Nhìn lại Cúp Thủ đô: Bài học từ người Thái

Nhìn lại Cúp Thủ đô: Bài học từ người Thái
TP - Đội chủ nhà đã vô địch đúng như lời hứa của HLV A.Riedl trước giải. Nhưng đội tuyển rút ra được bài học gì, thu lượm được gì lại vẫn còn là một dấu hỏi.

Cái được rõ ràng nhất, dễ thấy nhất là HLV Riedl và VFF có thêm một chiếc Cúp vô địch trong bộ sưu tập, cho dù tất cả đều biết thực chất của chiếc cúp đó thế nào nếu so với chiếc cúp vàng giải vô địch Đông Nam Á hay tấm huy chương Vàng SEA Games.

Cái được nữa là việc phát hiện khả năng của tân binh Minh Chuyên (TMN.CSG) cho vị trí tiền vệ phòng ngự. Là một cầu thủ có thể hình tốt với chiều cao gần 1,8m, qua hai lần “thử lửa” tại giải (trận đầu chỉ xuất hiện ít phút thay thế vị trí của Hồng Minh) nhưng Minh Chuyên đã phần nào thể hiện những phẩm chất cần có của một tiền vệ thủ:

Cùng với Minh Chuyên, một số gương mặt “cũ mà mới” xuất hiện khá hiệu quả: Quang Thanh ổn định với vai trò hậu vệ phải sau khi không tìm được chỗ đứng trên hàng tiền vệ; Anh Đức chói sáng với 3 lần lập công để tranh suất đá chính của Thanh Bình đang tịt ngòi; Tô Vĩnh Lợi cho thấy sự chắc chắn và ổn định trong vai trò chốt chặn cuối cùng và sự trở lại ấn tượng của trung vệ Vũ Như Thành.

Dường như đó cũng là tất cả những gì bóng đá Việt Nam thu lượm được từ giải đấu này. Những Đình Luật, A Huỳnh, Đức Dương... đã không có cơ hội thể hiện mình.

Và quan trọng hơn, trên phương diện lối chơi, đội tuyển Việt Nam đã không thể hiện được chút tiến bộ nào, thay vào đó là một lối chơi nhạt nhòa, không có lối thoát khi gặp phải đối phương chơi chặt chẽ, quyết liệt.

Học người Thái

Trong khi đội tuyển Việt Nam loay hoay tìm kiếm một đội hình, một lối chơi thì người Thái, người Malaysia lại cho thấy những cách làm bóng đá đáng học hỏi.

Liệu các nhà làm bóng đá Việt Nam có tự hỏi, tại sao một lứa cầu thủ trẻ với những cầu thủ còn chưa qua tuổi 20 và đang trong quá trình tuyển chọn như U21 Thái Lan tại SHBank Cup, lại có thể chơi ngang ngửa với một đội tuyển Việt Nam “xịn” trong cả hiệp một và chỉ chịu thất bại trong hiệp hai do mất bình tĩnh?

HLV U21 Thái Lan Pongpanich khẳng định Capital SH Bank Cup 2006 đã giúp ông loại bỏ được ít nhất 7 cầu thủ không phù hợp với mục tiêu quy hoạch đội tuyển Olympic Thái Lan chuẩn bị cho vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.

Dù trẻ hơn, ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn song các cầu thủ Thái không ngại đua sức, tranh tài với “đàn anh”, thậm chí nhờ nền tảng thể lực tốt, họ cũng không hề thất thế trong những cuộc đấu tay đôi.

Về lối chơi, người Thái cũng rất nhuyễn trong cách vận hành sơ đồ chiến thuật và giữ kỷ luật chiến thuật chặt chẽ, qua đó giúp phong tỏa thành công các hướng tấn công của đội tuyển Việt Nam.

Không chỉ vậy, lối chơi của U21 Thái Lan cũng rất biến hóa khi họ luân chuyển sử dụng ít nhất ba sơ đồ chiến thuật chỉ trong một trận đấu: Từ lối chơi phòng thủ 5-3-2, 5-4-1 trong hiệp một sang lối chơi tấn công 4-4-2 trong hơn nửa đầu hiệp hai sau khi bị chủ nhà dẫn trước. Điều đó cho thấy cầu thủ trẻ Thái Lan được đào tạo rất bài bản.

Sau trận “chung kết”, ngoại trừ chỉ trích về lối chơi có phần thô bạo, HLV Riedl phải thừa nhận U21 Thái Lan đã chơi rất hay, dù không có cầu thủ thực sự nổi bật nhưng là một tập thể đồng đều, có sự liên kết chặt chẽ giữa các tuyến.

Cùng dựa trên một lực lượng cầu thủ nòng cốt ở độ tuổi U23 để xây dựng nhiều đội tuyển khác nhau, trong khi chúng ta vẫn chưa xác định xong mục tiêu thì người Thái đã kịp hoàn tất về cơ bản vấn đề nhân sự cho chiến lược dài hơi.

 Với cách làm việc như hiện nay, câu chuyện bao giờ bóng đá Việt Nam đuổi kịp cái bóng của người Thái, một lần nữa lại là dấu hỏi.

MỚI - NÓNG