Ngân quỹ các CLB dự V-League 2010: Cuộc đua tiền tỉ

Ngân quỹ các CLB dự V-League 2010: Cuộc đua tiền tỉ
Và mục tiêu chính của cuộc đua này là để các CLB tránh rớt hạng hoặc tranh chấp ngôi vô địch.

Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp vừa được LĐBĐ VN (VFF) bổ sung năm 2010, các CLB dự V-League phải đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động tối thiểu là 15 tỉ đồng/mùa giải... Nếu không đáp ứng được mức này, CLB sẽ phải chuyển xuống thi đấu ở hạng dưới.

Dù tăng 7 tỉ đồng/mùa giải so với quy định cũ nhưng có thể thấy ràng buộc về tài chính này đã nhanh chóng trở nên lạc hậu so với ngân quỹ mà các CLB dành cho V-League hiện nay.

Không có chỗ cho “con nhà nghèo”

V-League 2009, các đội bóng “con nhà nghèo” như Quân Khu 4, SLNA, Thanh Hóa vẫn có thể cầm cự với khoản kinh phí 15 tỉ đồng. Nhưng hiện con số ấy chỉ đủ “chi tiêu” ở Giải hạng nhất (được yêu cầu tối thiểu 10 tỉ đồng/mùa giải theo quy chế mới).

Chuyện kiếm tiền của Real Madrid

Real Madrid là CLB nổi tiếng thế giới với những cầu thủ ngôi sao nổi tiếng. Do đó, ngân sách dành cho Real Madrid cũng rất lớn. Chẳng hạn ở mùa 2009, Real Madrid công bố ngân quỹ dành cho đội bóng với số tiền kỷ lục 415 triệu euro, trong đó 250 triệu euro dành để mua sắm cầu thủ. Ước tính quỹ lương - thưởng cho các cầu thủ và ban huấn luyện của Real Madrid chiếm 46% ngân quỹ của mùa bóng.

Tuy nhiên, số tiền này hoàn toàn do Real Madrid có từ việc lấy “bóng đá nuôi bóng đá”. Theo đó, họ thu 120 triệu euro từ tiền bán bản quyền truyền hình các trận đấu mùa 2009-2010 cho Tập đoàn Mediapro, 140 triệu euro tổng thu nhập từ tiền bán vé cả mùa; hơn 150 triệu euro từ các hoạt động quảng cáo, kinh doanh và từ các trận giao hữu.

Nhưng ở V-League 2010, các CLB phải tiêu tốn không dưới vài chục tỉ đồng để trang trải các khoản chi phí như phí chuyển nhượng ngày càng tăng cao cùng với việc “nở nồi” quỹ lương, thưởng sau mỗi mùa bóng. Đó là chưa kể đội bóng vô địch V-League hay đoạt Cúp quốc gia còn phải tốn thêm khoản kinh phí không nhỏ cho việc tham dự đấu trường châu Á.

Cụ thể, bầu Hiển từng bỏ ra hơn 70 tỉ đồng cho hai CLB T&T Hà Nội và SHB Đà Nẵng ở mùa 2009. Con số đó sẽ trở nên lạc hậu ở mùa giải năm nay khi SHB Đà Nẵng phải tham dự cùng lúc bốn giải đấu, trong đó có vòng play-off AFC Champions League. Còn T&T Hà Nội phải đạt thành tích cao tại V-League 2010 để chào đón kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Mùa trước khi còn thi đấu ở Giải hạng nhất, bầu Trường đã đầu tư 42 tỉ đồng cho chiến dịch thăng hạng của Vissai Ninh Bình. Mùa này, chỉ tính riêng việc có chữ ký của cặp tuyển thủ quốc gia Như Thành - Việt Thắng, Vissai Ninh Bình phải chi hơn 10 tỉ đồng.

Hay như Becamex Bình Dương, ngoài khoản đầu tư của Becamex, mới đây họ vẫn cần thêm sự “trợ giúp” 15 tỉ đồng ở mùa bóng 2010 từ Ngân hàng Hàng hải để có thể thực hiện tham vọng trở lại ngôi vô địch và tiếp tục thi đấu thành công ở AFC Cup 2010. Còn theo giám đốc Phạm Phú Hòa (CLB Đồng Tâm Long An), từ 32 tỉ năm 2009, năm nay mức chi của CLB là gần 40 tỉ đồng...

Hiệu quả kinh tế

Không như bóng đá thế giới, bóng đá VN dù mang tiếng chuyên nghiệp vẫn chưa thể tự mình lấy “bóng đá nuôi bóng đá”. Dù biết sẽ không thu được lợi nhuận nhưng vì sao các ông bầu hay doanh nghiệp vẫn đổ tiền vào bóng đá?

Đầu tiên, tiền bỏ ra cho bóng đá vẫn mang hiệu quả đặc biệt là chuyện “làm thương hiệu”. Cụ thể, với sự có mặt của cả chục tờ báo chuyên về thể thao (lẫn báo có trang thể thao), tên tuổi của các doanh nghiệp gắn với bóng đá gần như được nhắc đi nhắc lại hằng ngày. Nếu tính theo chi phí quảng cáo (trên báo), để được nhắc tới nhiều như vậy, các doanh nghiệp có khi phải chi nhiều hơn số tiền họ đầu tư vào đội bóng.

Theo một chuyên gia thương hiệu, với mức tăng trưởng 100%, bình thường HAGL sẽ phải dùng 10% (gần 100 tỉ đồng/năm) để quảng cáo cho thương hiệu của mình. Trong khi đó, họ chỉ cần đầu tư cho đội bóng khoảng 40-50 tỉ đồng/năm là đủ.

Nói cách khác, đầu tư bóng đá giúp họ “lãi” khoảng 50 tỉ đồng/năm thay vì phải bỏ ra 100 tỉ đồng để làm quảng cáo. Đó là chưa kể cổ phiếu, thị trường bất động sản của Tập đoàn HAGL cũng được biết đến nhiều hơn...

Và điều này cho thấy việc tài trợ 15 tỉ đồng chỉ để được gắn cái tên nhỏ xíu lên áo thi đấu mùa 2010 của Ngân hàng Hàng hải cho CLB B.Bình Dương là có lý do. Chẳng hạn, khi các cầu thủ B.Bình Dương ra sân, chiếc áo thi đấu có tên Ngân hàng Hàng hải sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Và theo vị chuyên gia thương hiệu nói trên, Ngân hàng Hàng hải đã có “lời” với phi vụ tài trợ này.

Theo Nguyên Khôi
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.