Nhiều VĐV nguy cơ mất vé dự Olympic

Kình ngư Ánh Viên là một trong 3 VĐV Việt Nam đã có vé chính thức tham dự Olympic Brazil 2016, trong khi mục tiêu của TTVN là 16-18 suất tham dự. Ảnh: VSI
Kình ngư Ánh Viên là một trong 3 VĐV Việt Nam đã có vé chính thức tham dự Olympic Brazil 2016, trong khi mục tiêu của TTVN là 16-18 suất tham dự. Ảnh: VSI
TP - Mục tiêu là giành 16-18 vé, nhưng đến thời điểm hiện tại thể thao Việt Nam mới chỉ chắc chắn 3 suất tham dự Olympic Brazil 2016. Cơ hội tranh đoạt huy chương cũng chưa được đảm bảo.

Vỡ kế hoạch

Tại giải bắn súng Vô địch thế giới lần thứ 51 diễn ra hồi tháng 9/2014 tại Tây Ban Nha, hai xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đã thi đấu rất xuất sắc. Hoàng Xuân Vinh về thứ 4 nội dung 50m súng ngắn bắn chậm, trong khi Trần Quốc Cường xếp thứ 6 nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Kết quả này đã giúp bắn súng Việt Nam đoạt 2 vé tham dự Thế vận hội Olympic Brazil 2016.

Nếu so với mục tiêu giành 16-18 suất tham dự Olympic, 2 suất trên và của kình ngư Ánh Viên rõ ràng chưa đủ làm hài lòng, cả đối với ngành thể thao và giới mộ điệu. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, ngành thể thao đã không tiếc tiền tập trung đầu tư cho hơn 50 VĐV trọng điểm. Tuy nhiên, ở nhiều nội dung đặt nhiều kỳ vọng, đang có những tín hiệu cho thấy khả năng “vỡ kế hoạch” là rất cao.

Một ví dụ như tại môn TDDC, 2 niềm hy vọng lớn nhất là Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng vừa thất bại ở giải Vô địch thế giới diễn ra tại Glasgow (Scotland) tháng 10 vừa qua. Theo quy định của Liên đoàn thể dục thế giới (FIG), chỉ các VĐV đoạt huy chương cá nhân nội dung đơn ở giải đấu này mới đạt chuẩn tới Olympic. Giải này Việt Nam có 5 VĐV tham dự, ngoài 2 VĐV nói trên còn có Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng (nam) và Đỗ Thị Vân Anh (nữ). Tuy nhiên, không VĐV nào giành quyền vào chung kết ở các nội dung tham dự.

Ở môn điền kinh, các VĐV được nhiều kỳ vọng nhất, như Nguyễn Thị Huyền (nội dung 400m, 400m vượt rào) đang sa sút phong độ một cách đáng lo ngại. Vấn đề của Nguyễn Thị Huyền đã được Tiền Phong và nhiều tờ báo khác đề cập nhiều trong thời gian vừa qua. Tổng cục TDTT, Bộ môn, Liên đoàn điền kinh và cả đơn vị chủ quản của Nguyễn Thị Huyền là Nam Định dường như chưa tìm được sự thống nhất cho kế hoạch tập luyện của cô. Chưa kể, Nguyễn Thị Huyền còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các vấn đề ngoài chuyên môn. Thành tích của Huyền đã giảm mạnh kể từ sau SEA Games 28. Cơ hội đoạt vé chính thức dự Olympic của Nguyễn Thị Huyền và cả môn điền kinh, như thừa nhận của Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy, là khá nhỏ.

Có cơ hội tranh đoạt huy chương tại Olympic Brazil?

Điều đáng lo ngại hơn, cơ hội tranh đoạt huy chương của Việt Nam tại Olympic Brazil cũng đang khiến giới chuyên môn lo lắng. Lý do bởi những niềm hy vọng lớn nhất vừa qua đều xảy chuyện. Với Phạm Phước Hưng, chuyên môn của anh dường như đang chững lại. Phan Thị Hà Thanh trong khi đó liên tục phải đối diện với chấn thương. Ngay tại SEA Games 28, Phan Thị Hà Thanh từng gây lo lắng do các vấn đề về sức khỏe.

Theo tìm hiểu, ngành thể thao thực tế đặt kỳ vọng tranh đoạt huy chương Thế vận hội 2016 rất lớn vào Ánh Viên và Thạch Kim Tuấn (cử tạ). Kim Tuấn được đánh giá đã vươn tới đẳng cấp thế giới ở hạng cân 56kg. Tuy nhiên, anh vừa qua bị chấn thương đầu gối và lưng. Vì việc này, Thạch Kim Tuấn đã phải bỏ tham dự giải Vô địch Đông Nam Á và châu Á. Hồi cuối tháng 9, Thạch Kim Tuấn đã cùng HLV Huỳnh Hữu Chí sang tập huấn tại Hungary. Theo kế hoạch, môn Cử tạ sẽ dự tranh giải Vô địch thế giới diễn ra tại Mỹ vào tháng 11 này. Nếu đạt phong độ cao, Kim Tuấn và các đồng đội có thể đoạt 3 suất tham dự Olympic Brazil 2016, tuỳ thuộc thành tích của đội tuyển. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp đó, số lượng vé chính thức tham dự Olympic của Việt Nam vẫn là khá ít so với hy vọng.

Suất tham dự Olympic Brazil thứ 3 của Việt Nam là của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, đoạt được tại SEA Games 28 (Singapore). Ở giải đấu này, không chỉ đoạt 8 HCV, phá 8 kỷ lục đại hội, Ánh Viên còn đạt chuẩn A tham dự Olympic Brazil ở các cự li 400m tự do, 400m hỗn hợp cá nhân và 200m hỗn hợp.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.