Một trang sử mới sẽ mở ra với Tour de France...

Một trang sử mới sẽ mở ra với Tour de France...
Việc Armstrong về nhất chặng đua bấm giờ cá nhân ở vòng áp chót Tour de France đồng nghĩa với việc chức vô địch thứ 7 coi như đã thuộc về huyền thoại này.

55,5km bấm giờ cá nhân tại Saint Etienne là cơ hội cuối cùng, dù rất mong manh, để các đối thủ của Armstrong thực hiện cuộc lật đổ. Nhưng kể từ năm 1999, bấm giờ cá nhân luôn là một thế mạnh của Armstrong và với bản lĩnh của một tay đua huyền thoại, Armstrong không đời nào để xảy ra sai sót ở thời điểm quyết định.

Với vận tốc trung bình đạt 46,4km/h, Armstrong là người thực hiện phần thi trong thời gian ngắn nhất: 1h11'46''. Dù muộn, nhưng rốt cục ''Ông chủ lớn'' cũng có được chiến thắng chặng đầu tiên của cuộc đua năm nay và có thể là chiến thắng chặng cuối cùng trong sự nghiệp.

Về sau Armstrong 23 giây, Jan Ullrich không có gì để phàn nàn. Dù 23 giây là một trong những khoảng cách sít sao nhất trong lịch sử (tại 1 vòng bấm giờ cá nhân) nhưng có lẽ Ullrich cũng không trông đợi nhiều hơn. Đối thủ lớn nhất của Armstrong không giấu được sự hài lòng khi vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng tổng và giúp đội đua T-Mobile nắm chắc chức vô địch đồng đội.

Vinokourov, Basso... những thách thức lớn với Armstrong trước cuộc đua, kết thúc phần thi ở các vị trí tiếp theo. Với 2 tay đua này, Tour de France coi như cũng đã kết thúc có hậu: Basso vươn lên đứng thứ 2 chung cuộc (năm ngoái xếp thứ 3) còn Vino chia tay với T-Mobile bằng kỷ niệm 1 chức vô địch.

Người đen đủi nhất trong vòng đua tại Saint Etienne là Rasmussen của đội Rabobank. Được coi là hiện tượng của giải năm nay, Rasmussen đã duy trì sức ép đáng kể lên Armstrong trong thời gian dài và trước khi diễn ra chặng áp chót, hầu như không ai nghi ngờ sự có mặt của tay đua người Đan Mạch này trên podium vào ngày cuối tại Champs Elysees.

Tuy nhiên, Rasmussen lại có một ngày kém may mắn đến kỳ lạ. Xuất phát chưa được bao lâu, Rasmussen đã bị đo đất khi vượt qua một vòng xoay. Với khuỷu tay bị trầy nát, Rasmussen vẫn lập tức trở lại đường đua. Đến lúc đó, chiếc xe của anh lại gặp vấn đề về xích. Chưa hết, Rasmussen còn kịp thực hiện một cú ngã nữa khi gần đến vạch đích.

Chỉ về thứ 77, kém người về nhất đến gần 8 phút, Rasmussen từ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng tổng, tụt xuống tận thứ 7. Với việc chỉ còn 1 chặng đua, thật quá khó để Rasmussen có cơ hội sửa sai.

Trên lý thuyết, Armstrong còn cách chức vô địch... 144,5km của chặng cuối. Nhưng tất cả đều hiểu, huyền thoại Texas đã là người chiến thắng. Bao giờ cũng thế, chặng đua cuối về Champs Elysees chỉ có ý nghĩa danh dự với những tay đua muốn tìm kiếm 1 chút danh. Chỉ cần an toàn cán đích, Armstrong sẽ đi vào lịch sử với chức vô địch thứ 7 liên tiếp. Sau đó sẽ là lời từ biệt.

Bảng xếp hạng sau 20 vòng đua

Bảng xếp hạng tổng

Xếp hạng Tay đua Đội Thời gian
1 L.Armstrong Discovery 82h34'05''
2 Ivan Basso CSC + 4'40''
3 J.Ullrich T-Mobile + 6'21''
4 F.Mancebo BAL + 9'59''
5 L.Leipheimer GRL + 11'25''
6 A.Vinokourov T-Mobiel + 11'27''
7 M. Rasmussen Rabobank + 11'33''
8 Cadel Evans DAV + 11'55''
9 F. Landis Phonak + 12'44''
10 Oscar Pereiro Phonak + 16'04''
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.