Nhạt như….VPF

Nhạt như….VPF
Dấu ấn của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn hết sức nhạt nhòa, khi mà những người có trách nhiệm chính ở đây còn mải mê với những công việc khác, trừ nhiệm vụ chính.

VPF là tất yếu lịch sử

Mô hình của VPF là một điều gì đó hết sức mới mẻ đối với bóng đá Việt Nam, vốn tồn tại quá nhiều vấn đề bấy lâu nay dưới sự điều hành của một tổ chức trì trệ như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Cái mới, đến vào thời điểm VFF bị chỉ trích nặng nề về công tác điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp, trong đó tâm điểm là giải vô địch quốc gia V-League, thường được ủng hộ mạnh mẽ. Những người thai nghén VPF hiểu rõ điều đó, và việc cho ra đời công ty này khá thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu nhìn sang các nền bóng đá phát triển ở châu Âu thì mô hình VPF lại là một sự học hỏi, hay rập khuôn tùy thuộc vào cách hiểu hay nhìn nhận. Ngay tại châu Á, mô hình này cũng đã được triển khai thành công ở Nhật Bản và Hàn Quốc suốt cả chục năm qua. Học hỏi, tiếp thu những điều tốt đẹp hay tinh hoa của người khác chẳng có gì là xấu hổ, vấn đề là vận dụng vào điều kiện thực tiễn thế nào cho hợp lý mới đáng bàn.

Tại Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức hay Pháp, những công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp là một bộ phận của Liên đoàn bóng đá các nước. Nhiệm vụ chính của họ là lo khâu tổ chức thi đấu, sau đó là kiếm tiền từ bán bản quyền truyền hình, thu hút quảng cáo và tài trợ. Những việc khác còn lại Liên đoàn sẽ lo. Bản thân các công ty này cũng nằm dưới sự quản lý của các Liên đoàn, nghĩa là không có chuyện họ “bật” lại, thậm chí “chiến” với cấp trên trong bất cứ quyết định nào.

Mải “chiến đấu”, quên nhiệm vụ

Như đã nói ở trên, nhiệm vụ chính của VPF là tổ chức thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng nhìn lại thời gian gần hai tháng vừa qua, có thể nhận định rằng VPF chưa hoàn thành nhiệm vụ. Bạo lực diễn ra khắp nơi, từ sân cỏ lan lên khán đài, lan ra cả bên ngoài sân bóng, khiến lực lượng an ninh phải vã mồ hôi để vãn hồi trật tự.

Cầu thủ đạp thẳng vào mặt nhau dẫn đến trọng thương phải đi viện (Huy Hoàng - Samson), trọng tài bị tố cáo dùng “còi méo” (Vũ Bảo Linh), cổ động viên quậy tưng bừng (xe của đội Thanh Hóa bị ném vỡ tan kính, cầu thủ phải lên xe cảnh sát cơ động để rời sân), tất cả những vụ việc này không phải là tín hiệu tốt đối với một giải đấu chuyên nghiệp. Va chạm, sai sót là khó tránh khỏi, nhưng hành động và thái độ của VPF mới thực sự đáng bàn.

Cho đến nay, VPF chưa thể hiện được rằng họ làm tốt hơn VFF về công tác tổ chức thi đấu. Đó cũng là lẽ tất yếu bởi những người có trách nhiệm chính ở VPF còn bận lo việc khác. Cuộc chiến bản quyền truyền hình vẫn cứ dai dẳng khi Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, ông Nguyễn Đức Kiên, không ngần ngại đối đầu với cả VFF lẫn AVG, đơn vị đang nắm giữ bản quyền truyền hình Super League tới năm 2030 theo hợp đồng ký kết hồi năm 2010.

Đồng ý rằng khai thác bản quyền truyền hình cũng là một nhiệm vụ của VPF, nhưng chỉ là nhiệm vụ thứ yếu. Trọng trách chính của VPF vẫn là tổ chức các giải bóng đá, trong đó Super League được ưu tiên hàng đầu. Với những gì đang thể hiện, VPF dường như không đáp ứng được tiêu chí tạo ra một sân chơi công bằng, lành mạnh cho các đội bóng Việt Nam, như những ông bầu chủ chốt từng “rao giảng”.

Cứ lơ là nhiệm vụ thì nguy cơ một ngày nào đó VPF bị đóng cửa không phải là không có. Sự ra đời của VPF là một tất yếu lịch sử, nhưng việc VPF biến mất, nếu có, thì cũng chẳng quá đáng ngạc nhiên với tình cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại.

Những sự cố dười thời VPF

- Trận Sông Lam Nghệ An - Hà Nội T&T ở vòng 3 Super League, Huy Hoàng vào bóng nguy hiểm, bị Samson nhảnh tránh và đạp vào mặt dẫn đến chấn thương. Trọng tài Vũ Bảo Linh cầm còi trận ấy bị chỉ trích thiên vị đội khách.

- Trận Sài Gòn FC - Thanh Hóa ở tứ kết Cúp quốc gia, cổ động viên chủ nhà phong tỏa và ném đá vỡ kính xe đội khách, buộc hàng chục cảnh sát cơ động phải vào cuộc để giải vây cho thầy trò huấn luyện viên Triệu Quang Hà.

Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG