Ngân Thương qua những lá thư gửi mẹ

Ngân Thương qua những lá thư gửi mẹ
TP - Đằng sau tấm HCV TDDC toàn năng của Ngân Thương ở SEA Games 23 là gần 3.000 ngày tập luyện ở Trung Quốc với hàng trăm lần trẹo chân, nhức tay, từ khi Thương chưa đầy 7 tuổi.
Ngân Thương qua những lá thư gửi mẹ ảnh 1
Ngân Thương

Gần 3.000 ngày tập luyện ấy, Thương chỉ biết đến truyện tranh và những lá thư để lấp đi nỗi nhớ gia đình…

Cho đến bây giờ, chị Thành – mẹ của Ngân Thương – vẫn giữ được những lá thư đầu tiên của cô con gái từ những ngày đầu sang Quảng Tây (Trung Quốc). Bức thư viết bằng mực tím với nét chữ cồ cộ rất ngây thơ:

Trung quốc ngày 12/8/1996

Mẹ kính yêu của con

Mẹ ơi con rất nhớ mẹ ạ con muốn về Việt Nam nếu khi con về Việt Nam con sẽ bỏ tập thể thao. Mẹ cho con bỏ tập thể thao mẹ nhé. Và con nhớ bà và bố và cả chị Huế nữa. Mẹ ơi con rất muốn mẹ đến thăm con như mẹ chị Yến kẹo mẹ ạ. Khi nào mẹ giỗi mẹ đến thăm con mẹ nhé.

Con không muốn mẹ già mẹ nhớ bảo chú gì chữa cho mẹ và bà bệnh già mẹ nhé. Con rất nhớ mẹ và bà và bố và chị Huế, cả làng xóm. Mẹ ạ con xin gửi lời chúc cả nhà mạnh khỏe.

Con xin rừng bút ở đây

Ký tên Ngân Thương xa nhà!”

Ngày ấy, khi Ngân Thương và các bạn sang tập ở Quảng Tây, đứa nhỏ nhất mới hơn 5 tuổi. Để dỗ dành lũ trẻ, HLV Đỗ Thùy Giang, khi đó mới qua tuổi 18 gần như ngày nào cũng phải hứa hẹn bố mẹ sẽ đến thăm nếu lũ trẻ tập ngoan.

Cứ vài ngày, Thương lại viết một lá thư, cất dưới gối. Những lá thư viết vội, có cả những mảnh giấy nguệch ngoạc cô bé viết ra trong những đêm nhớ nhà, nhớ vòng tay của mẹ da diết,  để chờ có ai về nước thì gửi cầm hộ.

Con hỏi mẹ, xao chị Huế lại bị cận hả mẹ?… Mẹ ở nhà có khỏe không? Và tháng Chín mẹ đến thăm con mẹ nhé. Con ở đây buồn lắm…. Con xin giừng bút ở đây hẹn gặp lại gia đình thư sau”.

Cứ như thế, Ngân Thương trải qua chuỗi ngày dài đằng đẵng, chỉ có tập và tập. Có những ngày mùng Một Tết được nghỉ tập, nhưng Thương cũng không thiết tha gì đến món bánh chưng vì chân tay không ngừng ê ẩm, không nuốt nổi thứ gì. Viết thư là niềm vui duy nhất của Thương, để như thấy cả gia đình mình đang ở cạnh bên.

Những bức thư xếp chồng lên nhau cứ dày lên dần theo ngày tháng, cô bé Ngân Thương cũng lớn dần dù bề ngoài vẫn chỉ như cái kẹo. Không còn xin bỏ tập thể thao như ngày đầu, cô bé đã biết động viên gia đình yên tâm về tình hình tập luyện.

Nam Ninh ngày 8/11/2003

Bố mẹ kính yêu của con!

…Bố mẹ dạo này có khỏe không? Con chỉ hỏi vậy thôi chứ lúc nào con cũng muốn gia đình mình mạnh khỏe… Con ở bên này tập đều tất cả, nhất là môn cầu con cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, bố mẹ không phải lo cho con đâu ạ”.

SEA Games 22 năm ấy, Ngân Thương mang về tặng bố mẹ và chị gái 2 tấm HCV đồng đội và nhảy xà, món quà hạnh phúc nhất sau những ngày xa cách.

Càng nhớ bố mẹ, cô bé càng tập miệt mài hơn. Thậm chí khi quá tuổi thi đấu ở Giải trẻ châu á mở rộng năm 2005, cô bé còn tiếc hùi hụi trong bức thư gửi mẹ vì mất đi một cơ hội học hỏi.

Xa con, bố mẹ Ngân Thương, hai công nhân lắp máy đã nghỉ hưu ở Quần Ngựa (Hà Nội), cũng cảm thấy ấm lòng khi đứa con gái dù xa nhà thế nào cũng vẫn quan tâm chi li đến từng cái ăn, cái mặc của mẹ, của bố, của bà.

Bây giờ trời đã bắt đầu trở lạnh, bố mẹ nhớ mặc ấm vào nhé không lại cảm lạnh đấy. Con ở bên này cũng bắt đầu trở lạnh rồi”.

Hôm trở về từ Philippines, dù đã có phòng riêng song Ngân Thương vẫn dứt khoát ôm gối sang ngủ cùng mẹ. Cô bé thủ thỉ: “Bây giờ con ở cạnh mẹ, không phải viết thư nữa. Bao giờ đi tập tiếp con sẽ lại viết thư, vì mẹ không biết chat mẹ nhỉ?”.

MỚI - NÓNG