Nguyễn Hữu Thắng - Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 1)

Nguyễn Hữu Thắng: Từ cầu thủ “chém đinh chặt sắt”

Nguyễn Hữu Thắng: Từ cầu thủ “chém đinh chặt sắt”
TP - Ngày 13/1, Nguyễn Hữu Thắng đã bị bắt tạm giam 4 tháng. Lâu nay những người thân cận với Thắng luôn ca ngợi đức tính “điềm đạm” “kín đáo” của cựu tuyển thủ QG, HLV này.
Nguyễn Hữu Thắng: Từ cầu thủ “chém đinh chặt sắt” ảnh 1
Nguyễn Hữu Thắng

Nhưng cũng không ít người cho rằng anh ta là một nhân vật nguy hiểm. Điều tra của Tiền Phong về Nguyễn Hữu Thắng tại CLB P.SLNA.

Một học sinh cá biệt

Hữu Thắng sinh ở TP Vinh nhưng nguyên quán ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Gia đình Nguyễn Hữu Thắng rời quê hương sang đất Nghệ An định cư tại TP.Vinh. Bố mẹ làm ở Công ty in Nghệ An (mẹ Thắng đã mất vì bệnh nặng).

Trong những năm còn là cầu thủ đội bóng SLNA, nhiều lúc Nguyễn Hữu Thắng khai năm sinh không rõ ràng: có tài liệu nói Thắng sinh tháng 12/1971; lại có văn bản ghi anh ta sinh tháng 7/1972.

Năng khiếu thể thao thiên bẩm cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ sớm đưa Hữu Thắng xích lại gần với sân cỏ, làm bạn cùng trái bóng tròn. Những năm học cấp III (cuối thập kỷ 80), Hữu Thắng tham gia lớp năng khiếu bóng đá của SLNA.

Cũng như nhiều cầu thủ trẻ trong lò bóng đá SLNA bây giờ, Hữu Thắng vừa tiếp tục đi học văn hóa, vừa tập luyện thể thao. Ước mơ lớn nhất của chàng thanh niên lúc đó là được đứng vào đội ngũ SLNA.

Thập niên 80, SLNA chưa có tiếng tăm gì chỉ là đội thuộc hàng “chiếu dưới” trong làng bóng đá Việt Nam. Đến năm 1989, SLNA bỗng trỗi dậy, đoạt chức vô địch bảng B hạng A1 toàn quốc, được đặc cách lên hạng đội mạnh, mang quân đi thi đấu giải giao hữu bóng đá 3 nước Đông Dương và chiến thắng giòn giã.

Với Hữu Thắng, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn (bố mẹ là viên chức, lương ba cọc ba đồng lại phải nuôi 5 con, trong đó có Hữu Thắng), chàng cầu thủ trẻ càng phấn đấu vươn lên, dày công khổ luyện trong nghề nghiệp. Đã đam mê bóng đá thì hạn chế thời gian dành cho học hành.

Những người bạn học với Hữu Thắng  ở trường THPT Hà Huy Tập (phường Lê Lợi – TP.Vinh) ngày đó kể lại: Anh ta chỉ giỏi mỗi đá bóng, còn các môn học thì… hơi bị kém! Mỗi lần kiểm tra học kỳ, Thắng đều phải quay cóp bài vở của bạn bè trong lớp.

Chính vì điều đó, ngoài sự nổi tiếng trong trường vì đá bóng giỏi, người ta còn biết đến Thắng là một học sinh cá biệt. Có lần bị cô giáo bắt đứng dậy cảnh cáo vì vi phạm nội qui của lớp, cậu học sinh “hiền lành” ít nói ấy đột nhiên lạnh lùng buông một câu rất… bậy, rồi lẳng lặng ôm cặp chuồn ra khỏi lớp. Tuy nhiên về túc cầu thì Hữu Thắng thật sự đam mê và có năng khiếu bẩm sinh.

Cầu thủ chuyên “đá rắn”

Từ một VĐV năng khiếu, vào đội trẻ, Nguyễn Hữu Thắng được đôn lên đội 1 SLNA (khoảng năm 1992). Cùng lứa với Hữu Thắng có Phan Thanh Tuấn, Ngô Quang Trường, Nguyễn Văn Tiến, Văn Sỹ Thủy…

Tuy nhiên, tại thời điểm này Nguyễn Hữu Thắng chưa được “xuất trận”, chưa ra sân thi đấu chính thức, vì vị trí trung vệ sở trường của Hữu Thắng đang có người đàn anh Quang Hải án ngữ.

Năm 1993, Nguyễn Hữu Thắng được HLV trưởng SLNA bố trí vào đội hình chính thức, vị trí trung vệ dập. Trong những trận đấu đầu tiên khoác áo đội SLNA, Nguyễn Hữu Thắng thi đấu “bốc lửa”, sôi nổi thể hiện hết mình. Và từ đấy, cầu thủ mang áo số 4 Nguyễn Hữu Thắng bắt đầu được BHL tin tưởng, người hâm mộ xứ Nghệ để ý.

Cùng năm đó, lần đầu tiên SLNA đoạt Huy chương đồng giải vô địch quốc gia. Ngoài những VĐV tên tuổi thuộc lớp đàn anh, Nguyễn Hữu Thắng cũng được người hâm mộ nhiều lần nhắc đến như một nhân tố mới vừa phát hiện.

Cao 1m74, nhưng không “đô con” như bây giờ, ngày đó, Hữu Thắng để tóc dài. Mái tóc lùm xùm đen bóng nổi bật trên màu áo trắng. Hữu Thắng là một trung vệ “rắn” của SLNA.

Vầng hào quang tỏa sáng và tên tuổi của Nguyễn Hữu Thắng nổi bật hơn. Càng trưởng thành, người ta càng thấy Hữu Thắng lầm lì ít nói. Tuổi đời càng lớn, Nguyễn Hữu Thắng càng trở nên trầm tĩnh. “ở anh này không có sự khoe mẽ. Kín đáo có khi đến lạnh lùng, nhưng chịu khó tiếp cận lại thấy rất dễ gần”, một đồng nghiệp nhận xét.

Sự thân thiện, dễ gần đó, cũng là “chiếc cầu nối” để sau này – khi đã trở thành trợ lý HLV của SLNA – giúp Hữu Thắng tiếp cận tốt với các đồng nghiệp, đặc biệt là với đàn em như Văn Quyến, Quốc Vượng, Huy Hoàng…

Với thể lực sung mãn, lối đá xông xáo và đặc biệt là những cú xoạc bóng khôn khéo ngăn cản nhiều pha dốc bóng nguy hiểm của tiền đạo đối phương, Nguyễn Hữu Thắng nhanh chóng khẳng định vai trò trụ cột của mình ở vị trí trung vệ dập SLNA.

Anh ta cũng là điển hình cho lối đá “chém đinh chặt sắt một thời” của đội bóng xứ Nghệ và thường xuyên phải nhận thẻ. CĐV SLNA vẫn còn nhớ mãi hình ảnh một Hữu Thắng đầu quấn băng trắng tả xung hữu đột trước cầu môn đội nhà cản phá hàng loạt pha hãm thành của CSG trong trận đấu mà SLNA giành chiến thắng 2 – 0 ngay tại sân Thống Nhất.

Sau này khi đã là cầu thủ số 1 của làng bóng đá Việt Nam, trả lời câu hỏi của một phóng viên: “ở trong nước anh ngại đối đầu với hậu vệ nào nhất?”, Lê Huỳnh Đức đã nói ngay là Nguyễn Hữu Thắng! Huỳnh Đức còn nói thêm là lối chơi của Hữu Thắng quá rắn, dễ bị nhận thẻ, nhưng ĐTVN cần có những hậu vệ như thế!

Mới vào đội tuyển đã bị nghi bán độ

Năm 1996 lần đầu tiên Nguyễn Hữu Thắng được gọi vào đội tuyển quốc gia do HLV Weigang dẫn dắt. Tại SEA Games 18 ở Cheang Mai, Thắng đã cùng lứa “thế hệ vàng” như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Công Minh, Hữu Đang… bất ngờ làm nên lịch sử khi giành chiếc HCB lần đầu tiên về cho bóng đá Việt Nam sau nhiều năm chờ đợi chiếc huy chương tầm khu vực này.

Thế nhưng ngay chính lần đó, sau trận Việt Nam hòa Lào 1 – 1, Hữu Thắng và ba cầu thủ khác trong đội hình chính đã bị ông HLV người Đức chỉ mặt bảo: “Các anh bán trận này bao nhiêu tiền?”. Nếu không có sự can thiệp của cố trưởng đoàn Tô Hiền thì 4 cầu thủ này đã bị đuổi về nước.

Mặc dù hòa đội tuyển Lào, nhưng Việt Nam vẫn vào bán kết và giành chiến thắng trước Singapore. Chiếc Huy chương Bạc danh giá năm đó đã làm cho nguời ta quên đi câu chuyện của 4 cầu thủ nọ. Thế nhưng với Hữu Thắng, có lẽ anh ta không bao giờ quên.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG