Người đại diện bóng đá Việt Nam bên cạnh FIFA

Người đại diện bóng đá Việt Nam bên cạnh FIFA
TPCN - Hội nghị Doanh nhân Việt kiều tổ chức mới đây tại khách sạn Furama Đà Nẵng, có mấy vị đi ngang dúi vào tay ông tờ báo, chỉ vào tấm hình đăng lớn ở trang nhất, cười vui vẻ.

Ông cũng vui vẻ bật cười : “Mấy ảnh tưởng tôi là ông Phúc (ông Nguyễn Xuân Phúc – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – NV). Tôi và anh Phúc chỉ giống nhau ở cái họ và cái... đầu hói”. Ông là Nguyễn Văn Lam – một doanh nhân Việt kiều tại Zurich (Thuỵ Sĩ) và đại diện của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) bên cạnh FIFA.

Câu chuyện giữa ông và tôi lại tiếp nối ở chỗ ông giúp VFF “gỡ” vụ kiện của HLV Letard hồi đầu năm ngoái. Theo tôi được biết, ông vốn là chỗ thân quen với Chủ tịch FIFA S. Blatter và trong vụ Letard, ông đã gặp trực tiếp vị chủ tịch đầy quyền lực của làng bóng đá thế giới cùng các quan chức cao cấp của Toà án Thể thao quốc tế (CAS - đóng tại Zurich), nhưng tất cả đều đã muộn.

Giờ khơi lại chuyện ấy, ông chỉ cười điềm đạm: “Đúng là nếu tôi biết thông tin sớm hơn thì có lẽ không sao. Nhưng thôi, ta cũng nên quên đi chuyện này, vì tôi nghĩ mấy ảnh ở VFF cũng chẳng bao giờ muốn để xảy như vậy”. Có hai điều ông thực sự tự hào vì đã góp công cho bóng đá Việt Nam.

Thứ nhất, đó là vào năm 1995, ông đã tài trợ cho đội tuyển quốc gia (dưới quyền HLV Weigang) sang tập huấn tại Thuỵ Sĩ và Đức suốt gần 3 tháng. “Đây là chuyến tập huấn tại châu Âu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam kể từ sau ngày đất nước thống nhất, và cũng là lần đầu tiên các cầu thủ được đến thăm FIFA House”, ông Lam nhớ lại.

Kết quả là chiếc Huy chương Bạc quý hơn vàng tại SEA Games 18 – thành tích lớn nhất của bóng đá nước nhà kể từ sau năm 1975 với một “thế hệ vàng” Văn Cường, Mạnh Cường, Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Quốc Cường, Hoàng Bửu... Một điều nữa, đó là toà trụ sở trị giá nửa triệu đôla của VFF ngày nay là do ông đứng ra “kêu gọi” FIFA tài trợ.

“Người ta đã chuyên nghiệp trước mình cả trăm năm rồi, mình làm sao bắt chước rập khuôn được - ông bộc bạch – theo  tôi, cái quan trọng nhất hiện nay với bóng đá Việt Nam, đó là đào tạo cho lứa TRẻ. Điều này thì tưởng như ai cũng biết, nhưng không phải vậy.

Tôi cho rằng muốn làm được, trước hết phải đào tạo huấn luyện viên có đẳng cấp quốc tế mà hiện giờ ở ta chưa có, trên cơ sở xác quyết cho mình một triết lý bóng đá, một phong cách, tiêu chí phù hợp tối ưu.

Ta sẽ thuê thầy giỏi từ nước ngoài phù hợp với triết lý bóng đá đã chọn về đào tạo cho HLV và cả các cầu thủ đứng tuổi có phẩm chất chuyên môn và khả năng huấn luyện của các CLB trong cả nước. Các CLB có bản sắc phù hợp sẽ làm nên một đội tuyển quốc gia mạnh.

Chứ hiện nay các HLV của ta cũng đã cắp sách vở ra nước ngoài học, nhưng lại phụ thuộc vào chương trình, mục tiêu của người ta, đủ thứ phong cách nên không ăn được”.

“Vậy theo ông, bóng đá Việt Nam nên theo phong cách nào?”, tôi hỏi. “Phong cách Hà Lan, cụ thể là nên thuê những thầy từng dạy CLB Ajax Amsterdam. Hiện các nước châu á như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc đang đi theo hướng này”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.