Ngân Thương: “Em không muốn nói gì cả”

Ngân Thương: “Em không muốn nói gì cả”
TP - Rất nhiều phóng viên chờ đón tại sân bay Nội Bài vào chiều 15/8 đã không thể “cậy” được một lời từ Đỗ Thị Ngân Thương. Sự cố có phản ứng dương tính với chất bị cấm tại Olympic Bắc Kinh đã khiến Ngân Thương lựa chọn giải pháp im lặng.

>> Ngân Thương dính doping vì sử dụng thuốc lợi tiểu

Gặng hỏi mãi cuối cùng Ngân Thương mới nói vài câu rằng cô không hề biết loại thuốc mà mình đã mua và sử dụng trước khi lên đường sang Bắc Kinh lại mang đến hậu quả ghê gớm như vậy. Theo Ngân Thương, việc sử dụng loại thuốc này hoàn toàn không được thông báo cho HLV Đỗ Thuỳ Giang.

Còn theo HLV Thuỳ Giang, chỉ tới khi thông tin về vụ việc này xuất hiện thì BHL mới hỏi Ngân Thương và Ngân Thương giải thích rằng sử dụng loại thuốc nói trên nhằm mục đích giảm cân.

HLV Thuỳ Giang giải thích: “Theo suy nghĩ của tôi, có thể Ngân Thương muốn làm một điều gì đó đặc biệt tại Olympic Bắc Kinh nên Ngân Thương đã vô tình dùng nhầm vào loại thuốc có chứa chất bị cấm. Đây là điều quả thực vô cùng đáng tiếc, nó bất ngờ với cả chính Ngân Thương và nguyên nhân là do sự hiểu biết chưa đầy đủ của VĐV”.

HLV Thuỳ Giang thừa nhận rằng toàn bộ danh mục chất bị cấm đã được lãnh đạo bộ môn chuyển xuống đội tuyển nhưng do danh mục thuốc quá dài và bản thân môn TDDC lại có đặc thù là không thể sử dụng chất kích thích để đạt thành tích cao nên BHL đã chủ quan.

Sau khi trở về từ Bắc Kinh, Ngân Thương sẽ phải tạm ngừng thi đấu quốc tế để chờ kết luận của Hiệp hội chống doping thế giới nhưng Ngân Thương có thể tiếp tục tập luyện như bình thường ở Việt Nam.

HLV Thuỳ Giang nói: “Lúc này Ngân Thương rất buồn nhưng tôi có nói với Ngân Thương rằng cái gì qua thì hãy để nó trôi qua. Điều quan trọng là Ngân Thương cần phải tiếp tục phấn đấu, vì sự nghiệp của mình và cả vì chính cuộc đời mình”.

IOC: Ngân Thương không cố ý dùng chất kích thích

Trưa 15/8, các hãng thông tấn quốc tế đã loan báo một thông tin chấn động khi cho biết có 3 VĐV có phản ứng dương tính với chất bị cấm tại Olympic Bắc Kinh, trong đó có VĐV thể dục dụng cụ Việt Nam Đỗ Thị Ngân Thương.

Cùng ngày, Chủ tịch Tiểu ban Y tế của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Arne Ljungqvist đã bày tỏ sự thông cảm đối với Ngân Thương.

Theo Tân Hoa Xã, Ngân Thương bị phát hiện có phản ứng dương tính với furosemide, một dược chất có sẵn trong các loại thuốc mà phụ nữ thường sử dụng trong thời kỳ tiền kinh nguyệt.

Còn nhớ, cách đây 4 tháng, cũng vì liên quan tới chất furosemide như Ngân Thương, một nữ VĐV quyền Anh Việt Nam là Đinh Thị Phương Thanh đã bị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á tước HCĐ quyền Anh SEA Games 24 hạng cân 54kg và cấm thi đấu 2 năm.

Trả lời phỏng vấn Tiền phong khi đó, Giám đốc bệnh viện thể thao Việt Nam Lê Quý Phượng cho biết: “Thuốc mà Thanh dùng là Furosemide. Đây là loại thuốc giúp giảm cân cực nhanh và bị cấm sử dụng ở những môn đối kháng.

Trước khi đưa VĐV đi thi đấu, chúng tôi đã phổ biến toàn bộ danh mục thuốc bị cấm tới từng người nhưng cuối cùng vẫn có VĐV chủ quan. Có thể một phần nguyên nhân là việc thuốc Furosemide rất dễ kiếm lại rẻ, mua ở bất cứ hiệu thuốc nào cũng được nhưng cơ bản vẫn phải là ý thức của VĐV”.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh, ông Hoàng Vĩnh Giang, cho rằng sự cố mà Ngân Thương gặp phải chỉ là một tai nạn. Theo ông Giang, sở dĩ Ngân Thương có phản ứng dương tính với chất Furosemide là do tự ý sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm cân mà không báo cáo với HLV.

Thông tin này cũng trùng khớp với kết luận của BTC Olympic Bắc Kinh trong buổi làm việc với lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam, vì như tiết lộ của ông Giang, BTC cũng nói rằng Ngân Thương dính doping do dùng thuốc lợi tiểu.

Trong số 3 VĐV có phản ứng dương tính với chất bị cấm tại Olympic Bắc Kinh cho tới thời điểm này, có vẻ như Ngân Thương là người nhận được sự thông cảm lớn nhất của BTC Olympic Bắc Kinh.

Chủ tịch Tiểu ban Y tế của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Arne Ljungqvist nhận xét rằng trường hợp của Ngân Thương là do thiếu thông tin, không có đủ kiến thức cần thiết để biết được loại thuốc nào không được phép sử dụng.

“Theo tôi được hiểu, đây có thể là kết quả của việc vận động viên này không nắm rõ được thông tin, cô ấy không biết điều gì cần tránh và loại thuốc nào mà cô ấy không nên uống” - ông Ljungqvist nói.

Hai ca doping còn lại đều nghiêm trọng hơn trường hợp của Ngân Thương rất nhiều, bởi các VĐV đều sử dụng các dược chất có hiệu quả trực tiếp đối với quá trình thi đấu.

Cụ thể, xạ thủ Kim Jong-su của CHDCND Triều Tiên bị phát hiện có phản ứng dương tính với chất propanolol, một loại dược chất có tác dụng ngăn ngừa cảm giác run rẩy, chỉ bị cấm sử dụng trong một số môn thể thao riêng biệt như bắn cung hay bắn súng. Chính bởi thế, ông Ljungqvist đã nói rằng ca dính doping của Kim Jong-su là có tính chất cố ý.

Trong khi đó, nữ cua rơ người Tây Ban Nha Maria Isabel Moreno, ca doping đầu tiên của Olympic Bắc Kinh, lại bị phát hiện sử dụng EPO, một loại hormone giúp người dùng phát triển cơ bắp nên rất hay được các cuarơ dùng lén.

Biện pháp xử lý tức thời của IOC sau khi phát hiện 3 trường hợp có phản ứng dương tính với chất bị cấm là tước bỏ huy chương (với Kim Jong-su, HCĐ súng ngắn 10m và HCB súng ngắn 50m) và loại khỏi Olympic (với Ngân Thương, Moreno).

Tuy nhiên, trên thực tế, do chỉ xếp hạng 59 ở bài thi toàn năng diễn ra vào ngày 10/8, nên Ngân Thương cũng đã nói lời chia tay với Olympic Bắc Kinh và cô đã lên đường trở về Hà Nội vào hôm qua.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, sau trường hợp Phương Thanh bị phát hiện sử dụng chất Furosemide cách đây 4 tháng, chính ông Hoàng Vĩnh Giang từng nói với Tiền phong rằng: “Sau trường hợp này phải rút kinh nghiệm nghiêm túc với các VĐV trẻ, muốn giảm cân thì ăn ít đi và tăng lượng vận động lên chứ tuyệt đối không được dùng thuốc”, nhưng có vẻ như bài học này vẫn chưa được cả các VĐV lẫn những nhà quản lý thể thao Việt Nam ghi nhớ đúng cách.

MỚI - NÓNG