Muộn còn hơn không

Muộn còn hơn không
TP - Chỉ sau 5 vòng đấu của V-League 2010, M.Nam Định lộ diện như là ứng viên sáng giá nhất cho một vé xuống hạng Nhất mùa bóng năm sau, và không có gì khó hiểu khi ngay vào lúc này, phía Nam Định đã rục rịch chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp.
Muộn còn hơn không ảnh 1
Nam Định chuẩn bị cho cuộc chuyển giao muộn màng

Sau khi SLNA được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Bắc Á và trở thành Cty CP thể thao có con dấu và tài khoản riêng, M.NĐ là CLB hiếm hoi ở V-League 2010 còn hoạt động theo mô hình cũ.

Mặc dù năm nào M.NĐ cũng tìm được nhà tài trợ để gắn tên, nhưng chưa có nhà tài trợ nào gắn bó với CLB nhiều hơn 2 mùa bóng, và cũng chỉ là tài trợ chứ không nhận hẳn CLB.

Vì thế, tiếng là đội bóng chuyên nghiệp nhưng M.NĐ vẫn hoạt động không khác gì thời chưa lên chuyên. Sự lỗi thời của M.NĐ trong dòng chảy bóng đá Việt Nam đã được đề cập tới từ nhiều mùa bóng gần đây và nó được cho là nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của đội bóng thành Nam ở V-League, cho dù xét về truyền thống cũng như năng lực thì bóng đá Nam Định không hề thua chị kém em.

Vấn đề này càng trở nên bức thiết sau khi VFF đưa ra thời hạn cụ thể cho các đội bóng tham dự V-League hoàn thành quá trình chuyên nghiệp hóa, để trở thành doanh nghiệp thực thụ theo đúng như khuyến cáo của AFC.

Ngay từ đầu, lãnh đạo bóng đá Nam Định cũng như nhà tài trợ đều đạt được sự nhất trí về việc chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp, nhưng sau thành tích bết bát của M.NĐ ở mùa bóng năm nay (thua tới 4 trên tổng số 5 trận đã đấu, chỉ hòa 1 trận và hiện đang đứng vị trí đội sổ), nhiệm vụ này đã trở nên khẩn thiết.

Đầu tuần qua, nhà tài trợ đã có cuộc làm việc cùng đại diện UBND và Sở VH-TT-DL Nam Định để xúc tiến việc chuyển giao. Cả 2 bên đều muốn nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đề này, và bản thân M.NĐ cũng chứng tỏ sự sốt sắng của mình khi thuê một Cty của Bộ Tài chính làm nhiệm vụ tư vấn và định giá CLB để thuận tiện cho việc chuyển giao.

Về phía mình, nhà tài trợ cũng nóng lòng không kém, bởi dù cũng sở hữu chức danh đồng chủ tịch CLB, nhưng nhà tài trợ gần như chưa can thiệp vào bất cứ công việc chuyên môn nào ở M.NĐ, và chắc hẳn họ cũng vô cùng sốt ruột khi chứng kiến thành tích nghèo nàn hiện nay của đội bóng thành Nam.

Tất nhiên, việc chuyển giao đội bóng không phải là liều thần dược để giúp M.NĐ cải thiện phong độ cũng như thành tích ở V-League, nhưng rõ ràng là nếu doanh nghiệp được nắm toàn quyền sở hữu đội bóng, chắc chắn vì “của đau con xót” nên họ sẽ tìm bằng được những giải pháp thiết thực và cấp thời để cứu vãn tình thế.

SHB.ĐN là một dẫn chứng tiêu biểu. Đội bóng sông Hàn có đầy đủ mọi yếu tố để đoạt chức vô địch V-League, nhưng họ không sao làm được điều đó khi hoạt động với mô hình cũ, song chỉ 2 năm sau khi chuyển giao, SHB.ĐN đã xưng hùng xưng bá ở V-League và mùa giải 2009, họ đã thâu tóm cả danh hiệu quán quân V-League cũng như Cúp QG.

Tấm gương của SHB.ĐN chắc chắn sẽ là liều thuốc kích thích để nhà tài trợ hiện tại của M.NĐ hướng tới và quyết tâm làm được một điều gì đó, có thể chưa phải là danh hiệu quán quân, nhưng chí ít cũng phải là trụ hạng để còn làm cơ sở phấn đấu cho những mùa giải kế tiếp.

Thực tế qua những trận đấu vừa rồi của M.NĐ đã cho thấy, đội bóng thành Nam hứa hẹn rất có tiềm năng, chỉ cần được tăng cường ngoại binh chất lượng cùng chế độ đãi ngộ thật tốt thì hẳn là M.NĐ sẽ không khó khăn lắm với mục tiêu trụ hạng. Vì thế, việc chuyển giao M.NĐ bây giờ dù không còn sớm, nhưng cũng vẫn rất có ý nghĩa với CLB.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.