Nhiêu khê nhập tịch

Nhiêu khê nhập tịch
TP - Với tham vọng biến đội bóng của mình bá chủ V-League, nhiều ông bầu không ngần ngại dốc hầu bao để nhập tịch cho các ngoại binh. Thế nhưng quá trình Việt hóa các cầu thủ ngoại cho đến thời điểm cận Tết Canh Dần này không phải đã vạn sự như ý.
Nhiêu khê nhập tịch ảnh 1
Phan Văn Santos (phải). Ảnh T.Vũ

CLB mở đầu cho chiến dịch nhập tịch là Đồng Tâm Long An (ĐTLA) của bầu Thắng với việc thủ môn Santos là cầu thủ ngoại đầu tiên trở thành công dân Việt Nam để chàng thủ môn hộ pháp người Brazil có tên họ đầy đủ là Phan Văn Santos.

Chưa hẳn đã thành công

Lúc Santos mới nhập tịch, nhiều tờ báo vội vã ca ngợi việc này giúp tăng sức mạnh cho ĐTLA và cả ĐTVN, nhưng chuyện đời không đơn giản vậy. Phan Văn Santos ra mắt khán giả VN trong màu áo ĐTQG với thầy ruột là HLV Calisto ở Cúp bóng đá TPHCM 2008 khi ĐTVN chuẩn bị cho AFF Cup năm đó. Và thật trớ trêu, những sai lầm tệ hại của Santos ở giải này góp phần khiến ĐTVN trắng tay trong cả ba trận vòng bảng và bị loại sớm khỏi giải.

Santos sau đó đã bực dọc và nản chí giã từ luôn ĐT. HLV Calisto năn nỉ năm lần bảy lượt cũng không xong nên đành buông xuôi. ĐTLA, sau khi Santos nhập tịch, từ vị trí á quân tụt xuống hạng…10 ở V-League 2009.

Với tham vọng xây dựng đế chế Dream Team đệ nhị sau thời Zico Thái - Kiatisuk, bầu Đức cũng âm thầm biến hai tuyển thủ Thái Lan là Sakda và Nirut thành những người Việt ở phố núi Pleiku khi cả hai đều mang họ Đoàn.

Có hai người Việt gốc Thái ở vị trí trung vệ và tiền vệ thủ nhưng nhà cựu vô địch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã để thủng lưới với con số kỷ lục 42 bàn và đành chấp nhận về thứ 6 mùa V-League 2009.

Chạy đua Việt hoá, ĐKVĐ V-League Bình Dương mùa 2008 cũng đã nhập tịch thành công cho tiền đạo gốc Brazil - Kesley Alves thành Huỳnh Kesley, họ lấy theo họ vợ là Huỳnh Thị Lệ Lộc.

Không thể nói là Becamex Bình Dương từ sau khi Kesley nhập tịch thi đấu không thành công, nhưng đội cũng đã có những thời điểm chao đảo khi phải thay HLV trưởng Vital bằng HLV Mai Đức Chung giữa mùa giải và kết quả là Bình Dương không thể bảo vệ chức đương kim vô địch ở V-League 2009.

Không bền vững

Giờ thì nhập tịch đã trở thành trào lưu để tăng thêm sức mạnh của các đội bóng. Quanh chuyện này cũng lắm nhiêu khê mà đỉnh cao là cuộc bút chiến giữa báo giới thể thao với VFF sau khi VFF ra nghị quyết hạn chế cầu thủ nhập tịch ra sân. Và cuộc bút chiến chỉ tạm lắng xuống khi Bộ Tư pháp dỡ bỏ nghị quyết cấm vận của VFF.

Vậy là các đội lại âm thầm đua nhau nhập tịch cho các cầu thủ ngoại của mình. Theo bản danh sách chưa đầy đủ thì HAGL là CLB dẫn đầu V-League về số lượng đăng ký 8 cầu thủ. Xếp kế tiếp là V.Ninh Bình (7), ĐTLA (6), XM Hải Phòng (5), SLNA (4), Khánh Hòa (3)…

Các đội bóng còn lại hầu như đều có đăng ký cầu thủ nhập tịch. Và ngoài khả năng đá bóng thì không biết khả năng sử dụng tiếng Việt để giao tiếp và hội nhập cộng đồng đến đâu.

Sau những ầm ĩ thì giờ đây chuyện nhập quốc tịch cho cầu thủ ngoại ở Việt Nam đã trở nên khó khăn hơn khi Chính phủ ban hành nghị hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-11-2009).

Có lẽ vì vậy mà CLB Becamex Bình Dương thôi không nhập quốc tịch Việt Nam cho tiền đạo người Nam Phi - Philani nữa dù anh này đáp ứng tốt các điều kiện về thời gian thi đấu và nói khá sõi tiếng Việt. Lý do mà lãnh đạo CLB đưa ra là muốn tạo cơ hội ra sân nhiều hơn cho các cầu thủ nội và cầu thủ trẻ.

CLB K-Khánh Hoà cũng đang gặp khó trong việc nhập tịch cho hai cầu thủ Issifu và Jonathan. Ít nhất là ở lượt đi V-League 2010, K-Khánh Hoà vẫn chưa thể Việt hóa được hai cầu thủ này và vẫn phải sử dụng phương án ba ngoại binh trên sân chơi V-League.

Nhập tịch lợi hay hại và các CLB có nhiều cầu thủ nhập tịch có thành công như ý hay không, thời gian sẽ trả lời. Nhưng trong tương lai, khi bóng đá VN trở nên chuyên nghiệp hơn thì những chuyện "lình xình ruồi bu" về nhập tịch cầu thủ ngoại sẽ tự biến mất.  

MỚI - NÓNG