Mơ mộng còn không?

Mơ mộng còn không?
TP - Đối với phần lớn những người yêu bóng đá đẹp, yêu sự đột phá thì World Cup 2006 thực ra chỉ là một bộ phim…xoàng.
Mơ mộng còn không? ảnh 1
Dưới góc độ tổ chức, World Cup 2006 đã thực sự thành công

1. Tôi sẽ không thể quên cái đêm 17/6. Cái đêm mà Figo đau đớn gục xuống mà trên mặt còn hằn vết giày của Hossein Kaebi (Iran). Cái đêm mà trận đấu giữa Ghana - CH Czech diễn ra như một màn đấu võ.

Cái đêm mà máu loang dài trên mặt Bride (Mĩ) sau cú vung cùi chỏ cực hiểm của De Rossi (Italia). Cái đêm ấy khiến tôi tự hỏi: Chẳng lẽ ứng xử trên sân cỏ giữa con người với con người bây giờ lại phi nhân văn đến thế sao?

2. World Cup 2006 có không ít những đêm như thế. Những đêm ngột ngạt khi phải chứng kiến những pha bóng bạo lực. Những đêm mí mắt cứ cụp xuống, miệng cứ ngáp ngắn ngáp dài khi phải xem những trận đấu thiếu cái đẹp mà thừa sự toan tính.

Italia chơi phòng thủ, tất nhiên. Bồ Đào Nha đá rình rập, vì HLV của họ là Scolari. Pháp chơi cầu toàn, vì Demonech là một người cầu toàn nổi tiếng. Nhưng đến cả Brazil cũng chơi cầu toàn, một Brazil sẵn sàng lùi về phòng thủ ngay sau bàn thắng đầu tiên thì đúng là chẳng còn gì để nói.

Bóng đá bây giờ không có chỗ cho sự trình diễn? Bóng đá bây giờ ăn thua nhau ở sự toan tính, ở sự lừa lọc về đấu pháp, về thế trận được đẩy lên mức tối đa?

Trong một bối cảnh mà bóng đá đẹp bị kết tử, liệu sẽ có một thứ giá trị nào đó (tình yêu, sự đam mê của người hâm mộ chẳng hạn) cũng sẽ vì vậy mà sụp đổ chăng?

3. Đã có những lúc người ta gọi vui vẻ World Cup 2006 là “Euro 2006”. Bởi vì giải này cả 2 đại gia Nam Mỹ (Brazil, Argentina) đều “chết” đau ở tứ kết, cả 4 đội vào bán kết đều là những đại diện châu Âu.

Trong khi đó sự tham gia của các đội bóng châu Á, châu Phi và Concarcaf vẫn tiếp tục chỉ là những nhân tố giúp World Cup thêm màu sắc. Thế thì cần phải vẽ lại bản đồ bóng đá thế giới ra sao nhỉ? Với sự xuất hiện của xu hướng bạo lực, với sự lên ngôi của bóng đá thực dụng, có thể coi đây là thời của bóng đá châu Âu?

Chưa chắc! Là bởi trình độ giữa các đại gia châu Âu - Nam Mỹ – Concarcaf không có khoảng cách lớn. Mỗi một trận thắng đôi khi chỉ được quyết định bằng những quả đá luân lưu (Đức thắng Argentina), bằng sự may mắn (Argentina thắng Mexico) hoặc bằng những khoảnh khắc tỏa sáng của ngôi sao (trận Anh thắng Ecuador).

Đấy là còn chưa nói bóng đá Nam Mỹ luôn mắc phải một cái điềm là gần như không bao giờ đăng quang khi World Cup tổ chức ở châu Âu. Bốn năm sau, khi bóng lăn tại xứ Nam Phi, biết đâu mọi chuyện sẽ khác?

4. Trước giải, đã có rất nhiều cầu thủ được kỳ vọng sẽ tỏa sáng. Từ Ronaldinho, Kaka, Cristian Ronaldo đến Wayne Rooney… Song rốt cuộc người được nhắc đến nhiều nhất lại là 2 lão tướng: Zidane và Canavaro.

Người thứ nhất bỗng dưng hồi xuân sau 2 trận “tịt ngòi”, từ chỗ bị lên án chợt xuất hiện như một người hùng của đội bóng. Người thứ hai được khen từ đầu tới cuối, thậm chí còn được ví như một “tảng đá vạn năng”. 

Vô hình trung, điều này chỉ ra một thực tế: World Cup 2006 không cho thấy bất cứ một gương mặt trẻ triển vọng hoặc một phát hiện mới có sức sống nào.

Vua phá lưới Klose (Đức) không thể coi là một phát hiện, bởi vì dù có sự tiến bộ so với chính mình (đã “biết” chơi bóng bằng chân) nhưng Klose chưa đạt đến tầm của một cầu thủ lớn.

Một người Đức khác, chủ nhân của danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải, tiền đạo Podoski cũng không phải quá thật sự nổi bật như những Pele, Maradona, Platini… ngày nào.

5. Thế là đã chia tay những đêm thao thức xem trái bóng tròn lăn trên sân cỏ nước Đức! Bộ phim World Cup kéo dài một tháng có thể coi là thành công về mặt tổ chức, về việc lôi kéo khán giả bằng những “công nghệ truyền thông”. Nhưng đối với phần lớn những người yêu bóng đá đẹp, yêu sự đột phá thì đấy thực ra chỉ là một bộ phim… xoàng.

Vậy thì trách ai bây giờ? Trách ông đạo diễn? Trách những nhân vật trong phim? Hay là trách chính mình đã không thức thời khi cứ ôm ấp những giấc mơ trong một thời đại không có chỗ cho những gì thuộc về mơ mộng?                                                                                     

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.