lượt là 22, 28 và 29. Ở Liverpool, thành tích tịnh tiến từ 17 lên 30 rồi 31 bàn. Vậy hãy tưởng tượng Suarez sẽ còn bùng nổ đến đâu ở mùa bóng thứ hai tại Barca, khi anh được góp mặt từ đầu và tập huấn đầy đủ với những đồng đội mới.

Năm ngoái, giới chuyên môn nhìn vào Suarez để chỉ ra sự khác biệt giữa Barca của Luis Enrique với Barca của những HLV khác. Có Suarez, lối chơi của Barca trực diện hơn, tốc độ hơn và biến ảo hơn. Khi Suarez đứng trước bóng, hậu vệ đối phương không biết anh sẽ sút hay chuyền. Nhìn những bước chân của Suarez, người ta ngỡ anh sẽ ngã đến nơi. Nhưng con người ấy chỉ ngã khi... cần thiết, còn lại là một kẻ giữ thăng bằng tuyệt vời.

Luis Suarez và nụ cười răng thỏ ảnh 2

Suarez vẫn ngã khi cần ngã, vẫn sẵn sàng vào những vai phản diện, miễn điều đó mang lại lợi ích cho đội bóng anh phụng sự. Ảnh: Reuters.

Trong lối chơi của Barca dưới thời Enrique, Messi bây giờ sẽ giữ vai trò "số 10", còn Suarez mới là tay săn bàn chủ lực. Đã sáu năm trôi qua và danh hiệu "Pichichi" dành cho Vua phá lưới La Liga lẫn "Chiếc giày Vàng châu Âu" đều không thoát khỏi bàn tay của Ronaldo và Messi. Nhưng khởi đầu của mùa bóng này cho thấy dấu hiệu của một điều gì đó mới mẻ. Barca là nơi mà vợ của Suarez - Sofi - sinh sống từ khi còn là con gái. Suốt cuộc đời anh đã mơ ước được sống chung với vợ con tại thành phố này.

Vụ chuyển nhượng cách đây một năm đã biến giấc mơ ấy thành sự thật. Và khi tâm lý thoải mái, được thi đấu trong một tập thể mạnh thay vì phải một mình gánh đội, hàm răng của Suarez có lẽ sẽ chẳng động đến da thịt ai nữa.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG