Man Utd vs Liverpool: Phía sau lòng hận thù

Những trận đấu giữa Man Utd và Liverpool vô cùng nóng bỏng.
Những trận đấu giữa Man Utd và Liverpool vô cùng nóng bỏng.
Châu Âu lại sôi sục với Premier League, bởi ở đó sẽ diễn ra một cuộc chiến "ngàn năm hận thù". Man Utd và Liverpool. Dù có gặp nhau bao nhiêu lần đi nữa thì sức hấp dẫn của nó cũng chẳng bao giờ suy giảm. Đơn giản vì đó là cuộc đấu của lịch sử, truyền thống, với ý nghĩa đã đạt đến tầm văn hóa.

Hai thành phố Liverpool và Manchester chỉ cách nhau một con đường M602, được nối bởi một cây cầu và một con đường sắt, đó chính là tuyến đường sắt đầu tiên tại châu Âu. Trên con đường sắt đó (tuyến Lancashire -Yorkshire), Manchester Utd ra đời, và cũng trên tuyến đường sắt đó, một cuộc chiến được tạo ra, rồi duy trì cho đến tận ngày nay. Chỉ là trận đấu bóng đá, nhưng Man Utd và Liverpool đã tạo ra một nét văn hóa của cả hai vùng, có giá trị chẳng thua kém gì những quảng trường cổ kính ở Manchester hay di sản The Beatles ở Liverpool.

Dù là 2 CLB ở hai thành phố, nhưng tính chất của trận đấu này khiến nó được coi là trận derby của nước Anh trong suốt gần 1 thế kỉ qua. Bất chấp thời gian, bất chấp sự hành hạ của số phận, với sự trồi sụt của một CLB, ở hoàn cảnh nào đi nữa thì "derby màu đỏ" này cũng là ngày hội, là sự kiện và là một "sản phẩm" đã có lúc được cổ động viên (CĐV) yêu cầu công nhận là di sản văn hóa.

Đương nhiên, yêu cầu của CĐV chẳng được ai chấp thuận, nhưng họ có lí do để nói vậy. Sự kình địch giữa hai CLB hàng xóm không chỉ nằm ở thành tích (Liverpool có 59 danh hiệu còn Man Utd có 62), mà nằm ở cả yếu tố xã hội. Nó liên quan đến hai cảng biển huyền thoại của nước Anh. Cảng Liverpool, từng được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng này trong một thời gian dài.

Nơi đây là khu công nghiệp lớn đầu tiên tại Vương quốc Anh, với cuộc cách mạng công nghiệp đồ sộ. Nhưng khi con đường sắt nối hai thành phố xuất hiện năm 1830, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Đến cuối năm 1878, Manchester United được hình thành với cái tên Newton Heath, đó cũng là lúc một nơi giao thương mới mở ra, thu hút lao động và trung tâm công nghiệp chuyển từ Liverpool tới Manchester. Với sự ra đời của tàu container, cộng với thất bại của ngành công nghiệp dệt may tại Manchester, cảng Liverpool trở nên kém hiệu quả.

Một con kênh lớn đủ để mọi con tàu cỡ lớn được xây dựng tại cảng Manchester. Và như thế, sự thù hận giữa hai thành phố bắt đầu từ vấn đề kinh tế xã hội, và bóng đá là nơi để họ xả ra những giận dữ. Đỉnh điểm của sự thù hận đó là năm 1981, với cuộc bạo loạn lớn nhất trong lịch sử bóng đá Anh diễn ra ở Toxteth.

Nói đến derby Manchester-Liverpool là nói đến những sự hỗn loạn, những cuộc tấn công lẫn nhau bằng mọi thứ có thể, thậm chí họ dùng cả những "vũ khí" khó tưởng tượng nhất. Thập kỉ 70, 80 của thế kỉ trước, những màn đụng độ giữa hai nhóm CĐV này tạo ra một khái niệm tồn tại đến ngày nay. Cuối thế kỉ XIX, các nhóm CĐV quá khích xuất hiện đầu tiên tại Anh, nhưng phải đến thập kỉ 1980, khái niệm hooligan mới xuất hiện sau nhưng cuộc bạo loạn khủng khiếp giữa Man Utd và Liverpool.

Hàng loạt vụ ẩu đả diễn ra như cơm bữa, cảm tưởng như nó là gia vị không thể thiếu cho các trận đấu giữa hai CLB này. Chung kết FA Cup năm 1996, số CĐV Liverpool đã lao tới nhổ vào mặt Eric Cantona, huyền thoại của Man Utd, rồi đấm HV Ferguson khi Man Utd lên bục nhận chức vô địch. CĐV này sau đó bị bắt và nhận án tù 3 tháng vì tội tấn công, sỉ nhục người khác.

Lại là trận đấu tại FA Cup năm 2006 diễn ra ở sân Anfield của Liverpool, hàng loạt vật thể lạ từ khán đài chủ nhà ném về phía CĐV Man Utd. Và trong đó là rất nhiều chiếc cốc chứa… chất thải cực kì bẩn thỉu. Thời điểm từ 1998 đến tận những năm 2000, mỗi khi tiếp Man Utd trên sân nhà, CĐV Liverpool đều bị cấm đi đường gần lối vào của CĐV đội khách, sau khi các CĐV Liverpool ném trứng thối vào HLV Ferguson.

Theo thống kê chưa đầy đủ của cảnh sát Liverpool, đã có 82 vụ va chạm được ghi nhận giữa hai nhóm CĐV quá khích, gây thiệt hại về người và vật chất kể từ năm 1960 đến nay. Đây là số lượng vụ ẩu đả lớn nhất so với tất cả các trận đấu khác tại Anh.

Man Utd vs Liverpool: Phía sau lòng hận thù ảnh 1

CĐV Liverpool và Man Utd đã tạo ra khái niệm hooligan.

Tuy nhiên, hận thù là thế nhưng giữa họ không chỉ có sự kình địch. Trong nỗ lực làm nguội bớt mối quan hệ, cả Liverpool và Man Utd cùng nhau cố gắng xóa đi những vết nhơ quá khứ. Họ không nỗ lực loại bỏ đi tính chất và ý nghĩa của một trận cầu nghiệt ngã, mà chỉ làm vơi đi sự hận thù giữa các CĐV. Bởi thực chất, Man Utd và Liverpool đều có lịch sử, truyền thống và cả những nỗi đau như nhau.

Đầu tiên phải nói rằng, Frederick Attock, Giám đốc bộ phận vận chuyển toa xe tuyến đường sắt Lancashire -Yorkshire, năm 36 tuổi là Chủ tịch kiêm Tổng thư ký đầu tiên của Newton Heath (tức Man Utd bây giờ). Ông này thực chất là người Liverpool. HLV vĩ đại của Man Utd, Sir Matt Busby vốn là cầu thủ nổi danh ở Liverpool. Bên cạnh đó, cả Man Utd và Liverpool đều là những CLB trải qua những bi kịch. Liverpool là thảm họa Heysel (1985) và Hillsbrough (1989). Còn Man Utd là thảm họa rơi máy bay tại Munich (1958).

Ngay sau thảm họa Munich khiến Man Utd mất đi gần như toàn bộ đội hình chính, Liverpool (khi ấy đang chơi tại giải hạng Hai) là CLB đầu tiên đến trụ sở của Man Utd, gặp gỡ ban lãnh đạo và đề nghị giúp đỡ. Cụ thể, họ đưa ra một số tiền khá lớn, ngỏ ý cho đối thủ mượn 2 cầu thủ bất kì, cùng với đó là kế hoạch tổ chức các buổi cầu nguyện. Tuy nhiên, Man Utd chỉ nhận lời yêu cầu cho các buổi cầu nguyện mà thôi.

Rồi nữa, ngày 2/8/1971, khi Hooligan Man Utd làm loạn trên sân, rồi bị kỉ luật 2 trận không được đá ở Old Trafford, Liverpool lại có mặt, đề nghị cho đối thủ mượn Anfield 1 trận miễn phí làm sân nhà. Và trận đấu đó Man Utd thắng Arsenal 3-1. Đổ lại, Man Utd cũng luôn có mặt bên cạnh Liverpool trong những lúc khó khăn nhất. Khi các CĐV Liverpool tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân vụ Hillsborough năm 1989, họ bất ngờ nhận được thư từ Man Utd, nói rằng họ cũng tổ chức cầu nguyện chung bao gồm cả hai nhóm CĐV. Cùng với đó, Man Utd sẵn sàng chia sẻ bằng cách giúp đỡ Liverpool bằng một khoản tiền.

Sau sự kiện này, BLĐ Liverpool và Man Utd đã thành lập một tổ chức CĐV chung với các hoạt động hàn gắn quan hệ giữa hai bên. Họ thiết kế băng rôn, khẩu hiệu có chung logo hai CLB, kêu gọi và thuyết phục các hội CĐV quá khích kiềm chế mỗi khi họ gặp nhau. Và kết quả là nhiều năm qua, số lượng các vụ ẩu đả, hỗn loạn, gây hấn giữa hai đội đã giảm tới 62%.

Man Utd vs Liverpool: Phía sau lòng hận thù ảnh 2

Thống kê số lượng và tỷ lệ CĐV Man Utd khắp thế giới.

 Bóng đá khi đã trở thành văn hóa, là một giá trị mang tính di sản, nó cần phải được nuôi dưỡng tương xứng với tầm vóc ấy. Và thực tế cho thấy, những mối quan hệ giữa Liverpool và Man Utd đang dần được cải thiện. Một trang web kêu gọi văn hóa ứng xử được CĐV Liverpool thành lập, và kết quả là đã có một sự kiện bất ngờ diễn ra trước trận Liverpool gặp Bordeaux ở Champions League năm 2006 tại Anfield. Nhóm CĐV này đã đưa ra thông điệp hòa khí với Man Utd và được các khán đài nhiệt liệt ủng hộ trước sự ngỡ ngàng của CĐV… Bordeaux.

Và câu chuyện cuối cùng khẳng định cho sự hàn gắn giữa hai CLB, đó là câu chuyện đầy cảm động về một nhà báo nổi tiếng: Tony Wilson, người làm việc cho đài truyền hình Granada và BBC. Wilson được biết đến như một CĐV điên cuồng của Man Utd, đến mức ông có biệt danh là "Mr Madchester". Năm 2007, khi Wilson phát hiện mắc bệnh ung thư, Liverpool đã đến bệnh viện, tặng ông một vé danh dự khán đài VIP tại sân Anfield, hỗ trợ một phần viện phí, cùng một bảng vị danh dự của CLB.

Sự trân trọng được thể hiện ngay trên trang web của Liverpool, dù trước đó, vào năm 1978, Wilson từng bị coi là "kẻ thù nguy hiểm" của CĐV CLB này, sau sự việc Wilson mặc áo CLB Bruges (Bỉ) lên sóng truyền hình Granada, nhằm chế giễu thất bại của Liverpool trước CLB này tại trận chung kết cúp châu Âu năm đó. Và khi Wilson qua đời, Liverpool cũng đã tổ chức tưởng niệm cùng với CĐV Man Utd.

Bóng đá là như vậy. Có thù hận, có yêu ghét, nhưng cuối cùng, tất cả vẫn phải tuân theo quy tắc cuộc chơi. Đó là sự trân trọng, bởi bóng đá cũng như cuộc sống. Nó thể hiện văn hóa của những người tham gia. Và để "derby màu đỏ" thực sự trở thành di sản, nó cần nhận được những thái độ, những cách ứng xử xứng tầm.

Theo Theo Công an nhân dân
MỚI - NÓNG