Ngôi sao mai

Ngôi sao mai
TP - Sân chơi bóng đá trẻ này đã bước sang tuổi 11. Năm nay, ngoài VCK quy tụ 8 đội bóng xuất sắc nhất của lứa U21 trong nước, các nhà tổ chức còn mở rộng giải vươn lên tầm quốc tế với giải U21 quốc tế diễn ra ngay sau VCK U21 báo Thanh niên 2007…
Ngôi sao mai ảnh 1
Tấn Tài (áo đỏ) đã đứng vững sau thành công ở U21

Ở một khía cạnh khác, giải U21 quốc tế 2007 chỉ là một cú nhấn tô điểm cho sự hoành tráng, quy củ của giải U21 báo Thanh niên. Song, tính lửa và những phẩm chất quan trọng nhất của những cầu thủ trẻ thì đã được thể hiện ngay ở VCK thuộc khuôn khổ giải quốc nội.

Thực tế thì giải U21 báo Thanh niên đã là bệ phóng cho rất nhiều tài năng bóng đá Việt Nam. Mạnh Dũng, Việt Hoàng, Phương Nam (Thể Công), Giang Thành Thông (Đà Nẵng), Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn (SLNA), Long Giang, Phúc Hiệp (Tiền Giang)… đã trưởng thành, cứng cáp hơn nhiều sau mỗi lần đá giải U21. Vì vậy, nói giải U21 báo Thanh niên là bệ phóng cho đội Olympic Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, không phải lúc nào giải U21 cũng mang lại cho bóng đá Việt Nam những ngôi sao thực thụ. Không ít cầu thủ đã tỏa sáng, trở thành nhân vật chủ chốt tạo ra sức hấp dẫn cho giải U21 nhưng rốt cục, họ mãi mãi không bao giờ là cầu thủ lớn của bóng đá Việt Nam.

Lê Kim Phụng (TPHCM), cầu thủ đầu tiên giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U21 báo Thanh Niên”, tưởng như sẽ phát sáng rực rỡ khi qua mặt nhiều gương mặt được kỳ vọng như Mạnh Dũng, Việt Hoàng, Phương Nam, nhưng rốt cục Lê Kim Phụng vẫn chỉ là “ngôi sao mai”.

Sau Lê Kim Phụng, có không ít những cầu thủ chơi thành công ở giải U21 nhưng không chịu… sáng tiếp như Phan Thanh Hoàn (SLNA), Lê Thanh Xuân (GĐT.LA).

Gây thất vọng nhất chính là “tài năng” hứa hẹn của bóng đá xứ Nghệ Phan Thanh Hoàn. Cầu thủ từng nhận được sự kỳ vọng hơn cả Văn Quyến, Công Vinh…, nhưng Thanh Hoàn dường như mãi mãi không chịu… “lớn”. Bởi vậy cũng chẳng ngạc nhiên khi tài năng một thời của bóng đá xứ Nghệ giờ phải phiêu dạt đến tận đội hạng Nhất Đồng Nai để nương tựa.

Mấu chốt của những “ngôi sao mai” này chính là phương án “tiền U21”. Bản thân giải U21 dù ở góc độ tổ chức, đây là giải đấu hoành tráng nhất của bóng đá trẻ Việt Nam, nhưng các “sao” ở đây có phát triển nữa hay không thì còn phải đợi… kiểm chứng.

Các chuyên gia bóng đá cũng khẳng định rằng, lứa tuổi quan trọng nhất để quyết định sự thành - bại trong sự nghiệp cầu thủ chính là ở độ tuổi 17-18. Khi ấy, những kỹ năng chơi bóng, tâm lý gần như được định hình nên rất cần sân chơi để cọ xát.

Chẳng thế mà, VFF dù khó khăn nhưng vẫn “sống chết” tổ chức giải U19 cho các đội V-League và hạng Nhất đua tài. Bản thân nhiều “ngôi sao sáng” của bóng đá Việt Nam như Công Vinh, Văn Quyến, Thanh Bình… chưa cần đá tại giải U21 cũng đã chói sáng.

Nói tóm lại, lửa U21 chỉ giúp cầu thủ kiểm nghiệm lại rằng, họ là “ngôi sao mai”, còn ngôi sao ấy có sáng rực hay không còn phụ thuộc vào chính bản lĩnh và khả năng thích ứng của từng cầu thủ ở những môi trường khắc nghiệt hơn như V-League, giải hạng Nhất quốc gia. 

MỚI - NÓNG